Cuộc đào thải trên thị trường bán lẻ

Thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến cú “ngã ngựa” của nhiều doanh nghiệp nước ngoài sau một thời gian cạnh tranh và chấp nhận bị đào thải.
Thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua diễn ra sôi động với nhiều vụ mua bán - sáp nhập. Thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua diễn ra sôi động với nhiều vụ mua bán - sáp nhập.

Doanh nghiệp nước ngoài thoái lui

Thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua diễn ra sôi động với nhiều vụ mua bán - sáp nhập và đã tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thông qua các thương vụ M&A, góp vốn và mua cổ phần đã lên tới hàng chục tỷ USD. Nhiều mặt bằng bán lẻ đắc địa đã rơi vào tay khối ngoại, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp trong nước.

Trong đó, nhà đầu tư Thái Lan mua lại toàn bộ Metro, Big C; hoặc mua lại một phần vốn góp tại Điện máy Nguyễn Kim, hệ thống siêu thị Lan Chi). Các nhà đầu tư Nhật Bản mua phần vốn góp, cổ phần trong Điện máy Trần Anh, Citimart... Những diễn biến này khiến nhiều người quan ngại rằng, doanh nghiệp nước ngoài đang dần chiếm lĩnh thị trường bán lẻ nội địa.

Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, không có chuyện hệ thống bán lẻ trong nước bị các doanh nghiệp nước ngoài thao túng và chiếm lĩnh thị trường. Nhìn vào thị phần của khối doanh nghiệp có vốn nước ngoài trong thị trường bán lẻ, có thể nhận thấy điều này.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ, thành phần kinh tế có vốn FDI hiện chỉ chiếm 3,5 - 4%.

Thực tế, kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài không hề dễ dàng và không được như kỳ vọng ban đầu của họ.

Metro Cash & Carry (Đức) sau một thời gian kinh doanh tại Việt Nam đã bán lại cả chuỗi 19 siêu thị cho TC Land (Thái Lan) vào năm 2015 và từ đó đến nay, TC Land vẫn trong quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình hình doanh mà chưa mở mới được siêu thị nào.

Còn Casino (Pháp) đã bán lại chuỗi 66 siêu thị Big C cho BJC (Thái Lan) và hiện BJC vẫn đang trong quá trình ổn định tổ chức, mới mở thêm duy nhất một siêu thị tại Hà Nội.

Trong khi đó, đến nay, Parkson đã đóng cửa 5/9 trung tâm thương mại và báo lỗ liên tiếp 8 năm gần đây. Cần phải nói thêm, bước chân vào thị trường bán lẻ Việt Nam từ năm 2005, Parkson từng có những “năm tháng huy hoàng” trong giai đoạn 2005 - 2010.

Tuy vậy, từ năm 2011, việc kinh doanh của tập đoàn đến từ Malaysia này gặp vấn đề và liên tục thua lỗ. Đầu năm 2018, trung tâm thương mại cuối cùng của Parkson tại TP.HCM đã đóng cửa, đánh dấu sự rút lui hoàn toàn tại thị trường Việt Nam.

Trước khi đóng cửa hoàn toàn, kết quả kinh doanh của Parkson ở Việt Nam được đánh giá là kém nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Doanh nghiệp FDI tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam chiếm 25 - 30% thị phần và tập trung chủ yếu ở phân khúc bán lẻ hiện đại. Trong đó, chiếm khoảng 15% thị phần của phương thức bán lẻ qua trung tâm thương mại, siêu thị có diện tích trên 500 m2, 50% thị phần của phương thức bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi, 10% thị phần của phương thức bán hàng qua siêu thị mini và khoảng 50% thị phần của phương thức bán lẻ không qua cửa hàng.

Nguồn: Bộ Công thương

Về phần mình, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) cũng không dễ dàng “bơi” trên thị trường bán lẻ. Cuối năm 2018, họ phải chuyển lại 30% cổ phần trong hệ thống 23 siêu thị Fivimart - Aeon cho Vingroup để Vingroup sở hữu 100% hệ thống này.

Sau 8 năm hoạt động, Aeon mới mở được 4 trung tâm thương mại, thay vì kỳ vọng vài chục trung tâm như ban đầu.

Gần đây nhất, ngày 16/5/2019, Tập đoàn Auchan (Pháp) đã tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam sau 5 năm hoạt động và chuyển nhượng lại chuỗi 18 siêu thị cho một doanh nghiệp nội.

Quyết định đóng cửa chuỗi siêu thị Auchan tại Việt Nam được Chủ tịch Tập đoàn Auchan Retail cho biết là kinh doanh không khả quan.

Doanh nghiệp nội lấn át

Việc thích nghi với thị trường bán lẻ Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài không như kỳ vọng đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam giành lại thị phần.

Chẳng hạn, hệ thống Vimart và Vinmart+ của Tập đoàn Vingroup đã gây dựng được 1.700 siêu thị mini và hơn 100 siêu thị trên 44 tỉnh, thành phố trên toàn quốc (bao gồm 2 thương vụ mua lại 23 siêu thị Fivimart và 87 cửa hàng tiện lợi Shop & Go) và trở thành nhà bán lẻ đứng đầu ở Việt Nam chỉ sau 4 năm.

Còn Saigon Co.op đang đi đầu về doanh thu năm 2018, đạt xấp xỉ 32.000 tỷ đồng. Thừa thắng xông lên, Saigon Co.op chính là doanh nghiệp trong nước tiếp quản hệ thống siêu thị Auchan.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op cho biết, việc tiếp quản Auchan tại Việt Nam, bao gồm 15 cửa hàng bán lẻ và thương mại điện tử và gần 200 nhân viên nằm trong chiến lược mở rộng hệ thống và thị phần của Saigon Co.op.

“Sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ sẽ ngày càng khốc liệt. Việc Auchan bị thâu tóm và các doanh nghiệp lớn như Vingroup và Saigon Co.op mở rộng kinh doanh tại các tỉnh, thành phố lớn và thâu tóm các thương hiệu nhỏ lẻ đã cho thấy điều đó”, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn của Savills Hà Nội nhận định.

Theo kế hoạch phát triển của Vinmart và Vinmart+, đến năm 2020, hệ thống sẽ có 200 siêu thị và 4.000 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các doanh nghiệp bán lẻ khác như Saigon Co.op, Satra cũng đều có những bước phát triển rất đáng khích lệ và lần lượt xếp vị trí thứ 3 và thứ 7 trong Top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Với dân số 97 triệu người, kinh tế tăng trưởng ổn định, thị trường bán lẻ của Việt Nam vẫn được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, sau những thăng trầm trên thị trường bán lẻ thời gian qua, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ không dồn dập xuống vốn, mà tính toán kỹ lưỡng hơn. Khả năng cân nhắc hợp tác với các nhà bán lẻ trong nước sẽ rõ ràng hơn, nhằm giảm thiểu rủi ro và phát huy được thế mạnh của những doanh nghiệp bản địa am hiểu thị trường, thị hiếu tiêu dùng.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục