Cụ thể hóa ưu đãi đầu tư cho đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
Lần đầu tiên, các chính sách về ưu đãi đầu tư, đặc biệt là cho đổi mới sáng tạo, đã được quy định cụ thể.
Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 tổ chức tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia khi dự án này được khởi công xây dựng. Ảnh: Chí Cường Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 tổ chức tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia khi dự án này được khởi công xây dựng. Ảnh: Chí Cường

Đây là cơ hội lớn để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực được cho là một trụ cột quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Thêm ưu đãi, rộng cửa đón nhà đầu tư

Một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, vừa được Chính phủ chính thức ban hành, là các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cho các hoạt động đổi mới sáng tạo.

“Đây là nghị định đầu tiên cụ thể hóa các cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư dành cho các hoạt động đổi mới sáng tạo”, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết.

Cụ thể, Nghị định 31/2021/NĐ-CP đã quy định rõ, các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo điểm e, khoản 2, Điều 15, Luật Đầu tư gồm: Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các trung tâm đổi mới sáng tạo khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập nhằm hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, thành lập doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thực hiện hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển tại trung tâm; các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; các dự án thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D)…

Như vậy, được hưởng các cơ chế ưu đãi đặc biệt không chỉ có NIC - trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đầu tiên của Việt Nam, vừa được khởi công xây dựng vào đầu năm nay tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, cũng như các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia khác, dự kiến được xây dựng trong thời gian tới, mà còn có cả các trung tâm đổi mới sáng tạo do các tổ chức, cá nhân, các bộ ngành, địa phương thành lập, nếu đáp ứng đủ điều kiện. Tương tự, các dự án liên quan đến đổi mới sáng tạo, các dự án đặt trong các trung tâm đổi mới sáng tạo cũng được Chính phủ dành cho các cơ chế ưu đãi tốt nhất.

Trên thực tế, sau khi quyết định thành lập NIC, Chính phủ cũng đã ban hành một nghị định riêng (Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia). Tuy nhiên, theo ông Vũ Quốc Huy, Nghị định 94/2020/NĐ-CP chỉ quy định khung chính sách và vận dụng dẫn chiếu sang các quy định về ưu đãi đầu tư khác; trong khi đó, Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định cụ thể hơn.

“Riêng với NIC, còn có các quy định riêng về việc tiếp nhận và sử dụng vốn ODA, viện trợ không hoàn lại và có những quy định rất mới góp phần tạo cơ chế chính sách đặc thù khuyến khích sự phát triển của Trung tâm mà tại Nghị định 94/2020/NĐ-CP chưa đề cập rõ”, ông Huy nói.

Cú hích cho đổi mới sáng tạo

Một cách rất rõ ràng, việc Chính phủ dành các cơ chế ưu đãi đầu tư cho các hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ mở rộng cánh cửa để thúc đẩy thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. “Khi có thể chế, chính sách vượt trội thì tiền sẽ về, nhân tài cũng sẽ về”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã nhiều lần nhấn mạnh như vậy khi đề cập việc cần thiết phải xây dựng các thể chế, chính sách đặc biệt cho sự phát triển của NIC.

Lần đầu tiên, với Nghị định 31/2021/NĐ-CP, chúng ta đã có khung khổ chính sách cụ thể và rất có ý nghĩa cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Đây là điều vô cùng quan trọng và sẽ tác động lớn tới các hoạt động đầu tư cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia

Nhưng Nghị định 31/2021/NĐ-CP không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển của riêng NIC, mà còn khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nói chung thiết lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, đầu tư cho các hoạt động đổi mới sáng tạo trên khắp cả nước. Và tất nhiên, “đích ngắm” không chỉ là các doanh nghiệp Việt, mà còn là các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Theo quy định tại Điều 20, Luật Đầu tư, thậm chí Chính phủ còn sẵn sàng dành các cơ chế ưu đãi đặc biệt, vượt khung cho các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, các dự án R&D, đổi mới sáng tạo… Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang dự thảo quy định của Chính phủ liên quan vấn đề này.

Cũng cần nhắc lại rằng, đổi mới sáng tạo gần đây đã được đề cập đến như là một động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, mà Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa thông qua, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học - công nghệ được coi là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, vai trò của đổi mới sáng tạo cũng đã được nhấn mạnh.

“Đổi mới sáng tạo phải đi sâu và lan tỏa trong nền kinh tế, trở thành hoạt động thường xuyên, chủ chốt, tạo ra giá trị mới, đem lại những thay đổi đột phá cho doanh nghiệp, cho cộng đồng xã hội và cho đất nước”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và khẳng định, đổi mới sáng tạo - cùng với sự phát triển của NIC - sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội “đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên”.

Với những ý nghĩa đó, Nghị định 31/2021/NĐ-CP không chỉ là một bước để cụ thể hóa Luật Đầu tư, hay cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, mà còn mở ra những cánh cửa mới để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đưa khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục