Cửa hẹp cho bảo lãnh IPO

(ĐTCK) Các đợt bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từ đầu tháng 2/2013 đến nay diễn ra dồn dập. Tuy nhiên, những cái tên CTCK gắn với các thương vụ IPO này với tư cách là nhà bảo lãnh phát hành hoàn toàn vắng bóng.
Cửa hẹp cho bảo lãnh IPO

Khó cho CTCK

Việc thiếu các quy định pháp lý chuyên sâu theo thông lệ quốc tế cho hoạt động bảo lãnh IPO, theo các chuyên gia, đang là nguyên nhân gây khó cho CTCK khi muốn tham gia hoạt động này.

Giám đốc ngân hàng đầu tư của một CTCK lớn nhìn nhận, ở Việt Nam, không có khái niệm bảo lãnh không chắc chắn, mà chỉ có bảo lãnh hoặc không bảo lãnh.

Một khi tham gia bảo lãnh, CTCK phải tiến hành các bước chặt chẽ, trong đó có triệu tập hội đồng đầu tư, để đánh giá DN dưới góc độ của một NĐT trước khi quyết định có tham gia bảo lãnh hay không, bởi dự phòng trường hợp IPO thất bại, CTCK phải “ôm” lượng chứng khoán bị ế.

Trong khi hiện tại, hầu hết các CTCK không sẵn sàng chấp nhận rủi ro này, nên họ e ngại cung cấp dịch vụ bảo lãnh IPO.

Điều này khác với cách cổ phần hóa giai đoạn trước năm 2007, khi thị trường cổ phiếu Việt Nam ở thời kỳ bắt đầu tăng tốc, khá nhiều CTCK sẵn sàng cung cấp dịch vụ bảo lãnh IPO, để nếu bán không hết lượng cổ phần chào bán, họ sẵn sàng “ôm” đầu tư dài hạn, vì nhận diện đây là một cơ hội đầu tư hấp dẫn.

“Vì khái niệm và quy định về bảo lãnh phát hành chứng khoán nói chung, bảo lãnh IPO nói riêng hiện còn thô sơ như vậy, nên gây khó cho CTCK...”, vị giám đốc trên nói và cho biết thêm, theo thông lệ quốc tế, có nhiều hình thức bảo lãnh như: cam kết chắc chắn, nỗ lực tối đa, nỗ lực một phần, đồng thu xếp vốn… Điều này tạo thuận lợi cho các CTCK tham gia các đợt bảo lãnh IPO.

“Đang bước vào giai đoạn IPO nhiều DN lớn, với giá trị cổ phần chào bán lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của nhiều CTCK chỉ vài trăm tỷ đồng, nhiều thì lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nên dù rất muốn, CTCK gần như không thể tham gia các đợt bảo lãnh IPO...”, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM Trịnh Hoài Giang lý giải.

Nhiều thương vụ IPO lớn liên tục diễn ra gần đây nhưng không xuất hiện các CTCK lớn, từng có kinh nghiệm bảo lãnh phát hành tham gia các đợt bảo lãnh IPO. Cái khó này còn bị “bó”, bởi chưa có quy định khuyến khích cơ chế đồng bảo lãnh, có nghĩa là nhiều CTCK cùng tham gia bảo lãnh cho một thương vụ IPO.

Một lý do khiến CTCK dè chừng tham gia bảo lãnh IPO, theo ông Giang, là hiện tại việc IPO gắn với niêm yết chưa được triển khai quyết liệt.

Theo thông lệ quốc tế, khi DN đủ điều kiện IPO, đồng nghĩa với đáp ứng các yêu cầu niêm yết, nên NĐT không quá quan tâm tới mua chứng khoán qua IPO hay qua thị trường niêm yết.

Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện nhiều DN sau khi IPO cả năm, thậm chí vài năm mới tính việc niêm yết, khiến NĐT e ngại rủi ro khi tham gia IPO.

Lý do là bởi suốt thời gian dài sau khi IPO, thông tin về hoạt động của DN ít được minh bạch, nên NĐT không nắm được những yếu tố tác động đến giá chứng khoán. Khi NĐT không mấy mặn mà tham gia IPO, CTCK gặp nhiều khó khăn cho thương vụ bảo lãnh IPO.

Lách cửa hẹp

Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, để thích ứng với điều kiện pháp lý đang bị “bó”, các CTCK đang lách triển khai dịch vụ bảo lãnh ở cấp độ ít ràng buộc trách nhiệm hơn là nỗ lực tối đa. Để triển khai dịch vụ này, CTCK có thể ký hai hợp đồng, hoặc một hợp đồng với DN IPO với 2 loại phí khác nhau.

Thứ nhất là CTCK hỗ trợ DN IPO bán được bao nhiêu vốn (mang tính đại chúng nhiều hơn), thì CTCK được hưởng mức phí trên tổng số vốn mà họ đã thu xếp bán thành công. Mức phí này không đáng kể, vì chịu sự khống chế của khoản chi phí cổ phần hóa, trong đó có tổ chức IPO do Ban chỉ đạo cổ phần hóa DNNN quyết định. Mức phí này cao nhất hiện tại cũng chỉ khoảng 1 tỷ đồng, còn phổ biến khoảng vài trăm triệu đồng…

Thứ hai, là phần thỏa thuận về mức phí mà DN IPO trả cho CTCK nếu hỗ trợ DN thành công trong bán vốn cho đối tác chiến lược với giá trị lớn. Mức phí này hiện dao động từ khoảng 1-2% tổng giá trị phần vốn mà CTCK thu xếp bán được. Mức phí này do hai bên tự thỏa thuận, đồng thời không chịu khống chế của chi phí cổ phần hóa, nên đây mới là khoản phí đáng kể mà CTCK thu được.

Dẫu vậy, mức phí bảo lãnh IPO không phải là toàn bộ lợi ích mà CTCK nhắm tới. Lý do là bởi hoạt động này với CTCK chỉ là bước mở màn cho việc cung cấp chuỗi sản phẩm, dịch vụ cho DN hậu cổ phần hóa như: tư vấn niêm yết, tư vấn thu xếp vốn, tư vấn M&A; đồng thời, mở ra cơ hội hấp dẫn cho CTCK tham gia đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết của DN tư vấn.

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục