Vốn đổ vào phân khúc nhà ở
Lãnh đạo các nhà băng kỳ vọng, dư nợ tín dụng năm 2018 sẽ tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực. Vì vậy, ngay từ đầu năm, các ngân hàng đã tăng huy động để đảm bảo thanh khoản ở mức tốt nhất, nhằm cung cấp vốn cho nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.
Với tín dụng bất động sản, các ngân hàng đang tung ra nhiều gói cho vay với giá trị lên đến hàng ngàn, thậm chí chục ngàn tỷ đồng và đối tượng được hầu hết nhà băng nhắm đến là người mua nhà. Để cạnh tranh, thu hút khách vay, lãi suất cho vay cũng được ưu đãi ở mức tích cực.
Cụ thể, từ ngày 15/1/2018, ACB chính thức triển khai các gói vay ưu đãi lãi suất, với tổng vốn lên đến 15.000 tỷ đồng. Trong đó, 10.000 tỷ đồng dành cho đối tượng vay gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu về vốn vào dịp Tết với lãi suất 6,8%/năm và 5.000 tỷ đồng dành cho cán bộ, nhân viên của chính các doanh nghiệp đang giao dịch với ACB có nhu cầu mua nhà theo Chương trình “Ngôi nhà đầu tiên”.
Tập trung kích thích nhu cầu mua bất động sản là hướng đi hợp lý
Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, mục tiêu của Ngân hàng là hướng đến khách hàng cá nhân có nhu cầu về nhà ở. ACB cũng mong muốn cùng doanh nghiệp chăm lo đời sống nhân viên của các doanh nghiệp qua gói vay ưu đãi này. Chương trình “Ngôi nhà đầu tiên” đến nay đã đáp ứng nhu cầu của hơn 27.000 khách hàng.
Cũng theo lãnh đạo ACB, dư nợ cho vay mua nhà tại Ngân hàng cũng có mức tăng trưởng tốt trong năm 2017, với tổng dư nợ đạt khoảng 30% trong tổng dư nợ của khối khách hàng cá nhân và chiếm khoảng 55% trong tổng dư nợ của ACB. Tuy nhiên, theo ông Phát, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với phân khúc mua nhà năm 2018 khó có thể đột biến, mà chỉ cao hơn chút so với năm 2017.
Không chỉ cung cấp các gói tín dụng đơn lẻ cho người mua nhà, mà thực tế, các ngân hàng đã tham gia dự án bất động sản ngay từ đầu, từ việc cho chủ đầu tư vay, bảo lãnh cho dự án, đến việc cung cấp tín dụng mua nhà cho khách hàng.
Trong khi đó, OCB cũng tung ra gói tín dụng 3.000 tỷ đồng với lãi suất từ 5,99%/năm, áp dụng cho nhiều mục đích vay vốn khác nhau, như vay trả góp mua ô tô, vay mua bất động sản, vay sửa chữa nhà, vay sản xuất - kinh doanh… OCB cũng đang hỗ trợ 70% vốn cho khách hàng mua căn hộ tại Dự án Royal Park Bắc Ninh, thời hạn vay lên đến 20 năm, lãi suất từ 8,5%/năm.
Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB cho biết, Ngân hàng cũng đang tăng cường hợp tác với nhiều chủ đầu tư để cung cấp cho khách hàng nhiều cơ hội lựa chọn.
Không chỉ 2 cái tên kể trên, nhận định đây là phân khúc khách hàng tiềm năng và ít rủi ro, vì tài sản đảm bảo chính là căn hộ khách hàng mua, nhiều nhà băng khác cũng tung ra các gói tín dụng cho vay mua nhà, hoặc hợp tác với chủ đầu tư để cấp vốn cho người mua. Đơn cử, Viet Capital Bank đang tài trợ vốn cho khách hàng mua nhà tại Dự án Roman Plaza (quận Hà Đông, Hà Nội) do Hải Phát làm chủ đầu tư, với thời hạn vay lên đến 25 năm, lãi suất từ 7,9%/năm.
Lãi vay sẽ giảm?
Đánh giá về nhu cầu vay vốn mua nhà, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, cầu tín dụng mua nhà luôn có và tăng theo từng năm, nhất là trong bối cảnh giá căn hộ chung cư và lãi suất đang ở mức hợp lý như hiện nay.
Trong năm 2018, dòng vốn ngân hàng có nhiều cơ hội chảy vào thị trường bất động sản hơn nữa khi Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu dư nợ cho vay cao hơn năm 2017 khoảng 18-21%.
Bên cạnh đó, việc ngày 28/12/2017, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 19/2017/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 12/2/2018) theo hướng dãn tiến độ siết tín dụng bất động sản, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng bơm vốn vào thị trường địa ốc.
Cụ thể, Thông tư 19/2017 quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong năm 2018 là 45% thay vì xuống 40% như quy định trước. Từ năm 2019, tỷ lệ này sẽ được hạ xuống 40%.
Thực tế, trong năm qua, việc Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 50%, đồng thời nâng tỷ lệ rủi ro cho vay với bất động sản từ 150% lên 200% đã khiến dòng vốn ngân hàng vào thị trường bất động sản bị hạn chế, ảnh hưởng tới cả nguồn cung và cầu của thị trường.
Nếu theo quy định cũ, trong năm 2018, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ giảm xuống 40%, sẽ gây khó khăn lớn cho thị trường địa ốc. Do đó, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc ban hành Thông tư 19 sẽ ảnh hưởng tích cực lên thị trường bất động sản trong ngắn hạn.
Không chỉ giúp dòng vốn ngân hàng tiếp tục được bơm mạnh vào thị trường bất động sản, mà theo lãnh đạo một ngân hàng, khả năng lãi suất cho vay bất động sản cũng sẽ giảm nhẹ.
Ông Trương Đình Long cho biết, lãi suất vay luôn là một trong những quan tâm hàng đầu của khách hàng khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Thấu hiểu được mối quan tâm này, OCB đã triển khai từng chương trình lãi suất phù hợp cho khách hàng.
“Với các mức lãi suất ưu đãi và linh hoạt theo từng phân khúc khách hàng mà OCB đang triển khai, chúng tôi hy vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu hiện tại của khách hàng”, ông Long nói và cho rằng, mặc dù lãi suất huy động tăng, nhưng mức lãi suất cho vay sẽ vẫn đảm bảo hấp dẫn theo từng phân khúc khách hàng.
Không chỉ cung cấp các gói tín dụng đơn lẻ cho người mua nhà, mà thực tế, các ngân hàng đã tham gia dự án bất động sản ngay từ đầu, từ việc cho chủ đầu tư vay, bảo lãnh cho dự án, đến việc cung cấp tín dụng mua nhà cho khách hàng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị người dân nên thận trong trước khi quyết định vay vốn mua nhà. Bởi trong nhiều gói tín dụng mà ngân hàng đang triển khai hiện nay, mức lãi suất ưu đãi chỉ được các nhà băng áp dụng trong thời gian ngắn, từ 1 - 12 tháng đầu, sau thời gian này sẽ áp dụng theo mức lãi suất thị trường, khoảng 9 - 10%/năm. Do đó, người mua nhà nên cân nhắc khả năng trả nợ của mình và tìm hiểu kỹ về gói tín dụng trước khi quyết định vay vốn mua nhà.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com