Ngày 27/7, Sở Y tế TP. Đà Nẵng cho biết, đang tiếp tục khẩn trương điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm đối với những trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19 có nguy cơ lây nhiễm cao. Đồng thời, công tác thu dung, cách ly điều trị cũng đang ngành y tế gấp rút triển khai.
Đến sáng 27/7, đã có kết quả 761 mẫu xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Đây là những trường hợp (F1) tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm covid-19, trong đó chủ yếu là tiếp xúc với bệnh nhân 416, hiện đang được cách ly, theo dõi. Có 285 trường hợp cách ly, theo dõi tại nhà; 276 trường hợp cách ly tập trung tại các khu cách ly, bệnh viện…
Liên quan đến tình hình phòng chống covid-19, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, khi Bệnh viện thực hiện kiểm soát, lên danh sách bệnh nhân và người chăm sóc thì trước thời điểm có quyết định cách ly, nhiều bệnh nhân và người nhà đã tự ý bỏ ra khỏi khuôn viên bệnh viện.
Cụ thể tại Khoa Tim mạch can thiệp có 15 người, khoa Ngoại tiết niệu có 15 người vắng mặt. Những người này hầu hết là người dân sống trên địa bàn TP Đà Nẵng, một số khác ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Bác sỹ Nguyễn Thành Trung - Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, Bệnh viện Đà Nẵng vừa có báo cáo gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng và các cơ quan chức năng về việc một số bệnh nhân, người nhà tự ý bỏ viện khi có lệnh phong tỏa cách ly.
“Bệnh việc đã thực hiện phong tỏa cách ly vào 13 giờ ngày 26/7 theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo. Tuy nhiên do tâm lý hoang mang, lo lắng nên một số bệnh nhân và người nhà tự ý bỏ viện ra về. Hiện tại, Bệnh viện Đà Nẵng đã gửi danh sách, đề nghị CDC phối hợp chỉ đạo việc rà soát, kiểm tra các trường hợp trên”, Bác sỹ Nguyễn Thành Trung thông tin.
Bệnh viện C Đà Nẵng đang được cách ly.
Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện việc phong tỏa vào đầu giờ chiều ngày 26/7 để phòng chống dịch bệnh COVID-19 sau khi phát hiện hai ca bệnh 416, 418. Hai ca bệnh trên thăm người nhân trước khi phát hiện dương tính và hiện tại cũng đang đang điều trị tại đây.
Tại Bệnh viện Đà Nẵng có hơn 6.000 người bao gồm y bác sỹ, bệnh nhân, người chăm sóc bệnh nhân và nhân viên y tế đang được cách ly bên trong.
Thành phố Đà Nẵng cũng đã tăng cường chi nhu yếu phẩm, thuốc men để phục vụ số lượng người này trong vòng 14 ngày cách ly.
Hoạt động tiếp tế nhu yếu phẩm có bệnh nhân trong thời gian này đều thông qua các trạm kiểm soát của bệnh viện, thực hiện khử trùng trước khi mang vào.
Hiện tại, Bệnh viện C , Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng cũng đã được Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 thông qua việc phong tỏa sau khi phát hiện các ca nhiễm Covid-19 từng đến để điều trị hoặc tới chăm người nhà tại đây.
Liên quan đến các biện pháp đang được triển khai, sáng nay, 27/7, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thực hiện giãn cách xã hội trên toàn TP. Đà Nẵng theo Chỉ thị 19 ngày 24/4/2020 về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 với mức độ cao, thời gian thực hiện từ 0h ngày 28/7.
Theo đó, cơ cấu lại các lực lượng trực chiến, lực lượng phản ứng nhanh, điều phối liên ngành hỗ trợ Đà Nẵng giống như bộ tư lệnh tiền phương.
Phản ứng kịp thời hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trước tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh tại Đà Nẵng. Hoàn thiện các kịch bản ứng phó với Covid-19.
Yêu cầu giãn cách xã hội với các nội dung đầy đủ trong Chỉ thị 19 đã nêu trên, bao gồm cả việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, phương tiện giao thông công cộng.
Tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động và các hoạt động khác, cơ bản dừng các hoạt động vận chuyển hành khách công cộng trừ trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên liệu sản xuất, hàng hóa; hạn chế tối đa hoạt động của phương tiện cá nhân…
Những người từ TP. Đà Nẵng đến Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác đều được xem xét xét nghiệm, trường hợp cần thiết thì cách ly y tế. Những trường hợp cảm, sốt, ho đều phải đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe.