Cú hích quan trọng thu hút đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Luật Đầu tư mới đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm kích thích, thúc đẩy quá trình thu hút vốn đầu tư trong nhiều lĩnh vực.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 (Luật Đầu tư 2020) được Quốc hội ký ban hành vào ngày 17/6/2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, thay thế cho Luật Đầu tư số 67/2014/QH13.

Luật Đầu tư 2020 có những thay đổi đáng chú ý về các chính sách ưu đãi đầu tư, được kỳ vọng sẽ mang lại làn gió mới cho các nhà đầu tư tiềm năng, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam sau đại dịch Covid-19.

Bổ sung ngành nghề ưu đãi đầu tư

So với quy định cũ, Luật Đầu tư 2020 bổ sung những ngành nghề ưu đãi đầu tư mới như sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, giáo dục đại học, sản xuất trang thiết bị y tế, sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.

Với việc bổ sung này, các ngành nghề ưu đãi đầu tư đã được cập nhật phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Bổ sung hình thức, đối tượng ưu đãi đầu tư

Về hình thức ưu đãi đầu tư, Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung thêm hai hình thức ưu đãi đầu tư là khấu hao nhanh và tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế, bên cạnh các hình thức ưu đãi đã có trước đó là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu và miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất.

Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư được điều chỉnh theo hướng tập trung hơn về các lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất vật liệu mới, năng lượng sạch, sản phẩm công nghệ thông tin…

Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư. Trong đó, đáng chú ý có hai đối tượng được bổ sung như sau:

Một là, dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển;

Hai là, đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, Luật cũng bổ sung thêm một số chính sách về nguyên tắc và điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư, như áp dụng ưu đãi có thời hạn, theo kết quả thực hiện dự án; nhà đầu tư phải bảo đảm đáp ứng điều kiện ưu đãi trong thời gian được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật…

Các chính sách này sẽ đảm bảo việc vận dụng ưu đãi đầu tư được hiệu quả hơn khi thu hẹp và xác định phạm vi đối tượng được hưởng ưu đãi một cách rõ ràng.

Các chính sách mới của Luật Đầu tư 2020 về đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư được điều chỉnh theo hướng tập trung hơn về các lĩnh vực công nghệ cao, dự án khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số…

Điều này mang đến tín hiệu tích cực với các nhà đầu tư nước ngoài đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang là xu hướng chung của toàn cầu.

Bổ sung ưu đãi đầu tư đặc biệt

Đây là điểm mới nổi bật về ưu đãi đầu tư của Luật Đầu tư 2020 so với quy định cũ khi cho phép việc áp dụng ưu đãi đặc biệt để tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn thu hút dòng vốn FDI đang dần dịch chuyển nhanh chóng vào Việt Nam.

Theo đó, Luật mới có chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt cho phép áp dụng ưu đãi đặc biệt (tối đa thêm 50%) để tạo chính sách thu hút dòng vốn FDI.

Bãi bỏ nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Đáng chú ý, tại Luật Đầu tư 2020, nhiều ngành, nghề trước đây thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nay đã được bãi bỏ như hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại; sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LGP); kinh doanh dịch vụ giám định thương mại; nhượng quyền thương mại; kinh doanh dịch vụ logistic; kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển…

Việc bãi bỏ nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giúp tháo gỡ các rào cản về mặt thủ tục pháp lý cũng như tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi để các nhà đầu tư có thể phát huy các thế mạnh của mình.

Nguyễn Tấn Tài, Trường phòng Tư vấn thuế, Công ty Grant Thornton (Việt Nam)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục