Thế giới năm 2024 và chính sách 'ngoại giao cây tre' của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Trong một thế giới đầy biến động của năm 2024, điều cần thiết là Việt Nam phải cụ thể hóa chiến lược “ngoại giao cây tre” trong kinh tế.
GS-TS. Trần Ngọc Thơ GS-TS. Trần Ngọc Thơ

Thế giới năm 2024 sẽ như thế nào?

Trong cuộc chiến giành ảnh hưởng toàn cầu, Mỹ và đồng minh nói về “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, còn khối Trung - Nga lại nói về một thế giới “đa cực”. Đối với phương Tây, “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” để nhằm củng cố hòa bình và ổn định. Điều này đòi hỏi tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và luật pháp quốc tế, bảo vệ các quốc gia nhỏ và hệ thống thương mại toàn cầu.

Trung - Nga cho rằng, nói thế là đạo đức giả. Theo quan điểm của Nga, Mỹ viết ra các quy tắc, áp đặt chúng lên các nước khác, nhưng sẽ phớt lờ chúng khi có dịp. Những ai tin theo điều này, theo quan điểm của Nga, về cơ bản là chư hầu của Mỹ. Nga và Trung Quốc tin rằng, sự suy giảm quyền lực toàn cầu của Mỹ là cần thiết và không thể tránh khỏi, để có một thế giới công bằng hơn, trong đó, quyền lực của Mỹ bị hạn chế và nhiều trung tâm quyền lực cùng hoạt động. Cũng theo Nga và Trung Quốc, điều này sẽ cho phép các nền văn minh khác nhau sống theo quy tắc riêng, thay vì phải tuân theo đồng thuận của Washington.

Đối với Mỹ và đồng minh, trên thực tế, đó chỉ là điều giả dối. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tin rằng, mặc dù ý tưởng về đa cực nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng nó thường bắt nguồn từ việc Nga và Trung Quốc muốn có các cực ảnh hưởng chỉ lợi cho riêng mình. Đối với Mỹ và EU, chiến sự Nga - Ukraine đã phá vỡ một trong những nguyên lý cơ bản nhất của “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Ngược lại, biện minh của Nga dựa chủ yếu vào luận điểm cho rằng, Ukraine đang bị kéo vào không gian văn minh phương Tây, do đó, trở thành một công cụ của trật tự thế giới do Mỹ thống trị. Thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt với một chính phủ thân phương Tây, thân NATO ở Kiev, Nga tuyên bố, đó không phải là hành động xâm lược hay vi phạm các quy tắc toàn cầu, mà là một nỗ lực nhằm bảo vệ lợi ích an ninh của Nga.

Nhiều nước khác lại nhìn nhận tranh giành ảnh hưởng toàn cầu của các cường quốc bằng thuật ngữ từ góc nhìn dung hòa của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar về sự cần thiết của một “trật tự quốc tế đa phương dựa trên luật lệ”.

Trong chuyên mục thế giới hướng đến năm 2024, tờ The Economist đặc biệt chú ý đến khả năng Trung Quốc sẽ theo đuổi 2 mục tiêu trái ngược nhau cùng một lúc vào năm 2024. Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tìm cách tập hợp và lãnh đạo một khối các quốc gia hoài nghi trật tự thế giới do Mỹ thống trị. Nhưng ngay cả khi chuẩn bị cho một thế giới đa cực và cạnh tranh giữa các cường quốc, nghịch lý là Trung Quốc vẫn tìm cách thể hiện mình như thể sẽ bảo vệ sự thống nhất toàn cầu một cách hữu hiệu.

Để thúc đẩy mục tiêu đầu tiên, Trung Quốc cáo buộc Mỹ và đồng minh đang châm ngòi cho một cuộc chiến tranh lạnh mới. Họ cảm nhận lúc này là thời cơ đánh bật phương Tây khỏi trung tâm các vấn đề thế giới. Những lời chỉ trích của Trung Quốc còn có yếu tố kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại, Bắc Kinh đang cáo buộc Mỹ và các nước phương Tây giàu có khác dựng lên các rào cản bảo hộ đối với thương mại tự do và gây nguy hiểm cho tương lai của toàn cầu hóa.

Theo thống kê từ Global Trade Alert, số lượng các công cụ bảo hộ tăng từ khoảng 9.000 biện pháp cách đây một thập kỷ, lên khoảng 35.000 hiện nay. Các nước nghèo càng không có điều kiện hưởng lợi từ việc phân phối lại đầu tư đang phải gánh chịu tình trạng nợ nần cao, tăng trưởng thấp và USD quá mạnh. Năm 2024, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ tìm mọi cách giảm nợ cho các quốc gia đang mắc bẫy nợ kinh niên với Trung Quốc. Nhưng nếu thâm hụt của Mỹ là cần thiết để tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế trong khi tăng trưởng toàn cầu gây thất vọng, thì USD sẽ tăng cao hơn nữa, làm trầm trọng thêm khó khăn của các nước nghèo. Khả năng ông Trump tái đắc cử mang đến tiềm năng cho tất cả những xu hướng này được khuếch đại.

Nhiệm kỳ thứ hai của Trump có thể đồng nghĩa với việc cắt giảm thuế sâu hơn nữa, do đó, thâm hụt lớn hơn và cuộc chiến thương mại sẽ leo thang hơn nữa. Giống như năm 2016, thị trường chứng khoán có thể phục hồi nếu ông Trump thắng cử vào tháng 11. Nhưng cuối năm 2024, mọi điều có thể xoay chuyển, kinh tế toàn cầu có thể không hạ cánh nhẹ nhàng do chủ nghĩa biệt lập Mỹ. Ông Trump công khai sử dụng chủ nghĩa biệt lập Mỹ để xúc phạm đối thủ Nikki Haley của Đảng Cộng hòa khi nói với đám đông ủng hộ rằng, “cô ấy là người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa; cô ấy chỉ thích quả địa cầu”.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tại cuộc họp thường niên tháng 10/2023, IMF đã đưa ra tính toán về những điều có thể xảy ra nếu thế giới rơi vào “chiến tranh lạnh” mới giữa 2 khối kinh tế địa chính trị đối địch, không buôn bán với nhau. Theo đó, nếu một cuộc chiến tranh lạnh thực sự xuất hiện, sẽ làm sụt giảm tới 7% GDP toàn cầu trong tương lai do dòng chảy thương mại, tài chính và thông tin thấp hơn. Các nhà kinh tế khác thậm chí còn đưa ra con số cao hơn ước tính của IMF.

Mỹ và thế giới có thể phải tìm kho từ vựng mới, nếu Trump đắc cử tổng thống

Để phục vụ mục tiêu thứ 2 - bảo vệ sự thống nhất toàn cầu, Trung Quốc định vị mình là quốc gia bảo vệ hiện trạng. Bằng cách này, Trung Quốc hàm ý, mình sẽ bảo vệ “các nguyên tắc cơ bản” của trật tự thế giới hiện tại, như được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc. Trung Quốc cũng sẽ xem mình là nước ủng hộ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hoặc ít nhất là ủng hộ các quy định của WTO.

Chiến lược “ngoại giao cây tre” của Việt Nam ngày càng được thế giới quan tâm và đánh giá cao: mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo, nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn.

Do lập luận dựa trên “các nguyên tắc cơ bản”, Trung Quốc vì vậy tuyên bố coi trọng nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ, nên nước này chưa bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Thay vào đó, Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải tính đến “các mối quan ngại an ninh chính đáng” của Nga, sau đó đề nghị hỗ trợ Nga giúp tái thiết Ukraine. Nhưng điều này cũng không ngăn các nước theo dõi sát sao cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông và nhiều khu vực khác trên thế giới.

Trong khi đó, ngay trong lòng nước Mỹ lại đang bị chia rẽ về vấn đề tài trợ cho Ukraine. Các đồng minh thì đang hoài nghi về “trật tự thế giới” của Mỹ. Cuộc chiến ở Dải Gaza thậm chí còn gây chia rẽ hơn khi nó đã chia rẽ EU và Mỹ (phủ quyết nghị quyết ngừng bắn của Liên hợp quốc), làm dấy lên những tuyên bố về tiêu chuẩn kép và phi lý của phương Tây. Những cuộc khủng hoảng khác có thể bộc lộ thêm sự chia rẽ hơn nữa: liệu EU có cùng Mỹ chiến đấu để bảo vệ Đài Loan cũng đang được đặt ra nghiêm túc đối với các đồng minh của Mỹ.

Xem ra, các khối đều tạo ra những hoài nghi với các nước về những lời nói và hành động của mình. Nếu nói ngắn gọn điều gì sẽ xảy ra trong năm 2024, tờ The Economist cho rằng, người Mỹ (và thế giới) sẽ phải tìm ra từ vựng mới nếu ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ.

Các vụ kiện cấp liên bang chống lại ông Trump khó có thể được khởi kiện trước ngày bầu cử 5/11/2024, bởi chiến lược pháp lý của ông Trump sẽ là trì hoãn, rồi kháng cáo. Kết quả là, lần đầu tiên, nước Mỹ sẽ có một bị cáo là ứng viên Tổng thống. Kho từ vựng “chưa từng có”, “chưa được khám phá”, “hỗn loạn” và “không thể tưởng tượng” vốn đã không đủ để nói về nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Nay, nước Mỹ và thế giới sẽ phải vắt óc tìm kho từ vựng mới nếu ông Trump đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai.

Năm 2016, ông Trump vận động tranh cử nhằm chấm dứt can thiệp của Mỹ ở Trung Đông. Nhưng chưa đầy một năm sau, ông ra lệnh phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào các mục tiêu trên lãnh thổ Syria. Năm cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông đã bị đánh giá bởi những sai lầm trong việc xử lý Covid-19 và hỗn loạn trong tranh cãi về kết quả bầu cử Tổng thống.

Tuy nhiên, chiến thắng thứ hai của Trump có thể được dự đoán là khủng khiếp hơn nhiều. Một số phân tích tiết lộ, Trump có khả năng sẽ chia các quốc gia thành 3 nhóm: (1) Đồng minh (vô ơn), nhạy cảm nhất là Mỹ sẽ từ bỏ Đài Loan (và có thể là Ukraine) và hành xử theo kiểu đổi chác với các đồng minh khác đang có thặng dư thương mại với Mỹ mà Trump cho là đang ăn bám; (2) Các quốc gia kẻ thù, với việc Trump có thể làm bất kỳ điều gì, thậm chí sẵn sàng là Tổng thống Mỹ đầu tiên bước qua biên giới Triều Tiên vào năm 2019; (3) Những quốc gia và khu vực Trump không quan tâm, nhất là vành đai đảo chính ở các quốc gia châu Phi. Không ai biết chắc Trump sẽ hành xử thế nào nếu mình thuộc một trong 3 nhóm trên. Có một điều chắc chắn rằng, trật tự thương mại toàn cầu sẽ bị xói mòn nghiêm trọng và bất ổn nhiều hơn.

Chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam

Trong bối cảnh vẫn chưa thể tìm ra từ vựng nào để nói về khả năng thế giới tiến vào năm 2024, và cho dù bất kỳ điều gì xảy ra, chiến lược “ngoại giao cây tre” của Việt Nam ngày càng được thế giới quan tâm và đánh giá cao: mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo, nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn.

Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, ngày 19/12/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhắc đến trường phái “ngoại giao cây tre” Việt Nam.

Điều cần thiết là, Việt Nam phải cụ thể hóa “ngoại giao cây tre” trong kinh tế. IMF vốn luôn ủng hộ tư duy thị trường đối với các nền kinh tế đang phát triển trong chính sách tỷ giá thả nổi và dòng vốn di chuyển tự do trong thu hút dòng vốn quốc tế nay đã bắt đầu thay đổi quan điểm trước bối cảnh quốc tế mới.

IMF ẩn dụ ngụ ngôn về cây sồi và cây sậy để khuyên các quốc gia đang phát triển cần thực hiện chính sách “uốn cong” để thu hút dòng vốn quốc tế. Cây sồi cao lớn sừng sững khinh khỉnh nhìn cây sậy bé nhỏ, yếu ớt, thấp bé dưới chân mình. Nhưng chỉ cần một trận cuồng phong, cây sồi bật gốc. Trong khi đám sậy linh hoạt luôn dựa vào nhau để chống lại gió bão, nên không gì có thể lay chuyển. Trong văn hóa người Việt, chuyện ngụ ngôn của IMF chính là “ngoại giao cây tre” trong kinh tế, mà nếu tìm ra hướng đi đúng đắn, Việt Nam có thể tận dụng thành công các khoảng trống kinh tế mà một thế giới bất định, thậm chí hỗn loạn năm 2024 mang lại.

GS-TS. Trần Ngọc Thơ
Đại học Kinh tế TPHCM/baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục