Việt Nam và UAE đẩy mạnh ngoại giao kinh tế hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ Thế giới (World Government Summit) lần thứ 9 tại UAE, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đã gặp gỡ và làm việc với Ban lãnh đạo Tập đoàn bán lẻ và siêu thị Al Maya, Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai (DIFC) và Công ty Năng lượng Mubadala nhằm thúc đẩy ngoại giao kinh tế Việt Nam - UAE.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu trao đổi với lãnh đạo Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai (DIFC) Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu trao đổi với lãnh đạo Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai (DIFC)

Gặp ông Kamal Vachani, Giám đốc Tập đoàn bán lẻ và siêu thị Al Maya, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đánh giá cao Tuần lễ hàng Việt Nam tại hệ thống Siêu thị Al Maya (28/9- 04/10/2022) và cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đẩy mạnh các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang UAE, đồng thời mong muốn Tập đoàn Al Maya hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal (tiêu chuẩn chung của Trung Đông về thực phẩm), hướng tới thu hút nhiều hơn người tiêu dùng UAE và khu vực vùng Vịnh đối với các sản phẩm Halal có xuất xứ từ Việt Nam.

Ông Kamal Vachani cho biết, Tập đoàn Al Maya luôn coi trọng phân khúc hàng xuất khẩu của Việt Nam, đánh giá các mặt hàng Việt Nam có chất lượng cao, đa dạng và đáp ứng tốt thị hiếu cũng như nhu cầu của người tiêu dùng tại UAE.

Tuy nhiên, giá nhập khẩu các sản phẩm này hiện vẫn có độ chênh tương đối lớn so với giá thị trường (giá gạo Việt Nam cao hơn giá mua từ các nhà cung cấp của Ấn Độ từ 12-15%, trong khi đối với ngành gạo, mức chênh lệch từ 3-5% đã được xem là khác biệt lớn).

Về ngành công nghiệp Halal tại Việt Nam, ông Kamal Vachani khẳng định, Al Maya sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn và đề nghị phía Việt Nam cử đầu mối và đội ngũ chuyên gia để sớm trao đổi trực tiếp hoặc trực tuyến với phía Tập đoàn. Với mạng lưới hơn 50 siêu thị tại UAE, Tập đoàn Al Maya được kỳ vọng sẽ đóng góp nhiều hơn trong việc xúc tiến thương mại Việt Nam- UAE.

Trao đổi với lãnh đạo của Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai (DIFC), Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đánh giá cao các trao đổi bước đầu giữa DIFC và Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam về đề án thành lập các Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC), dự kiến đặt tại hai Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, đồng thời mong muốn tham khảo kinh nghiệm của UAE về mô hình IFC phù hợp với điều kiện của Việt Nam từ góc độ quản lý Nhà nước, hệ thống tài phán, đặc biệt là cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại của IFC. Đây là các vấn đề cốt lõi mang tính chất quyết định, khi đề án trung tâm tài chính quốc tế là một trong các mục tiêu lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển tại Việt Nam trong giai đoạn hậu Covid-19.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu tặng quà lưu niệm cho ông Kamal Vachani, Giám đốc Tập đoàn Al Maya tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu tặng quà lưu niệm cho ông Kamal Vachani, Giám đốc Tập đoàn Al Maya tại buổi làm việc.

Ông Essa Kazim, Thống đốc DIFC cho biết, DIFC sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam. Tuy nhiên, ông cho rằng Việt Nam nên tham khảo thêm mô hình của các quốc gia, vùng lãnh thổ nhất thể khác như Singapore hay Cayman, do UAE là tập hợp của 7 tiểu vương quốc độc lập, trong khi tính độc lập và tự quyết là một nguyên tắc cốt lõi trong hoạt động của DIFC (có cơ quan tài phán độc lập hoàn toàn với hệ thống luật pháp của UAE).

Chia sẻ ý kiến này, ông Arif Amiri, CEO của DIFC cho biết, mong muốn sớm tổ chức họp trực tuyến với đầu mối phía Việt Nam về đề án IFC tại hai thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để trao đổi và thống nhất các vấn đề kỹ thuật, chuyên môn để DIFC hỗ trợ hiệu quả, thực chất cho đề án trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc với ông Saad Al Hajeri, Phó Chủ tịch cấp cao Mubadala Energy và ông Jasem Al Nuaimi, Phó chủ tịch các Ngành công nghiệp UAE, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho biết, hiện nay Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp kiểu mẫu (như KCN Việt Nam - Singapore (VSIP)), Thứ trưởng bày tỏ mong muốn Mubadala đầu tư đa ngành tại các khu công nghiệp này để cân bằng cán cân thương mại hai chiều (hiện Việt Nam đang xuất siêu khoảng 3 tỷ USD sang UAE), nối lại hợp tác với Petro Vietnam và tạo điều kiện cho Việt Nam nhập khẩu trực tiếp dầu mỏ của UAE với giá ưu đãi.

Hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - UAE (1993- 2023), Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho biết hai bên dự kiến sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm trong năm nay, trong đó có Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam- UAE tại Việt Nam, đồng thời khẳng định sẽ chuyển thư mời tham dự tới lãnh đạo UAE và Mubadala.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu chụp hình lưu niệm với ban lãnh đạo Tập đoàn Mubadala.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu chụp hình lưu niệm với ban lãnh đạo Tập đoàn Mubadala.

Ông Saad Al Hajeri, Phó Chủ tịch Cấp cao Mubadala Energy cho biết, Mubadala Energy hiện tập trung vào hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, khí tự nhiên và vận hành các nhà máy phát điện.

Về dầu mỏ, Tập đoàn Mubadala coi khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là phân khúc khách hàng chủ chốt và khẳng định sẽ xem xét bán dầu trực tiếp cho các đối tác Việt Nam.

Hiện Mubadala đang mở rộng đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi trị giá 100 triệu đô la và sẵn sàng trao đổi trực tiếp về khả năng hợp tác nếu phía Việt Nam có quan tâm và đề xuất cụ thể. Ông Jasem Al Nuaimi, Phó Chủ tịch các Ngành công nghiệp UAE khẳng định cam kết của UAE đối với các đối tác Việt Nam và bày tỏ mong muốn sẽ hoàn tất được một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ hoặc năng lượng sạch với đối tác Việt Nam trong năm nay.

Minh Hòa
(Từ UAE)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục