Động lực 2024, nhìn từ ngoại giao kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023, hoạt động ngoại giao ghi nhận nhiều dấu ấn nổi bật, tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế đối ngoại. Trong cuộc trò chuyện với Đầu tư Chứng khoán Tết Giáp Thìn, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Mỹ nhận định, dư địa để tận dụng không gian chính sách ngoại giao kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 còn rất lớn.
Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Mỹ Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Mỹ

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2023 là năm sôi nổi của hoạt động ngoại giao kinh tế. Là một nhà ngoại giao cấp cao, ông nhận xét thế nào về điều này?

Năm 2023 là một năm ghi nhận nhiều dấu ấn của hoạt động đối ngoại, với những đột phá mang tính lịch sử. Trước hết, đó là năm Việt Nam triển khai sôi động các hoạt động đối ngoại, cả về chiều rộng và chiều sâu, với tất cả các khu vực và các đối tác chủ chốt. Đáng lưu ý, quan hệ của Việt Nam với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới, nổi bật là quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác.

Việt Nam thể hiện nhất quán quyết tâm, lấy kinh tế làm trọng tâm, nên năm 2023, chúng ta tập trung khai thác kinh tế từ hoạt động đối ngoại. Khoảng 50 đoàn ngoại giao cấp cao vừa ra vừa vào Việt Nam, trong đó có 22 chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo chủ chốt và 28 chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo cấp cao các nước trên thế giới, khẳng định tầm vóc và vị thế mới của chúng ta trên trường quốc tế, đồng thời ghi nhận những thoả thuận tích cực, trong đó có nhiều thoả thuận về kinh tế.

Năm 2023, chúng ta đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Israel và đang tích cực đàm phán FTA với các đối tác khác; ký trên 70 văn kiện hợp tác của các bộ, ngành và gần 100 thỏa thuận hợp tác của các địa phương cùng hàng trăm thỏa thuận của các doanh nghiệp.

Đặc biệt, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9/2023 và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12/2023, với một loạt thoả thuận nâng tầm quan hệ Việt Nam - Mỹ, Việt Nam - Trung Quốc và tiếp đó là cả với Nhật Bản, đã tạo cho Việt Nam vị thế mới, môi trường chiến lược mới để tranh thủ cơ hội cả quan hệ chính trị lẫn quan hệ kinh tế.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở nhất thế giới

Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở nhất thế giới

Các hoạt động ngoại giao kinh tế đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại (ước tính chỉ đạt 2,6%), tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 mặc dù không đạt mục tiêu 6 - 6,5% nhưng con số 5,05% vẫn là mức khá cao trong khu vực. Kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn đạt gần 700 tỷ USD (trong bối cảnh các bạn hàng truyền thống ở châu Âu và Bắc Mỹ đều gặp khó khăn); tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022 (trong đó, FDI tăng 3,5%)… là những điểm sáng.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang nỗ lực nắm bắt và áp dụng các xu thế kinh tế mới, các mô hình kinh tế mới như ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và tranh thủ các luồng tài chính xanh. Chúng ta đã đạt được thoả thuận bước đầu với Mỹ về sản xuất chip bán dẫn, với Trung Quốc về vấn đề hạ tầng xanh…

Động lực đó trong năm 2024 sẽ ra sao, thưa ông?

Nhìn chung, năm 2023, Việt Nam có điểm mạnh thu hút đầu tư nước ngoài là giữ ổn định vĩ mô tốt, nối lại chuỗi cung ứng sau đại dịch cùng với quá trình phục hồi kinh tế khá hiệu quả, tranh thủ được các FTA và các thoả thuận đã ký kết khác; chuyển dịch theo các xu hướng, mô hình kinh tế mới…

Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn cả bên trong lẫn bên ngoài. Môi trường thế giới và khu vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, cạnh tranh địa chính trị và kinh tế giữa các nước lớn tồn tại dai dẳng, đe doạ đứt gãy chuỗi cung ứng trong bối cảnh kinh tế thế giới sau đại dịch chưa phục hồi hoàn toàn.

Trong khi đó, ba động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu) và ba khâu đột phá chiến lược then chốt (hạ tầng, khung chính sách và nhân lực) tiềm ẩn những vấn đề chưa chắc chắn.

Nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào xuất khẩu và FDI. Xuất khẩu vẫn tốt, nhưng chủ yếu dựa vào mặt hàng truyền thống và thị trường của những bạn hàng trực tiếp (hiện đang bị thu hẹp do kinh tế khó khăn). Đầu tư công khá tích cực, nhưng hầu hết là đầu tư cho hạ tầng và kích cầu sản xuất, trong khi tiêu dùng nội địa vẫn đang chờ hạ lãi suất và tăng lương cho người lao động.

Bên cạnh đó, khung chính sách giúp Việt Nam bắt kịp và tranh thủ các xu thế kinh tế mới của thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh chưa đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta hồ hởi đón nhận cơ hội về chip bán dẫn, nhưng hiện nhân lực cho lĩnh vực này vẫn chưa sẵn sàng.

Nhìn chung, năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đã chống chịu tốt với khó khăn, nhưng câu chuyện của năm 2024 phải là sự kết hợp cả sức chống chịu và tăng trưởng bền vững.

Vậy theo ông, kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam phải tìm kiếm cơ hội trong khó khăn như thế nào?

Cơ hội kinh tế trong lĩnh vực ngoại giao có rất nhiều, quan trọng là chúng ta đáp ứng được đến đâu. Đơn cử, hiện nay, câu chuyện địa kinh tế đang ghi nhận sự chuyển động nhiều chiều và đều có cơ hội cho Việt Nam.

Thứ nhất, tính rủi ro bất ổn của kinh tế toàn cầu và sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian qua đã dẫn đến sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, do các nước “không bỏ trứng vào cùng một giỏ”, không muốn phụ thuộc vào thị trường nào. Điều này càng phức tạp hơn khi kinh tế thế giới tiếp tục gia tăng tính phân mảnh do cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn. Việt Nam đang hưởng lợi từ chuyển động này khi đón nhận sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang.

Sự chuyển dịch thứ hai là câu chuyện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn khiến nhiều nước phải tìm cách giảm thiểu rủi ro. Với các công nghệ mới hoặc nhạy cảm, họ sẽ tìm đến các thị trường tin cậy hơn, thân thiết hơn. Cơ hội phát triển chip bán dẫn ở Việt Nam hiện nay là một ví dụ.

Sự chuyển dịch thứ ba liên quan đến các xu hướng phát triển mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, AI và công nghệ nói chung…). Nơi nào có chính sách tốt và môi trường đầu tư hấp thụ được thì dòng chảy đầu tư sẽ đổ vào đó. Các yếu tố xanh, giảm phát thải khí các-bon… giờ đây không còn là câu chuyện của môi trường hay công nghệ, mà nó là một yếu tố của thị trường. Thế giới đã thấy một Việt Nam đang chuyển đổi theo hướng đó và họ muốn cùng Việt Nam tháo gỡ các rào cản để có thể tranh thủ được nguồn vốn này.

Tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024 mới ban hành, Chính phủ nhấn mạnh, cần làm mới các động lực tăng trưởng cũ và thực thi hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Hoạt động ngoại giao kinh tế năm 2024 cần hỗ trợ nhiệm vụ này ra sao, theo ông?

Không gian làm mới các động lực tăng trưởng cũ còn rất nhiều. Muốn làm mới động lực tiêu dùng trong nước, cần xem người dân và doanh nghiệp có nhu cầu gì mới thì chính sách phải đáp ứng. Hoạt động ngoại giao kinh tế cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, bạn hàng, nôm na là Chính phủ đi bán hàng giúp doanh nghiệp. Việc này thời gian qua chúng ta làm khá tốt.

Với đầu tư công, không chỉ hướng vào hạ tầng, giao thông, mà cần xây dựng cả hạ tầng công nghệ, hạ tầng đổi mới sáng tạo… nhằm lan toả nhiều hơn nguồn vốn mồi.

Với xuất khẩu, nếu chỉ dựa mãi vào mặt hàng truyền thống như giày da, linh kiện điện tử, dựa vào FDI là chính thì tỷ trọng lớn kim ngạch xuất khẩu của chúng ta vẫn chưa vào túi chúng ta.

Các động lực tăng trưởng mới thì gần đây chúng ta nói rất nhiều, đó là thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh và tài chính xanh, chuyển đổi số, chất bán dẫn, tận dụng lợi thế các FTA… Tôi muốn nhấn mạnh thêm một động lực, đó là niềm tin.

Theo tôi, đổi mới sáng tạo, bền vững và tin cậy là ba đặc thù của động lực mới. Đừng bỏ chữ “tin cậy”. Thế giới đang ngày càng phân mảnh, trong xu thế đó, Việt Nam phải giữ được chữ tín để họ tìm đến hợp tác, đầu tư.

Ngoại giao kinh tế tạo ra các thoả thuận kinh tế, trong đó có FTA, nhưng mới đây một điều tra của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, hiện Việt Nam mới tận dụng được khoảng 30% các cam kết trong các FTA. Làm sao để cải thiện điều này?

Để tận dụng lợi thế của các FTA, điều quan trọng đầu tiên là phải nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế. Muốn thâm nhập vào thị trường khác thì mình phải có hàng hoá hấp dẫn, cạnh tranh. Ví dụ, câu chuyện nông sản của Việt Nam thường xuyên bị ách tắc ở cửa khẩu Trung Quốc, trong ngắn hạn thì không tốt, nhưng đó là một áp lực rất tốt cho dài hạn. Bởi nó sẽ thôi thúc hàng hoá Việt Nam ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của bạn hàng để đàng hoàng đi vào nước họ bằng đường chính ngạch.

Thứ hai, cộng đồng doanh nghiệp phải nhận thức những mặt gì phù hợp với mình và phấn đấu đạt được cái ngưỡng đó để đưa hàng hoá vào thị trường, đồng thời tự xây dựng năng lực để thích ứng và tranh thủ các cơ hội của FTA.

Cuối cùng, phải có khung chính sách của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển những lĩnh vực mà họ tranh thủ được. Ví dụ, lĩnh vực chip vật chất bán dẫn mà chúng ta thoả thuận với Mỹ (không phải FTA, nhưng có các thoả thuận song phương, đa phương với các nước liên quan đến kinh tế thương mại, đầu tư và công nghệ), không phải doanh nghiệp muốn là có ngay được, vì tham gia vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn rất khó. Khi đó, cần phải có động lực từ bà đỡ là Chính phủ.

Ông vừa nói, niềm tin là một động lực tăng trưởng mới. Có nghĩa rằng, Việt Nam sẽ gia tăng được lợi thế thu hút đầu tư khi định vị mình là một điểm đến tin cậy?

Đúng vậy. Tôi cho rằng, Việt Nam phải định vị mình là điểm đến tin cậy, chứ không phải giá rẻ, vì giá rẻ thì không cạnh tranh được với Trung Quốc. Tin cậy ở đây không chỉ theo nghĩa là hấp dẫn, mà còn theo nghĩa là bạn bè, an toàn và thân tình. Mà muốn tạo dựng niềm tin với đối tác nước ngoài thì lợi thế về đất và ưu đãi về thuế không phải là tất cả như trước đây.

Trước hết, Việt Nam cần xây dựng độ tin cậy bằng khung chính sách thân thiện và ổn định. Nhà đầu tư thấy đây là điểm đến an toàn và tin cậy thì họ sẽ đến, dù có thể lợi nhuận thấp hơn ở thị trường cũ. Thứ hai là phải tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, đừng để người ta đến đây rồi không làm được. Thứ ba mới là các ưu đãi về đất và thuế.

Việt Nam cần tranh thủ ngay những cơ hội này, bởi vì quan hệ ngoại giao với một số nước là vấn đề nhạy cảm, nếu để độ trễ 2 - 3 năm có thể cơ hội đó sẽ không còn, khi quốc gia hợp tác có sự thay đổi về người đứng đầu, về chính sách…

Hoàng Yến thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục