Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Đề phòng quỹ ngoại tiếp tục rút vốn

(ĐTCK) Sau áp lực bán ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài khiến VN-Index liên tục giảm điểm, nhất là từ các quỹ đầu tư, dòng vốn ngoại đang dần quay trở lại và được xem là 1 điểm tựa để thị trường hồi phục. Tuy nhiên, trao đổi với nhà báo Hải Vân trong chuyên mục bàn tròn tuần này, các chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, nhà đầu tư vẫn nên đề phòng trước trường hợp khối ngoại sẽ lại bán ròng mạnh.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Đề phòng quỹ ngoại tiếp tục rút vốn

Sau một thời gian bán ròng, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng trong 3 phiên cuối tuần.  Liệu khối ngoại có tiếp tục “hỗ trợ” thị trường trong tuần tới (6/4 đến 10/4) không, theo ông/bà?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích, CTCK SBS

Đợt bán ròng kéo dài hơn 3 tuần lễ vừa qua đã tác động rất lớn đến thị trường dù giá trị bán ròng chỉ khoảng 1.100 tỷ đồng. Còn nhớ năm ngoái, khối ngoại cũng có một đợt bán ròng tương tự ngay trong tháng 3 với giá trị lên tới 1.700 tỷ đồng.

Thị trường hiện tại có PE khoảng 13.2, chưa phải là mức quá rẻ để mua vào và hoàn toàn có khả năng khối ngoại tiếp tục cơ cấu danh mục mạnh hơn trong thời gian tới.

Trong đợt vừa qua khối ngoại đã bán mạnh GAS, PVD, MSN, VCB, VIC, trong khi lại mua nhóm CTG, BID, DXG, KBC… 

Thị trường có thể dao động đi ngang theo xu hướng tăng nhẹ trong tuần tới và khả năng nhà đầu tư vẫn tiếp tục thận trọng trong giao dịch.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển kinh doanh, CTCK VNDirect

Dòng vốn ngoại rút mạnh trong tháng 3 vừa qua nổi bật là dòng vốn nóng của các ETFs, nhất là VNM ETF với những phiên rút tiền rất mạnh. Ngoài ra, dòng vốn từ một số quỹ đầu tư ngoại vẫn đều đặn thoái vốn ở những cổ phiếu như GAS, PVD, HAG, HPG...

Ở khía cạnh tích cực, dòng vốn ngoại vẫn mua vào rất đều đặn ở một số cổ phiến ngân hàng và nhóm ngành bất động sản, xây dựng hạ tầng cho thấy, mặc dù vẫn bị rút ròng nhưng dòng vốn ngoại vẫn có sự phân hoá rõ nét.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Đề phòng quỹ ngoại tiếp tục rút vốn ảnh 1

 Ông Nguyễn Trung Du

Theo quan sát của tôi thì trong tuần tới, thị trường có thể vẫn phải chịu áp lực rút vốn từ VNM ETF khi quỹ này vẫn duy trì mức chiết khấu âm tương đối, tuy nhiên áp lực từ lực bán của các quỹ đầu tư ngoại khác đã chững lại, nên nhìn chung, áp lực rút sẽ không còn lớn như các tuần cuối tháng 3. Do đó, giao dịch của khối ngoại tuần tới nhiều khả năng sẽ trầm lắng hơn và sức hồi phục của thị trường sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào sức khỏe của dòng vốn nội.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MB (MBS)

Quan sát kỹ động thái bán ròng trong thời gian qua, tôi nhận thấy áp lực bán ròng phần lớn đến từ NĐT tổ chức nước ngoài, trong đó ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến từ hai quỹ ETF tại Việt Nam là VNM ETF và FTSE Vietnam. Diễn biến thị trường chứng khoán từ đầu tháng 3 suy giảm liên tục đã khiến NAV của rổ danh mục các quỹ này sụt giảm.

Việc chênh lệch giữa NAV và giá khiến mức premium của quỹ VNM ETF từ tăng sang giảm -1,8% ngày 19/3 khiến VNM ETF bất ngờ bị rút 1 triệu CCQ. Tiếp sau đó, việc CCQ VNM ETF tiếp tục dao dịch chiết khấu mạnh khiến quỹ này rút liền liên tiếp trong các phiên sau đó trong các ngày 23/3, 25/3, 26/3, 27/3 và 30/3 với tổng lượng tiền bị rút khỏi quỹ lên đến 56,69 triệu USD. Bên cạnh đó, số liệu từ quỹ FTSE Vietnam cũng cho thấy sau khi giao dịch chiết khấu kéo dài, ngày 24/3 quỹ này bị rút 300.000 đơn vị, tương ứng bị rút khoảng 7,45 triệu USD.

Tính chung, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần cuối tháng 3, các quỹ ETF đã rút 64,15 triệu USD. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường suy giảm mạnh về nửa cuối tháng 3 khi các mã trong danh mục (VIC, PVD, MSN, HAG…) của hai quỹ bị bán ra.

Bên cạnh đó, một động thái có thể là một quỹ khác ngoài ETF có thể đã cơ cấu lại danh mục, trong đó họ bán ra mạnh các cổ phiếu dầu khí tập trung vào GAS, PVD, PVS… và mua vào các cổ phiếu ngân hàng(BID, CTG, VCB…), bất động sản(DXG, HBC, PDR…), hạ tầng(CII, HUT…) và một số mã khác như HT1, HHS, JVC, IMP…

Ngắn hạn, chúng tôi nhận thấy quỹ FTSE Vietnam đang giao dịch premium 0,.74%, nhưng VNM ETF vẫn giao dịch chiết khấu -1,49%. Do đó, chúng ta vẫn nên dự phòng trước trường hợp VNM ETF có thể bị rút thêm CCQ trong ngắn hạn. Ngoài quỹ ETF ra, chúng tôi nhận thấy NĐTNN khác đang quan tâm trở lại thị trường nhưng chỉ tập trung vào một số mã và ngành nhất định mà thôi nhưng vẫn có thể tác động tích cực tới thị trường chung.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC

Theo thống kê của chúng tôi, trong ngắn hạn, dòng tiền khối ngoại có xu hương rút ròng. Tuy nhiên, với việc thị trường đã giảm nhiều nên lượng rút ròng có thể không lớn.

Một số DN bắt đầu rục rịch công bố kết quả kinh doanh quý I, điều này có tác động sự phân hóa cổ phiếu trong thời gian tới không?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích, CTCK SBS

Thời điểm tháng 4 các doanh nghiệp bắt đầu công bố kết quả quý I và dự đoán năm nay kết quả kinh doanh các doanh nghiệp sẽ khả quan hơn cùng kỳ. Nhà đầu tư cũng sẽ có xu hướng giao dịch đón đầu những doanh nghiệp dự kiến có kết quả kinh doanh tăng trưởng và tất nhiên sẽ tạo sự phân hóa mạnh trên thị trường. Việc đón nhận kết quả quý I cũng là cơ sở cần thiết để nhà đầu tư dự đoán khả năng hoàn thành mục tiêu năm của doanh nghiệp có cơ sở hay không từ đó ra các quyết định đầu tư.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển kinh doanh, CTCK VNDirect

Thông tin từ kết quả kinh doanh quý I/2015 và các thông tin được công bố trong từ ĐHCĐ thường niên của nhiều doanh nghiệp sẽ là điểm nhấn trong giai đoạn thiếu thông tin như hiện tại.

Thông thường, các thông tin này là cơ sở quan trọng để dòng tiền đánh giá và chọn lọc các cơ hội cho năm 2015. Do đó, đây sẽ là yếu tố giúp thị trường có sự phân hóa tốt hơn và cũng là yếu tố hỗ trợ cho nhiều cổ phiếu trụ vững trong giai đoạn này.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MB (MBS)

Mùa báo cáo tài chính I và kỳ đại hội cổ đông đang tới gần và tôi cho rằng, sẽ tác động tích cực tới diễn biến riêng lẻ của từng nhóm cổ phiếu. Do đó, thị trường trong thời gian tới sẽ khá phân hóa bởi KQKD khả năng sẽ tiếp tục tích cực tại nhóm cổ phiếu Midcap nhưng khả năng yếu kém ở nhóm cổ phiếu Smallcap. Bên cạnh đó, những cổ phiếu thị giá vừa và nhỏ, khả năng được chia cổ tức cao chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của NĐT.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Đề phòng quỹ ngoại tiếp tục rút vốn ảnh 2

Ông Trần Hoàng Sơn 

Về cơ bản chúng tôi cho rằng, cơ hội thị trường năm nay sẽ có nhất là sau khi thị trường trải qua giai đoạn sụt giảm mạnh vừa qua nhưng sẽ chỉ chọn lọc ở những nhóm ngành mang tính chu kỳ cao và thực sự có sức bật nhờ sự hồi phục của nền kinh tế như ngân hàng, bất động sản, xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, xuất khẩu…

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC

Thị trường hiện giao dịch sideway. Do đó, thông tin về kết quả kinh doanh ảnh hưởng mạnh đến giá cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu dầu khí đã có những phiên hồi phục nhưng chưa có sự bứt phá mạnh. Tâm điểm thị trường vẫn dành cho một số cổ phiếu bất động sản đang có những thông tin tích cực. Đâu là nhóm cổ phiếu có khả năng bứt phá trong tuần tới, theo cảm nhận của ông/bà?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích, CTCK SBS

Diễn biến giá dầu trong thời gian qua diễn biến khá thất thường và chưa bao giờ qua được giá 55 USD/thùng. Những thông tin thị trường thế giới cho thấy giá dầu sẽ chưa thể phục hồi lại mức giá kỳ vọng 70 USD/thùng trong năm nay và điều này chắc chắn ảnh hưởng lớn đến ngành dầu khí Việt Nam và cả các doanh nghiệp liên quan.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Đề phòng quỹ ngoại tiếp tục rút vốn ảnh 3

Ông Nguyễn Hồng Khanh 

Đợt này, nhóm bất động sản và xây dựng sẽ tiếp tục là tâm điểm quan tâm của nhà đầu tư trong thời gian tới khi thị trường bất động sản quý I vừa qua cho thấy giao dịch bất động sản tăng lên hơn 70% so với cùng kỳ, đặc biệt là thị trường phía Nam tăng hơn 100%.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng tiếp tục gây tầm ảnh hưởng lớn lên thị trường do các hoạt động cơ cấu ngành đang diễn ra quyết liệt và khối ngoại cũng đang tăng cường giao dịch lớn với nhóm ngành này.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển kinh doanh, CTCK VNDirect

Theo tôi, hiện thị trường chung vẫn còn nhiều áp lực và rủi ro trong quá trình tích lũy tạo đáy. Dòng tiền trên toàn thị trường đã suy yếu đi rất nhiều sau tác động của Thông tư 36, lực hút từ IPO, quá trình tăng vốn ồ ạt của nhiều doanh nghiệp niêm yết và vốn ngoại rút ròng. Do đó, rất khó để kỳ vọng nhóm ngành nào thực sự bứt phá trong giai đoạn hiện tại.

Sự hồi phục kỹ thuật có thể đến với nhóm các cổ phiếu Bluechips đã giảm sâu thời gian qua nhờ dòng tiền mạo hiểm bắt đáy và số ít các cổ phiếu có câu chuyện riêng nổi bật sau những thông tin công bố từ ĐHCĐ, nhưng với dòng tiền yếu như hiện tại sẽ rất khó để tạo ra các biến động tăng đủ lớn.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MB (MBS)

Tuần tới, dòng tiền sẽ phân hóa theo yếu tố thông tin và khả năng các cổ phiếu trong các ngành sau có thể bứt phá như: bất động sản(DXG, HBC, NDN, KBC, CEO…), xây dựng hạ tầng(SD5, SD6, CII…), vật liệu xây dựng (CVT, BCC, HT1, HSG…), xuất khẩu (FMC, VHC, SNC…), ôtô phụ tùng (HHS, TMT, HTL…), hưởng lợi từ đầu vào giảm(PAC, BMP…)…

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC

Thống kê gần đây, lượng căn hộ giao dịch quý 1 tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Do đó. Chúng tôi dự báo nhóm cổ phiếu bất động sản. Vật liệu xây dựng sẽ là trụ đỡ thị trường thời gian tới.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục