Đại sứ Bùi Thế Giang: Ngoại giao cây tre đã gắn liền với Việt Nam hàng ngàn năm, nay được nâng lên thành lý luận

0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó chủ tịch Hội Việt - Mỹ phân tích về những thành tựu đối ngoại và ngoại giao của Việt Nam trong 3 năm nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là trong năm 2023.
Đại sứ Bùi Thế Giang: Ngoại giao cây tre đã gắn liền với Việt Nam hàng ngàn năm, nay được nâng lên thành lý luận

Từ một nước bị bao vây, cấm vận, cô lập, đến nay, Việt Nam đã thiết lập, mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có quan hệ đặc biệt với 3 nước, đối tác chiến lược toàn diện với 6 nước, đối tác chiến lược với 12 nước và đối tác toàn diện với 12 nước.

Các hoạt động đối ngoại diễn ra hết sức sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023. Việc đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoongloun Sisoulith, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen và nhiều nguyên thủ quốc gia các nước quan trọng khác đến thăm Việt Nam được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay”, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Có thể khẳng định, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác đối ngoại và ngoại giao của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước những năm qua. Và góp phần làm nên những dấu ấn đặc biệt đó không thể không kể tới “đặc sản” trường phái ngoại giao cây tre của Việt Nam.

Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, phóng viên Báo Đầu tư có dịp trò chuyện với Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó chủ tịch Hội Việt-Mỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Nhân dân, Vụ trưởng Vụ Tây Âu-Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc.

Với hơn 37 năm làm đối ngoại trong hơn 44 năm thâm niên công tác, ông Bùi Thế Giang đã từng có mặt tại nhiều sự kiện đối ngoại lớn của đất nước. Tính tới nay, ông đã chính thức nghỉ hưu (sau khi quá tuổi) được 8 năm, nhưng lịch làm việc vẫn dày đặc. Ngoài chuyên môn chính trị đối ngoại, ông Giang còn là người Việt Nam duy nhất từng tham gia phiên dịch cho tất cả 7 Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi đất nước thống nhất năm 1975 tới nay, từ các vị Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng. Ấy là chưa kể việc ông còn từng phiên dịch cho nhiều vị lãnh đạo Nhà nước như các Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Đại tướng Võ Nguyên Giáp..., là phiên dịch cabin cho hàng trăm hội nghị, hội thảo quốc tế trong và ngoài Việt Nam và biên dịch văn kiện của nhiều Đại hội Đảng cũng như hàng chục cuốn sách. Bởi thế, những câu chuyện về thành tựu trong công tác đối ngoại của Việt Nam năm 2023 và 3 năm đầu Nhiệm kỳ XIII của Đảng cùng những câu chuyện về trường phái ngoại giao cây tre của Việt Nam của ông luôn giàu dẫn chứng và những phân tích thấu đáo của một chuyên gia “có nghề”.

Ngày 24/5/2006, tại Hà Nội, ông Bùi Thế Giang phiên dịch cho Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan. (Ảnh: NVCC)

Ngày 24/5/2006, tại Hà Nội, ông Bùi Thế Giang phiên dịch cho Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan. (Ảnh: NVCC)

Quá trình công tác của Đại sứ Bùi Thế Giang:

+ Từ 1994 - 2007: Vụ trưởng Vụ Quốc tế Nhân dân (nay là Vụ Đối ngoại Nhân dân), Ban Đối ngoại Trung ương Đảng

+ Từ 2007 - 2012: Đại sứ, Phó trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, trong đó là Đại sứ, Phó Đại diện Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong 2 năm 2008 - 2009 khi Việt Nam lần đầu tiên được bầu vào cơ quan này

+ Từ 2012 - 2016: Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng

+ Sau hàng chục năm trực tiếp tham gia rất nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân cùng với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức nhân dân Việt Nam, (trong đó có những hoạt động có thể được coi là góp phần mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel), ông từng cùng với Giáo sư Võ Quý và bà Tôn Nữ Thị Ninh là 3 người Việt Nam đầu tiên tham gia với các đối tác Mỹ trong Nhóm Đối thoại Việt-Mỹ về chất độc Da cam/Dioxin. Trong nhiều năm qua, ông còn là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Việt-Mỹ và Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam-Đức.

+ Trong nghề “tay trái” phiên dịch và biên dịch tiếng Anh suốt hơn 40 năm qua, ông còn tham gia dịch cabin cho những khoá tập huấn đầu tiên do Việt Nam phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức về hầu như mọi lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế thị trường - một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với Việt Nam - từ khi đất nước mới mở cửa giữa thập niên 1980, góp phần vào việc làm phong phú thêm cho từ vựng tiếng Việt trong những lĩnh vực này.

+ Với tư cách phiên dịch, biên dịch và cán bộ chính trị đối ngoại, ông tham gia phục vụ nhiều Đại hội Đảng trong suốt 40 năm qua, bắt đầu từ Đại hội V (1982). Gần đây nhất, ông vẫn tiếp tục được giao chủ trì công tác biên dịch sang tiếng Anh các văn kiện Đại hội XIII của Đảng (2021).

HỒ HẠ - ẢNH: CHÍ CƯỜNG
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục