Mặc dù thị trường bất động sản phục hồi mạnh mẽ, song theo số liệu của ngành ngân hàng, tín dụng bất động sản đang có xu hướng giảm. Tín dụng bất động sản hiện chỉ tăng trên dưới 8% và chỉ còn chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, giảm mạnh so với con số 10% của 2 - 3 năm trước đây.
Điều tích cực nhất trên thị trường bất động sản là nguồn vốn tư nhân đổ vào lĩnh vực này đang ngày càng nhiều, thể hiện ở chỉ số đòn bẩy tài chính của nhiều công ty bất động sản có dấu hiệu tăng. Thêm vào đó, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đi vào cuộc sống mạnh mẽ hơn, hoạt động mua bán, chuyển nhượng dự án bất động sản diễn ra sôi động.
Ông Huỳnh Bửu Sơn, Chuyên gia ngân hàng - tài chính
Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ có thêm một lượng tiền lớn tư nhân đổ vào thị trường này, qua đó kênh cấp vốn sẽ đa dạng hơn, giúp thị trường bất động sản phát triển mạnh hơn, giảm rủi ro cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng.
Tuy nhiên, với nhu cầu tín dụng bất động sản, tín dụng trung và dài hạn, cần có những giải pháp phát triển thị trường vốn, giúp doanh nghiệp, trong đó có chủ đầu tư dự án, huy động vốn nhiều hơn trên thị trường này, giảm phụ thuộc vào tín dụng.
Trên thực tế, tín dụng ngân hàng vẫn hướng vào bất động sản, nhất là đối với phân khúc khách hàng cho vay mua nhà. Cũng phải nhìn nhận, nhờ thị trường bất động sản ấm lên, ngân hàng mới xử lý được nợ xấu, từ đó khơi dòng chảy tín dụng. Tuy nhiên, do thị trường này luôn “ngốn” nguồn vốn lớn, trong khi không phải chủ đầu tư nào cũng có tiềm lực tài chính mạnh, nên nhiều chuyên gia lo lắng tín dụng chảy vào bất động sản sẽ làm phát sinh thêm nợ xấu cho ngân hàng.
Thị trường cần sàng lọc và cơ hội cho chủ đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh sẽ tồn tại, phát triển bền vững hơn. Ngược lại, các chủ đầu tư kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng sẽ khó có thể tồn tại được lâu dài. Đó cũng là lý do cần phải có sự bảo lãnh của ngân hàng đối với các dự án bất động sản. Cùng với chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và rủi ro khi đổ vốn vào lĩnh vực này, nhiều nhà băng đã thận trọng hơn khi cho vay.
Mặc dù chưa có dấu hiệu “bong bóng tín dụng bất động sản” khi tỷ trọng cho vay bất động sản của toàn hệ thống ngân hàng hiện chỉ đạt 6-7% tổng dư nợ của nền kinh tế, trong khi mức an toàn là 8 - 10%, song do dư nợ tín dụng tiêu dùng tăng ở mức cao và không loại trừ vốn tiêu dùng chảy sang bất động sản, nên cần kiểm soát chặt dòng tiền vào lĩnh vực này để tránh tình trạng nợ xấu cao lặp lại.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com