Đại lý “quên” trao quy tắc bảo hiểm cho khách hàng

(ĐTCK) Quy tắc bảo hiểm là văn bản quan trọng, không thể tách rời với hợp đồng bảo hiểm. Thế nhưng, theo chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Tiến Hùng, đang diễn ra tình trạng, khi giao hợp đồng/giấy chứng nhận bảo hiểm, quy tắc này bị “bỏ quên”, trong khi người mua vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề. 
Đại lý “quên” trao quy tắc bảo hiểm cho khách hàng

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về tình trạng “bỏ quên” quy tắc bảo hiểm hiện nay?

Là chuyên gia lâu năm trong ngành, tôi từng chứng kiến trực tiếp, cũng như nhận được nhiều thông tin về câu chuyện này.

Theo đó, hầu hết nhân viên kinh doanh/đại lý bảo hiểm (gọi chung là nhân viên bảo hiểm) của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường đều không chủ động trao đầy đủ văn bản quy tắc bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm.

 Chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Tiến Hùng.

Nếu người mua am tường và chủ động hỏi, thì nhân viên bảo hiểm mới cung cấp quy tắc bảo hiểm. Nhưng đa phần người mua chưa hiểu rõ điều này.

Đáng chú ý, ngay cả khi cung cấp quy tắc bảo hiểm cho khách hàng thì hầu hết doanh nghiệp đều không đóng dấu giáp lai chung với văn bản hợp đồng/giấy chứng nhận bảo hiểm để khẳng định đó là một bộ phận không thể tách rời của hợp đồng.

Với tình trạng này, khó có thể nói nhà bảo hiểm đã hoàn tất nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ cho người mua bảo hiểm.

Do đó, khi xảy ra tranh chấp giữa bên mua và bên bán bảo hiểm, khách hàng mới nhận ra đó là một tài liệu quan trọng, bởi nơi đây chứa nhiều nội dung chi tiết hơn hợp đồng bảo hiểm rất nhiều.

Riêng quy tắc bảo hiểm mọi rủi ro tài sản, điều khoản loại trừ có thể lên tới vài trang, nhưng người mua bảo hiểm không biết hoặc không có trong tay để đọc. Điều này dẫn tới cảm giác “bị lừa” khi phát sinh tranh chấp.

Về nguyên tắc, khi ký kết hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm có bắt buộc phải cung cấp quy tắc bảo hiểm hay không, thưa ông?

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, trong đó có quy tắc bảo hiểm.

Tại Việt Nam, trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, cụ thể là hợp đồng bảo hiểm tài sản và trách nhiệm dân sự, các doanh nghiệp bảo hiểm thường lập 2 loại văn bản đó là hợp đồng bảo hiểm và/hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm.

Trong hợp đồng bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm thường có dòng chữ: “Theo quy tắc bảo hiểm… được ban hành kèm theo Quyết định số… của Tổng giám đốc Công ty bảo hiểm…”. Bên cạnh đó, quy tắc bảo hiểm còn được đưa vào phần “Căn cứ” của nội dung hợp đồng bảo hiểm”.

Tuy nhiên, việc dẫn chiếu tài liệu (bằng cách ghi số và tên văn bản quy tắc) không thể hiện doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thông tin của mình.

Do đó, việc không chủ động trao quy tắc này cho bên mua bảo hiểm đồng nghĩa với việc người mua bảo hiểm chưa nhận được thông tin đầy đủ từ nhà bảo hiểm. 

Nhưng trong giấy yêu cầu bảo hiểm luôn ghi sẵn: “Sau khi đọc quy tắc điều khoản bảo hiểm, tôi đồng ý tham gia bảo hiểm tại Công ty”. Vậy sẽ ra sao nếu người mua bảo hiểm chưa hề biết đến quy tắc đó?

Thực tế, có không ít trường hợp người mua bảo hiểm ký tên vào tờ giấy in sẵn do doanh nghiệp bảo hiểm soạn ra, trong khi không được cung cấp quy tắc bảo hiểm.

Theo tôi, việc doanh nghiệp bảo hiểm không chủ động cung cấp quy tắc bảo hiểm mà vẫn để khách hàng ký vào hợp đồng/giấy chứng nhận bảo hiểm là vi phạm nghĩa vụ theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, thậm chí có dấu hiệu của tội gian lận quy định trong Bộ luật Hình sự. 

Vậy, theo ông, cần làm gì để xóa bỏ tình trạng này?

Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, việc không được trao quy tắc bảo hiểm sẽ khiến người mua bảo hiểm mất niềm tin vào nhà bảo hiểm và có cảm giác “bị lừa”.

Do đó, để tránh điều này, doanh nghiệp bảo hiểm cần kiểm soát chặt chẽ nhân viên, đại lý bảo hiểm trong việc bán hàng, cũng như thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.

Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm cần quy định rõ trong quy trình khai thác những văn bản mà đại lý cần cung cấp cho khách hàng. Cần có biên bản bàn giao hợp đồng, trong đó liệt kê rõ danh mục tài liệu liên quan đến hợp đồng bảo hiểm đã được giao cho phía khách hàng.

Nếu như vậy, có thể tránh được những tranh chấp không đáng có giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người mua bảo hiểm.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong vai trò là cơ quan quản lý cần sát sao, chặt chẽ hơn với những diễn biến trên thị trường, để sớm có sự điều chỉnh phù hợp.

Về phía người mua bảo hiểm, họ cũng cần tự trang bị kiến thức cần thiết trước khi ký hợp đồng để trở thành người tiêu dùng thông thái, tránh được những phiền phức sau này.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục