Tại phiên tòa sơ thẩm lần 1 diễn ra từ ngày 27/2/2017 đến ngày 8/3/20017, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa ra xét xử đối với 48 bị cáo về các tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau hơn 10 ngày làm việc, tòa án đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, trong đó có nội dung liên quan đến số tiền thất thoát 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vào OceanBank.
3 đợt góp vốn
Theo tài liệu điều tra bổ sung, ngày 18/9/2008, lãnh đạo PVN ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm nội dung “PVN sẽ góp 20% vốn điều lệ và cổ đông là cán bộ, công nhân viên của PVN đã tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt góp 10% vốn điều lệ OceanBank”.
OceanBank tiếp nhận cán bộ, công nhân viên của Ban trù bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt về làm việc. PVN đề cử nhân sự tham gia Hội đồng quản trị gồm 1 thành viên đảm nhận chức danh Phó chủ tịch, 1 thành viên kiêm chức danh Tổng giám đốc và 1 nhân sự tham gia Ban kiểm soát.
OceanBank chấp thuận tiếp nhận cơ sở vật chất, thiết bị đã được Ban trù bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt đã đầu tư, mua sắm.
Việc góp vốn được thực hiện thành 3 đợt. Đợt 1, ngày 1/10/2008, OceanBank phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, PVN thống nhất chủ trương góp 400 tỷ đồng (chiếm 20% vốn điều lệ) và cán bộ, công nhân viên của PVN góp 200 tỷ đồng (chiếm 10% vốn điều lệ).
Ngày 25/12/2008, ông Nguyễn Ngọc Sự, trên cương vị Phó tổng giám đốc PVN ký văn bản gửi OceanBank chấp thuận nộp 400 tỷ đồng mua cổ phần bằng nguồn tiền được rút trước hạn trong tổng số 600 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại OceanBank.
Đợt 2, ngày 31/5/2010, ông Vũ Khánh Trường, ủy viên Hội đồng quản trị PVN ký Nghị quyết số 465/NQ-DKVN về việc chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ từ 3.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng của OceanBank.
Ngày 6/8/2010, PVN gửi Văn bản số 6873 trình Thủ tướng xem xét chấp thuận được mua cổ phần tăng vốn điều lệ tại OceanBank để duy trì tỷ lệ nắm giữ phần vốn của PVN tại OceanBank là 20% vốn điều lệ.
Ngày 7/10/2010, Văn phòng Chính phủ có thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Công văn số 7119/VPCP-ĐMDN: “Yêu cầu bảo toàn, phát triển vốn đầu tư vào ngân hàng… Trường hợp khó khăn về vốn thì không nhất thiết nắm giữ 20% vốn điều lệ của OceanBank”.
Mặc dù vậy, ngày 27/10/2010, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc PVN ký Quyết định số 9756/QĐ-DKVN chấp thuận góp thêm 300 tỷ đồng vào OceanBank và trong cùng ngày, PVN chuyển tiền vào tài khoản của Ngân hàng.
Đợt 3, ngày 12/5/2011, ông Nguyễn Xuân Sơn - Phó tổng giám đốc PVN ký Văn bản số 124/CVNB-NXS gửi Hội đồng thành viên, với nội dung: “Trình Hội đồng thành viên xem xét và chấp thuận tiếp tục hỗ trợ và tăng vốn điều lệ tối đa (20%) vào OceanBank đợt này với số vốn tăng thêm 100 tỷ đồng trước ngày 15/5/2011”.
Khi đó, 3/7 thành viên đã ký chấp thuận đồng ý tại tờ trình của ông Sơn và ông Ninh Văn Quỳnh - Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán gửi báo cáo nêu thêm: “Nguồn tăng vốn điều lệ chủ yếu lấy từ nguồn cổ tức được chia năm 2010”. Sau đó, ngày 17/5/2011, PVN chuyển 100 tỷ đồng góp vào OceanBank.
Như vậy, tổng số tiền PVN góp vào OceanBank là 800 tỷ đồng (nắm giữ 20% vốn điều lệ), có nguồn gốc được hình thành từ kết quả sản xuất - kinh doanh.
Hiện tại, OceanBank được Ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng. Theo đó, PVN phải ghi nhận khoản lỗ tương đương 800 tỷ đồng, chấm dứt tư cách cổ đông và toàn bộ các quyền, nghĩa vụ tại OceanBank.
Sẽ làm rõ và cá thể hóa trách nhiệm
Theo kết luận điều tra bổ sung, việc góp vốn đợt 3 của PVN vào OceanBank nêu trên trái với quy định tại Khoản 2, Điều 55, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 là “một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng”. Do đó, có dấu hiệu sai phạm pháp luật của một số cá nhân trong Hội đồng thành viên, Ban tổng giám đốc, người đại diện vốn góp và Ban kiểm soát PVN.
Trong giai đoạn 2009 - 2013, OceanBank đã chi trả cổ tức cho cổ đông PVN số tiền 244,3 tỷ đồng.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra đang làm rõ và cá thể hóa trách nhiệm của lãnh đạo PVN quyết định việc góp vốn vào OceanBank và việc quản lý, sử dụng số tiền được chia cổ tức, vai trò của những người được cử tham gia đại diện phần vốn góp, quản lý vốn góp… dẫn đến việc PVN “mất trắng” số tiền 800 tỷ đồng vốn góp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để có đề xuất hình thức xử lý.
Do thời hạn điều tra bổ sung vụ án đã hết và hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật độc lập nên cơ quan điều tra ra quyết định tách nhóm hành vi này để giải quyết trong giai đoạn II của vụ án.