Cung ứng điện năm 2020 dự kiến vẫn gặp nhiều khó khăn

(ĐTCK) Đây là thông tin được Bộ Công thương đưa ra tại cuộc họp báo kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2020 diễn ra chiều ngày 18/12/2019.
Cung ứng điện năm 2020 dự kiến vẫn gặp nhiều khó khăn

Dự kiến huy động 3,397 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu giá thành cao

Đại diện Bộ Công thương cho biết, theo phương án đã được phê duyệt, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2020 cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, năm 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung cấp điện, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình điện chậm tiến độ vào vận hành…

“Do các yếu tố phát sinh này nên cung ứng điện năm 2020 dự kiến vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, Việt Nam sẽ phải huy động cao các nguồn điện, trong đó có gần 3,4 tỷ kWh điện chạy dầu giá cao để đáp ứng nhu cầu điện cho sinh hoạt và sản xuất”, đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ Công thương, trong điều kiện hạn hạn tiếp tục xuất hiện kéo dài sang năm 2020, thì năm nay, các nguồn nhiệt điện than, thủy điện và nguồn nhiệt điện tuabin khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia năm 2020.

Tổng công suất các nguồn điện mới dự kiến vào vận hành trong năm 2020 khoảng 4.300 MW, trong đó sẽ có khoảng gần 2.000 MW điện gió và mặt trời mới vào vận hành; các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) cung cấp khoảng 10,868 tỷ kWh, tương đương 4,16% tổng nhu cầu điện.

 Đặc biệt, năm 2020, để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến phải huy động tới 3,397 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu giá thành cao, trong đó riêng mùa khô năm 2020 dự kiến phải huy động khoảng 3,153 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu do tình hình thủy văn không thuận lợi và việc phải vận hành phát điện các nhà máy thủy điện lớn (Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà) phục vụ đổ ải trong tháng 1 - 2/2020 sẽ không đảm bảo khả năng huy động cao các nhà máy này trong các tháng cao điểm mùa khô.

 Lượng điện huy động từ nguồn điện chạy dầu sẽ tăng thêm nếu xảy ra những tình huống cực đoan như lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục thấp hơn mức tần suất 65%, phụ tải tăng cao đột biến hoặc có sự cố kéo dài tại các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí.

Trong điều kiện này, để các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân năm 2020, ngày 16/12/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3733/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2020.

Theo đó, dự báo năm 2020, sản lượng điện sản xuất và mua toàn quốc theo phương án cơ sở là 261,456 tỷ kWh, tăng 9,1% so với năm 2019, bám sát mục tiêu tăng trưởng  kinh tế - xã hội năm 2020 đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Để đảm bảo cung cấp điện năm 2020, tại Quyết định số 3733/QĐ-BCT, Bộ Công thương đã giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, và các đơn vị liên quan trong việc đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu than, khí, dầu.

Còn nhiều khoản chưa tính vào giá thành sản xuất điện của EVN

Về kết quả kinh doanh và chi phí của EVN năm 2018, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, năm 2018, EVN lãi 698,701 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là 0,47%.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN là 332.284,64 tỷ đồng, bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 1.727,41 đ/kWh, tăng 3,58% so với năm 2017.

Cung ứng điện năm 2020 dự kiến vẫn gặp nhiều khó khăn ảnh 1

Toàn cảnh buổi họp báo

Các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện, cho thuê nhà khu nhà ở, nhà quản lý vận hành của các dự án nguồn điện của EVN đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN và các đơn vị thành viên.

Cung cấp cụ thể các yếu tố cấu thành giá thành sản xuất kinh doanh điện của từng khâu, ông Tuấn cho hay, tổng chi phí khâu phát điện là 255.679,98 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.329,17 đ/kWh. So với năm 2017, chi phí khâu phát điện năm 2018 tăng do năm 2018, sản lượng điện huy động từ các nguồn điện như nhiệt điện than, tua bin khí, năng lượng tái tạo... cao hơn so với 2017.

Đa phần các nguồn này có giá cao hơn do giá than nhập khẩu 2018 tăng mạnh làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu như Formosa Đồng Nai, Formosa Hà Tĩnh và Duyên Hải 3. Giá dầu và giá khí cũng đều tăng làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện chạy dầu cũng như các nhà máy nhiệt điện có giá khí theo thị trường và nhà máy nhiệt điện Cà Mau.

Một yếu tố đáng lưu ý khác là tỷ giá USD bình quân năm 2018 tăng 1,37% so với năm 2017 cũng làm tăng chi phí mua điện từ các nguồn điện có giá mua theo hợp đồng bằng USD hoặc giá mua nhiên liệu bằng USD như các nhà máy nhiệt điện khí, nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu (như cụm các nhà máy điện Phú Mỹ EVN, Phú Mỹ BOT, Nhơn Trạch 1&2, Bà Rịa, Cà Mau 1&2, Formosa Đồng Nai, Formosa Hà Tĩnh, Duyên Hải 3, Cần Đơn, nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào) và các nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo khác.

Bên cạnh đó, chi phí khâu truyền tải điện là 19.690,95 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 102,36 đ/kWh… Tổng chi phí khâu truyền tải điện bao gồm khoản phân bổ số dư chênh lệch tỷ giá chưa được tính vào giá thành điện tại 31/12/2015 của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia với giá trị phân bổ năm 2018 là 1.828,22 tỷ đồng. Thêm vào đó, tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 55.590,90 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 288,99 đ/kWh.

Trong bối cảnh này, doanh thu bán điện năm 2018 của EVN là 332.983,34 tỷ đồng, tăng 14,84% so với năm 2017. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2018 là 1.731,04 đồng/kWh, tăng 4,3% so với năm 2017. Tính chung kết quả sản xất kinh doanh điện năm 2018 của EVN lãi 698,701 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là 0,47%.

Tuy nhiên, đại diện Cục Điện lực cũng lưu ý là năm 2018 vẫn còn có các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018. Theo quy định tại Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020, một phần khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của năm 2015 và khoản chênh lệch tỷ giá của năm 2017 sẽ được đưa vào chi phí năm 2018.

Song, do năm 2018 không điều chỉnh giá điện nên hai khoản chênh lệch tỷ giá này với tổng giá trị khoảng 3.090,9 tỷ đồng được treo lại và chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, phần chênh lệch này hiện chưa có nguồn trả nên chưa thể hạch toán vào đâu. “Khi có phương án giá điện mới trong thời gian tới mới có thể tính toán để hạch khoản còn treo này”, ông Hoàng Quốc Vượng lý giải.

Đại diện Bộ Công thương cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù việc hạch toán này sẽ dẫn tới tăng chi phí giá thành điện khi hạch toán khoản còn treo, song việc tăng giá điện hay không lại là vấn đề khác, vì để xem xét đề xuất việc tăng giá điện còn cân nhắc nhiều yếu tố khác chứ không chỉ đơn thuần là giá thành sản xuất điện. Vì vậy, về lâu dài duy trì được tài chính ổn định, bảo toàn vốn là vấn đề rất khó khăn đối với EVN.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục