Sắp có gói vốn ưu đãi cho nhà ở xã hội

(ĐTCK) Theo Bộ Xây dựng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chấp thuận bổ sung 2.000 tỷ đồng, trong đó có một phần cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.
Người dân có thu nhập thấp đang chờ đợi gói vay ưu đãi cho nhà ở xã hội sau gói 30.000 tỷ đồng Người dân có thu nhập thấp đang chờ đợi gói vay ưu đãi cho nhà ở xã hội sau gói 30.000 tỷ đồng

Bộ Xây dựng vừa có công văn trả lời một số kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA). Trước đó, HoREA đã gửi nhiều kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ nhân Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp.

Theo HoREA, thị trường bất động sản 4 tháng đầu năm 2017 vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng và phát triển, nhưng đang có xu thế chững lại, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Để thúc đẩy thị trường phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững, HoREA gửi kiến nghị tới Thủ tướng và một số bộ, ban ngành về các giải pháp như xem xét sửa đổi cách tính tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp đã giải phóng một phần diện tích dự án...

Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng đánh giá cao các kiến nghị của HoREA. Cụ thể, đối với các kiến nghị liên quan dự án bất động sản nhưng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật khác do các bộ, ngành khác chủ trì, Bộ Xây dựng sẽ ghi nhận và có ý kiến với các bộ, ngành khi sửa đổi, bổ sung các quy định này.

Đó là các kiến nghị về cơ chế tính tiền sử dụng đất, sửa đổi bổ sung Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn; đề xuất cho doanh nghiệp được hạch toán bù trừ thu nhập từ kinh doanh bất động sản và hoạt động khác, kiến nghị về giải ngân đến hết hợp đồng với các trường hợp nhận nhà từ ngày 1/1/2017; bổ sung cơ chế tạo lập nguồn vốn tín dụng trung, dài hạn cho thị trường bất động sản.

Riêng các kiến nghị liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, Bộ Xây dựng đã có ý kiến cụ thể.

Theo đó, với kiến nghị cho phép chủ đầu tư chọn đơn vị thẩm định phê duyệt thiết kế xây dựng công trình cấp 1  (trên 20 tầng) để hạn chế lợi ích nhóm, Bộ Xây dựng cho rằng, việc chủ đầu tư có thể chọn cơ quan quản lý thẩm định là không phù hợp, cơ quan nhà nước không chủ động trong công tác thẩm định.

Hơn nữa, Nghị định số 42/2017/NĐ-CP vừa ban hành đã sửa quy định về cơ quan thẩm định theo hướng phân cấp rõ ràng đố với từng loại dự án như dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án nhóm A, B, C...

Về đề nghị miễn giấy phép xây dựng đối với dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng đã được duyệt và cho phép chủ đầu tư xây dựng trước phần móng và hầm công trình.

Bộ Xây dựng cho biết, quá trình sửa đổi một số luật liên quan đầu tư kinh doanh, Bộ đã đưa ra đề xuất miễn giấy phép xây dựng nhưng chưa được Quốc hội thông qua. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đề xuất trong quá trình rà soát, sửa luật tiếp theo.

Đối với kiến nghị giao quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở dưới 5.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng không đồng tình. Nguyên nhân, Luật Đầu tư và Luật Nhà ở đã phân biệt rõ phạm vi áp dụng, dự án 5.000 tỷ đồng hoặc di dân tái định cư từ 10.000 dân trở lên ở miền núi thì thực hiện theo Luật Đầu tư.

Các dựa án khác thực hiện theo Luật Nhà ở. Theo quy định, căn cứ vào quy mô sử dụng đất và số căn hộ thì dự án từ 2.500 căn trở lên thẩm quyền chấp thuận đầu tư thuộc Thủ tướng Chính phủ, vì số lượng căn hộ này tương đương với 1 phường. Trong khi theo quy định về địa giới hành chính, việc thành lập cấp phường phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Vì vậy, quy định hiện hành là hợp lý.

Về kiến nghị bố trí nguồn tái cấp vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Về nội dung này, Bộ Xây dựng cho biết, ngày 26/4/2017, UBTV Quốc hội đã đồng ý bổ sung 2.000 tỷ đồng, trong đó một phần dành cho Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng, phần còn lại bổ sung cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục