“Khoảng trống” cơ chế
Có chủ trương cổ phần hóa (CPH) từ năm 2006, nhưng Vietnam Airline không dưới một lần lỗi hẹn IPO trong năm qua. Tình trạng này rất có thể vẫn lặp lại trong năm nay, bởi một số vướng mắc đang gặp phải trong quá trình CPH, theo ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch HĐTV Vietnam Airlines là do “khoảng trống” cơ chế. Vướng mắc nảy sinh khi cuối tháng 1/2014, sau 75 ngày kiểm toán kết quả xác định giá trị DN của Vietnam Airline, Kiểm toán Nhà nước đi đến kết luận: phải làm rõ hai nội dung quan trọng.
Nội dung thứ nhất liên quan đến định giá tài sản là máy bay. Theo Kiểm toán Nhà nước, do đây là lần đầu tiên ở Việt Nam phải định giá máy bay để CPH, trong khi hành lang pháp lý hiện không có quy định chi tiết, nên chưa đủ cơ sở để định giá chính xác loại tài sản này. Do vậy, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Vietnam Airlines và đơn vị tư vấn xác định giá trị DN báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Nội dung thứ hai, theo quy định hiện hành, toàn bộ chi phí đào tạo trong quá trình hoạt động của DNNN được tính vào giá trị DN. Quy định này phù hợp với nhiều loại hình DN, nhưng với DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng không đặc thù như Vietnam Airlines, do phi công và kỹ sư máy bay phải gửi đi đào tạo ở nước ngoài, nên việc tính khoản chi phí này vào giá trị DN là không hợp lý. Thực tế, nhiều lao động, sau khi được Vietnam Airlines tuyển dụng, gửi đi đào tạo ở nước ngoài, sau đó nếu đáp ứng các yêu cầu của Vietnam Airlines mới được chính thức tuyển dụng. Do đó, nếu tính toàn bộ khoản chi phí trên 700 tỷ đồng mà Vietnam Airlines chi cho đào tạo nguồn nhân lực trong những năm qua vào giá trị DN thì không hợp lý.
Để tháo gỡ vướng mắc này, ông Thanh đề nghị, Kiểm toán Nhà nước, đơn vị tư vấn xác định giá trị DN cần phối hợp với Vietnam Airlines sớm thống nhất cách xử lý, để đề xuất Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính xem xét, trước khi trình Chính phủ quyết định.
Đầu tháng 3 sẽ trình kế hoạch IPO
Với những điểm vướng trên, thời điểm chốt phương án xác định giá trị DN của Vietnam Airlines vẫn bất định. Nếu những vướng mắc này không sớm được tháo gỡ, rất có thể Vietnam Airlines tiếp tục lỗi hẹn IPO vào quý II/2014 như yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải.
Ông Thanh cho hay, Vietnam Airlines đang nỗ lực phối hợp với các bên liên quan, để sớm giải tỏa những vướng mắc. Sau khi cùng đơn vị tư vấn xác định lại giá trị DN, ngày 24/2 tới, HĐTV Vietnam Airlines sẽ họp, tiếp đó ngày 25/2, Ban chỉ đạo CPH Vietnam Airlines sẽ họp, để chốt phương án xác định giá trị DN trước khi trình Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải xem xét quyết định vào ngày 28/2. Nếu mọi việc thuận lợi, kế hoạch IPO Vietnam Airlines sẽ được trình Chính phủ vào đầu tháng 3/2014. Với kế hoạch này, Vietnam Airlines sẽ thực hiện xong việc chuyển đổi thành công ty cổ phần trong năm 2014, bắt đầu hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/1/2015.
Liên quan đến tìm kiếm NĐT chiến lược, ông Thanh cho biết, hiện có nhiều định chế tài chính, cũng như các hãng hàng không muốn tham gia đầu tư vào Vietnam Airlines. Vấn đề lớn nhất hiện tại đối với Vietnam Airlines là làm sao chọn được NĐT chiến lược, để mở rộng mạng đường bay quốc tế, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Chúng tôi đang tiếp xúc với một số cổ đông tiềm năng, nhưng với NĐT nước ngoài, vấn đề họ quan tâm nhất hiện tại là Vietnam Airlines được định giá bao nhiêu, khi đó họ mới trả lời có trở thành cổ đông chiến lược hay không. Với hiện trạng này, có thể tiến độ IPO sẽ chậm…”, ông Thanh nói và đề nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải quan tâm chỉ đạo, để sớm chốt phương án xác định giá trị DN, trên cơ sở đó đảm bảo cho việc triển khai CPH Vietnam Airlines đúng lộ trình.