Người ta thường thấy Thế Giới Di Động năng động và bứt phá trong khi các nhà khác còn đang khá chậm rãi. Ai trong số những cái tên trong “phần còn lại” của thị trường sẽ có thể khẳng định mình để so kè ngôi thứ?
Dù hầu như chỉ hoạt động tại thị trường trong nước, Thế Giới Di Động vẫn có tên trong Top 100 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á năm 2018 vừa được hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor công bố.
Đây là lần thứ 2 liên tiếp Thế Giới Di Động là nhà bán lẻ Việt Nam duy nhất lọt vào danh sách này. Ở Đông Nam Á nhà bán lẻ Việt đứng thứ 8, vượt qua nhiều tên tuổi quốc tế lớn khác như Big C Supercenter, AEON Group.
Lẽ dĩ nhiên tại Việt Nam, Thế Giới Di Động giữ vị trí số 1. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nhà bán lẻ này đang bỏ rất xa phần còn lại, khoảng cách càng lúc càng được đẩy xa hơn kể từ năm 2017.
Mức doanh thu 2018 của Thế Giới Di Động theo Euromonitor là 3,887 tỉ USD, gấp hơn 2,7 lần so với đơn vị đứng thứ 2, thậm chí lớn hơn tổng doanh thu của 4 đơn vị còn lại trong top 5. Điều này cho thấy bức tranh tại thị trường bán lẻ Việt Nam, cuộc chơi gần như là giữa Thế Giới Di Động và phần còn lại.
Top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam năm 2018
(Nguồn: Euromonitor).
Tuy nhiên, nhìn vào bảng xếp hạng trên có thể thấy, hệ thống của Vingroup đang vươn lên mạnh mẽ với mức tăng trưởng tới 157%, từ vị trí thứ 8 năm 2017 leo lên vị trí thứ 4 năm 2018. Được sự hậu thuẫn của đại gia đa ngành Vingroup, mảng bán lẻ của doanh nghiệp này cũng tạo được dấu ấn đặc biệt trong năm với việc khai trương ồ ạt các điểm bán.
Nói về các cái tên ngoại phải kể đến Central Group với vụ thâu tóm các doanh nghiệp bán lẻ đình đám. Mặc dù có một chút sụt giảm về doanh thu tại Việt Nam so với 2017 nhưng với sự hậu thuẫn lớn của tập đoàn tại Thái Lan, nhà bán lẻ này có nhiều điều kiện để bứt phá trong những năm tới.
Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia, cục diện thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian tới có thể sẽ có nhiều thay đổi với sự phát triển của thương mại điện tử và xu hướng tiêu dùng ngày càng thay đổi. Điều này lý giải những nền tảng thương mại điện tử như Tiki, Lazada hay Shopee cũng có thể nổi lên nhanh chóng và là một trong những đối trọng đáng gờm.
Với Thế Giới Di Động, trong khi chờ đợi một sự bứt phá từ nhóm số 2 thì họ cũng đã có phương án bứt phá của riêng mình.
Theo Nielsen Việt Nam, hiện nay kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại đang ở cán cân 83%:17% điều này cho thấy tiềm năng vô cùng lớn của Bách hóa Xanh, chuỗi bán thực phẩm và rau củ cạnh tranh với chợ truyền thống mà Thế Giới Di Động đang dành nhiều tâm huyết và cũng gặt hái được nhiều thành công thời gian gần đây.
Theo đại diện công ty, chỉ cần chiếm 10% thị trường của chợ truyền thống, họ đã có thể thu về 6-7 tỷ USD, một con số đủ để giúp công ty vươn lên vài chục bậc trên bảng xếp hạng châu Á!
Cũng theo Nielsen, bán lẻ đa kênh sẽ là xu thế nổi bật của thị trường bán lẻ Việt Nam.
“Hành trình mua hàng của người tiêu dùng không còn là đường thẳng, mà thông qua nhiều kênh với rất nhiều điểm chạm, kết hợp giữa online và offline (trực tuyến và trực tiếp)”, bà Đặng Thúy Hà, thuộc Nielsen Việt Nam cho biết. Với hệ thống lên tới hơn 2.500 điểm bán và thế mạnh sẵn có trong lĩnh vực online, Thế Giới Di Động chắc chắn cũng không bỏ qua cơ hội khai thác hết thế mạnh của mình trong bán lẻ đa kênh.
Có thể thấy bức tranh ngành bán lẻ Việt Nam đang khá nhiều màu sắc. Liệu ngôi thứ trong thời gian tới có nhiều thay đổi? Dù sao đi nữa thì việc thay đổi thứ bậc trong bảng xếp hạng của các doanh nghiệp cũng cho thấy nỗ lực của họ trong việc đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của thị trường 100 triệu dân vốn được đánh giá là hấp dẫn hàng đầu khu vực.