Đà hồi phục mạnh mẽ của chứng khoán châu Á sẽ hạ nhiệt khi mối lo ngại suy thoái toàn cầu lấn át

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xu hướng hồi phục của các thị trường chứng khoán châu Á bắt đầu có vẻ bấp bênh khi một số nhà phân tích cảnh báo rằng, sự hưng phấn trước việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ nhanh chóng nhường chỗ cho thực tế nghiêm trọng về một cuộc suy thoái toàn cầu đang rình rập.
Đà hồi phục mạnh mẽ của chứng khoán châu Á sẽ hạ nhiệt khi mối lo ngại suy thoái toàn cầu lấn át

Chứng khoán châu Á đang hướng tới mức tăng tốt nhất trong tháng kể từ năm 1998 và tiền tệ châu Á cũng tăng mạnh nhất kể từ năm 2008 khi kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bớt thắt chặt chính sách tiền tệ hơn và việc Trung Quốc xoay trục khỏi chính sách Zero Covid, đã tạo ra cơn sốt mua vào. Điều đó đã đẩy chỉ số chứng khoán châu Á và một số loại tiền tệ vào vùng quá mua từ vùng quá bán chỉ trong vài tuần.

Tuy nhiên, sự đảo ngược nhanh chóng này được xây dựng dựa trên sự lạc quan mang tính thăm dò hơn là cơ sở chắc chắn, và một phần được thúc đẩy bởi việc đóng các vị thế short. Điều đó có nghĩa là mức tăng có thể giảm bớt trừ khi Fed thực hiện một đợt tăng lãi suất nhỏ hơn và chính quyền Trung Quốc tiếp tục nới lỏng các hạn chế về Covid trước sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm mới.

Eugenia Victorino, Trưởng bộ phận chiến lược châu Á tại Skandinaviska Enskilda Banken AB ở Singapore cho biết: “Các động thái gần đây là quá trớn và chúng khiến các nhà đầu tư phải điều chỉnh. Khi tăng trưởng toàn cầu có dấu hiệu suy yếu, rất khó để tiền tệ tiếp tục tăng giá nếu các cường quốc xuất khẩu của châu Á chịu áp lực”.

Tương quan chỉ số MSCI AC Asia Pacific, MSCI World Index, S&P 500 và Stoxx Europe 600 trong tháng 11/2022.

Tương quan chỉ số MSCI AC Asia Pacific, MSCI World Index, S&P 500 và Stoxx Europe 600 trong tháng 11/2022.

Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương đã tăng khoảng 13% trong tháng 11, vượt qua mức tăng của các chỉ số khác ở Mỹ và châu Âu. Chỉ số tiền tệ châu Á so với đồng đô la đã tăng 3,4% trong tháng 11, hướng tới mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ năm 2008.

Sau khi thua lỗ nặng nề trong phần lớn thời gian của năm nay, các nhà đầu tư dường như rất muốn tham gia vào thị trường vì sợ rằng họ có thể bỏ lỡ một đợt phục hồi. Trong khi các thị trường điều chỉnh giảm vào thứ Tư (16/11), thị trường có mức giảm khá khiêm tốn với chỉ số MSCI Châu Á giảm chưa đến 1%.

Nhưng một khi sự hưng phấn lắng xuống, mọi thay đổi nhỏ trong các tín hiệu của Fed và chính sách kiểm soát Covid của Trung Quốc sẽ được xem xét kỹ lưỡng hơn, khiến thị trường có nguy cơ biến động lớn hơn.

Chetan Seth, chiến lược gia cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương của Nomura Holdings cho biết: “Chúng tôi không nghĩ liệu đây có phải là khởi đầu của một đợt phục hồi bền vững hay không vì vẫn còn một số điều không chắc chắn về lộ trình của lạm phát Mỹ và chu kỳ tăng lãi suất của Fed. Thực tế là chúng tôi vẫn chưa thấy Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn và chúng tôi không biết điều đó xảy ra khi nào và như thế nào”.

Các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát nhận thấy lạm phát của Mỹ sẽ nóng hơn trong năm tới so với một tháng trước và tỷ lệ suy thoái tiếp tục gia tăng trong bối cảnh chi phí đi vay tăng. Trong khi đó, bất chấp lần nới lỏng gần đây nhất, Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tuân thủ chính sách Zero Covid trong năm tới.

Mặc dù vậy, sau nhiều tháng diễn biến tiêu cực, chứng khoán châu Á đã được dự đoán sẽ phục hồi và tiềm năng tăng trưởng cho các nền kinh tế đang phát triển vẫn còn rất lớn. Trong trung hạn, một số nhà quản lý tiền tệ dự đoán thị trường sẽ có diễn biến tích cực hơn.

Rajeev De Mello, nhà quản lý danh mục đầu tư vĩ mô toàn cầu tại GAMA Asset Management cho biết: “Đà phục hồi diễn ra nhanh đến mức tôi cho rằng sẽ có một số đợt giảm giá nhưng một cuộc nói chuyện ôn hòa hơn của Fed và các hành động chính sách ở Trung Quốc sẽ chứng minh cho một đợt phục hồi tiếp theo”.

Trong tháng 11, thị trường chứng khoán tại các thị trường mới nổi châu Á bên ngoài Trung Quốc đã thu hút gần 10 tỷ USD dòng vốn từ các quỹ đầu tư toàn cầu, đây là mức nộp ròng lớn nhất kể từ năm 2020. Nhưng con đường phía trước sẽ gập ghềnh khi các nhà đầu tư phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ và các chính sách có thể xảy ra ở Trung Quốc.

“Các ngân hàng trung ương châu Á sẽ phải xoay trục trước Fed và sẽ có mức định giá thấp, nhưng Fed vẫn chưa hoàn thành việc tăng lãi suất và các điều kiện tài chính của Mỹ dù nới lỏng nhưng vẫn thắt chặt hơn so với thời gian trước”, Frank Benzimra, trưởng bộ phận Chiến lược cổ phiếu châu Á tại Societe Generale SA cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục