Đã có biện pháp tránh “dồn toa” đấu giá IPO

(ĐTCK) Trước lo ngại số lượng doanh nghiệp bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tăng đột biến, có thể gây “dồn toa” trong khâu tổ chức IPO tại Sở GDCK, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đã có biện pháp xử lý.
Đã có biện pháp tránh “dồn toa” đấu giá IPO

Có dấu hiệu dồn ứ

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2014 của Bộ Tài chính vừa diễn ra, ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết, trong quý I/2014, cả nước cổ phần hóa (CPH) được 15 DN (xem bảng). Trong đó, hầu hết là các công ty mẹ - tổng công ty trực thuộc các bộ, riêng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), CPH được 10 công ty mẹ - tổng công ty.

Tuy lịch tổ chức IPO tại các Sở GDCK đang ngày một dày đặc, nhưng nếu so với yêu cầu phải đáp ứng tăng tốc IPO trong thời gian tới, để hoàn thành mục tiêu CPH hơn 200 DN trong năm nay, sắp tới lịch IPO sẽ còn dày đặc hơn. Điều này có thể gây nên tình trạng “dồn toa” trong khâu tổ chức IPO tại Sở GDCK.

Theo ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, qua thực tế triển khai các đợt IPO khá dày đặc cho các tổng công ty thuộc Bộ GTVT mới đây cho thấy, có biểu hiện quá tải trong khâu tổ chức IPO tại Sở GDCK. Để khắc phục tình trạng này, nhất là khi sắp tới số lượng DN IPO sẽ còn lớn hơn nhiều so với quý I, Văn phòng Chính phủ đã chỉ đạo UBCK khẩn trương xử lý.

Để thực hiện thành công kế hoạch CPH 432 DN từ nay đến hết năm 2015, 9 tháng còn lại của năm 2014 sẽ còn phải CPH ít nhất khoảng 200 DN nữa. Tính ra mỗi quý phải CPH gần 70 DN, lớn hơn gấp gần 5 lần so với số lượng DN đã CPH trong quý I/2014. Với số lượng DN tiến hành IPO tăng đột biến, dễ gây quá tải cho khâu tổ chức IPO tại các Sở GDCK nếu không có biện pháp xử lý.

Khắc phục bằng đấu giá điện tử

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK, cho biết, hiện bình quân một ngày các Sở GDCK phải tổ chức IPO cho hơn một DN. Để đáp ứng yêu cầu tăng tốc IPO thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCK đã yêu cầu các Sở GDCK tập trung rà soát, nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ tổ chức đấu giá, để “điện tử hóa” tối đa các khâu tổ chức bán đấu giá. Qua đó, giảm thiểu thời gian hoàn thành một cuộc IPO so với thực hiện nhiều công đoạn mang tính thủ công như trước đây.

“Đến nay, các Sở GDCK đã áp dụng phương thức đấu giá điện tử, nên khắc phục được tình trạng dồn ứ trong khâu tổ chức IPO…”, ông Sơn nói và lưu ý, theo quy định hiện hành, với những DN có số lượng cổ phần đưa ra IPO dưới 10 tỷ đồng, thì đơn vị chào bán có thể chọn các tổ chức tài chính trung gian (CTCK) để tổ chức bán đấu giá. Bởi vậy, nếu khâu tổ chức, phân luồng tốt, thì không xảy ra quá tải trong tổ chức IPO...

Theo Sở GDCK Hà Nội (HNX), trong quý I/2014, tuy diễn ra “làn sóng” IPO, có những thời điểm HNX tổ chức 2 phiên đấu giá/ngày, nhưng HNX đã tổ chức thành công 21 phiên bán đấu giá, tương đương 84% tổng số phiên đấu giá của cả năm 2013, trong đó có 19 phiên đấu giá IPO và 2 phiên bán tiếp phần vốn nhà nước.

Cũng theo ông Sơn, để hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư, cũng như TTCK, UBCK đang cùng với các Sở GDCK cân nhắc triển khai thêm các biện pháp gắn IPO với niêm yết. Điều này không chỉ khắc phục hạn chế hiện nay là sau khi IPO một thời gian dài DN vẫn không niêm yết, mà còn gia tăng sức hấp dẫn cho các đợt IPO, thu hút nhà đầu tư tham gia, đồng thời hỗ trợ tích cực cho DN hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn thông qua cải thiện quản trị, minh bạch thông tin. Đây cũng là giải pháp quan trọng cho sự phát triển của TTCK, thông qua việc cung cấp thêm lượng hàng hóa có chất lượng cho thị trường...                

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục