Cùng nhau xây dựng thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, bền vững

(ĐTCK) Năm 2017, khối bảo hiểm nhân thọ ước đạt được mức tăng trưởng cao, nhưng tăng trưởng của khối bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến không đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, tiềm năng thị trường còn nhiều, các doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong năm tới; đồng thời lưu ý một số điểm nhằm giúp các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung nâng cao hiệu quả hoạt động.
Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 43, ngày 20 - 24/11/2017 Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 43, ngày 20 - 24/11/2017

Theo ông, các vấn đề mà khối bảo hiểm phi nhân thọ cần tập trung giải quyết trong thời gian tới là gì?

Năm 2017, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã triển khai nhiều chiến lược kinh doanh và đã đạt được những thành công không nhỏ.

Để thị trường bảo hiểm phi nhân thọ phát triển tốt hơn, theo tôi cần tập trung vào một số vấn đề như tăng cường hợp tác lành mạnh, giảm thiểu tình trạng cạnh tranh bằng hạ phí phi kỹ thuật, mở rộng điều kiện, điều khoản bảo hiểm; tập trung đầu tư công nghệ thông tin để tăng cường chất lượng quản trị, điều hành của doanh nghiệp cũng như chất lượng phục vụ khách hàng; phát triển và ngày càng chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối như kênh đại lý, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), đẩy mạnh kênh bán lẻ; kiểm soát tốt chi phí, bồi thường, đảm bảo kinh doanh có hiệu quả..., nhằm mục tiêu phát triển bền vững, an toàn, gắn với hiệu quả và chất lượng.

Với tiềm năng thị trường còn nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm vật chất ô tô, xe máy, bảo hiểm cháy nổ, tôi tin rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.

Vừa trở vể từ Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 20 và Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 43 tại thủ đô Viêng Chăn, CHDCND Lào, xin ông cho biết, những đề xuất nào đã được thống nhất thông qua tại hội nghị và có ảnh hưởng như thế nào đến thị trường bảo hiểm Việt Nam?

Tại phiên họp toàn thể giữa đại diện các cơ quan quản lý bảo hiểm các nước ASEAN và đại diện hiệp hội bảo hiểm các nước ASEAN, đại diện các hiệp hội bảo hiểm đã thống nhất nhận định những thách thức chung đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ của các nước SEAN và đề xuất cơ quan quản lý bảo hiểm từng nước có sự quan tâm, phối hợp với các hiệp hội bảo hiểm để giải quyết.

Ông Bùi Gia Anh 

Đối với khối nhân thọ, đó là vấn đề lạm phát, gia tăng chi phí dịch vụ y tế và đề xuất cơ quan quản lý bảo hiểm từng nước phối hợp với hiệp hội bảo hiểm tìm ra giải pháp làm việc với cơ quan quản lý y tế của từng nước trong việc chuẩn hoá chi phí y tế, dịch vụ y tế để kiểm soát được chi phí bảo hiểm.

Theo đó, đề xuất ban hành các hướng dẫn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có thể tham gia các dự án hạ tầng thông qua các hình thức đầu tư dài hạn; đề xuất ban hành những chính sách khuyến khích về thuế tạo điều kiện để bảo hiểm nhân thọ phát triển hơn, làm tăng tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm.

Khối phi nhân thọ đề xuất các cơ quan quản lý bảo hiểm cần có những hướng dẫn rõ ràng và hài hoà đối với kênh bán bảo hiểm qua mạng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp các sản phẩm dịch vụ trực tuyến hoặc qua các ứng dụng web, đặc biệt đối với đối tượng bảo hiểm là con người, xe cơ giới, hàng hoá vận chuyển qua biên giới; đối với bảo hiểm sức khoẻ, đề xuất cơ quan quản lý cần có những hướng dẫn cụ thể cho phép chuyển cơ sở dữ liệu người được bảo hiểm qua biên giới từ các nước ASEAN để khuyến khích phát triển bảo hiểm sức khoẻ, cũng như tạo điều kiện cho các công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế ở những khoảng cách địa lý xa hơn.

Tất cả các đề xuất trên, khi được cơ quan quản lý bảo hiểm quan tâm xem xét và có những bổ sung chính sách kịp thời, theo tôi, đều sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Ông có lưu ý gì đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, cả nhân thọ và phi nhân thọ, trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh năm tới?

Tôi cho rằng, thị trường bảo hiểm vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng các doanh nghiệp cần cải tiến, phát triển các sản phẩm bảo hiểm, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Trong đó, chú trọng đến khâu giải quyết bồi thường, chi trả quyền lợi bảo hiểm nhanh chóng, tuyên truyền về những lợi ích của việc tham gia bảo hiểm để tăng tỷ lệ người dân, tổ chức, doanh nghiệp có bảo hiểm ngang với các nước trong khu vực.

Các doanh nghiệp bảo hiểm quan tâm phát triển kinh doanh, tăng trưởng doanh thu, mở rộng mạng lưới hoạt động, nhưng đồng thời phải đảm bảo an toàn tài chính, tuân thủ pháp luật và các thông lệ quốc tế, không đặt mục tiêu tăng trưởng nóng bằng mọi giá.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, luôn chú ý nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như hệ thống đại lý bảo hiểm.

Ngoài ra, do biến đổi khí hậu toàn cầu nên dẫn đến tình hình thiên tai, bão lũ năm 2017 và dự kiến năm tới diễn ra phức tạp, khó lường, các doanh nghiệp bảo hiểm cần có những biện pháp phòng ngừa và lưu ý đến rủi ro này, có thể thông qua các nhà nhận tái bảo hiểm nước ngoài để cùng chia sẻ rủi ro.

Các doanh nghiệp cũng cần tích cực phối hợp, hợp tác thông qua các hoạt động của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam để cùng nhau xây dựng thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, bền vững.

Tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm vẫn có diễn biến phức tạp, việc kết nối dữ liệu giữa 2 hệ thống bảo hiểm y tế và bảo hiểm thương mại được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế, ngăn ngừa hiệu quả tình trạng này. Theo ông, việc kết nối dữ liệu còn có những ý nghĩa nào khác và đang được các bên triển khai ra sao?

Việc kết nối giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế và các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thương mại chia sẻ các thông tin có liên quan.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước về y tế, thông qua việc kết nối sẽ giúp thống kê được tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế một cách đầy đủ hơn; quản lý được các loại hình dịch vụ và các gói bảo hiểm y tế mà bảo hiểm thương mại đang cung cấp; nắm bắt được nhu cầu của người dân về các gói quyền lợi, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ đó hoàn thiện công tác quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Đối với cơ sở khám chữa bệnh, việc kết nối sẽ giúp các cơ sở khám chữa bệnh nắm bắt được nhu cầu người tham gia bảo hiểm để hoàn thiện hơn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh; tiến tới hợp tác với doanh nghiệp bảo hiểm nhằm cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông qua việc việc bảo lãnh viện phí thay cho việc doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền trực tiếp.

Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, việc kết nối sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện thanh toán quyền lợi bảo hiểm cho người dân trên cơ sở kết quả giám định của Bảo hiểm Xã hội được thuận lợi hơn, đồng thời giúp chống lại các hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm. Ngoài ra, việc kết nối còn giúp các doanh nghiệp nắm bắt được thực tế thông tin sức khỏe của người dự định tham gia bảo hiểm thương mại để tư vấn các gói bảo hiểm phù hợp.

Với những ý nghĩa tích cực như vậy, chúng tôi được biết, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ (Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) và các ban, ngành liên quan đang khẩn trương, quyết liệt triển khai phối hợp để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao.

Kim Lan thực hiện
Đặc san Toàn cảnh Bảo hiểm Việt Nam 2017

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục