Hiệu lực sớm của Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), dự kiến được đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua trong phiên họp chiều 17/6 tới, là điều không chỉ hội viên của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đang mong đợi…
Có thể có hiệu lực sớm hơn?
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, HoREA đã có riêng phần đề xuất về thời điểm hiệu lực của Luật Đầu tư (sửa đổi).
Theo quy trình thủ tục lập pháp bình thường, nếu Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào ngày 17/6 tới, thì sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021. Nhưng HoREA sốt ruột, vì sẽ có hàng loạt ách tắc của các dự án có quỹ đất hỗn hợp hiện tại được tháo gỡ, nếu các điểm mới của dự luật này được thực thi.
“Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét thực hiện quy trình rút gọn đối với Luật Đầu tư (sửa đổi), để Luật sớm có hiệu lực”, HoREA đề xuất trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ.
Đây không phải lần đầu HoREA có ý kiến như vậy. Trong khá nhiều cuộc trao đổi về khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, quy định liên quan đến hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án được đặc biệt quan tâm.
Đây là nội dung của Điều 29, điểm mới được bổ sung của Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, nhằm giải quyết các vướng mắc do quy định chưa rõ trong mối quan hệ giữa thủ tục đấu giá, đấu thầu, quyết định chủ trương đầu tư, thậm chí quy định chồng chéo, thiếu thống nhất, gây khó khăn trong quá trình áp dụng Luật Đầu tư và các luật có liên quan (như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu...).
Điều này làm rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, gồm đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư.
Để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các thủ tục nêu trên, bảo đảm tính khả thi, thống nhất trong thực hiện các thủ tục hành chính với các dự án có sử dụng đất, Điều 29 quy định, việc chấp thuận chủ trương đầu tư được thực hiện trước khi xem xét, quyết định áp dụng thủ tục đấu giá, đấu thầu và chấp thuận nhà đầu tư.
Tuy nhiên, vì sẽ cần Chính phủ quy định chi tiết điều này và cần sửa đổi, bãi bỏ một số quy định của Luật Nhà ở để thống nhất với Điều 29, nên hiệu lực sớm của Luật Đầu tư (sửa đổi) là điều không chỉ hội viên của HoREA đang đợi. Riêng với HoREA, điều này sẽ giải quyết được “ách tắc” về thủ tục đầu tư xây dựng đối với 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp tại TP.HCM…
Rõ quyền cho nhà đầu tư
Giải trình về điểm mới của Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), Ban soạn thảo đã dành riêng một phần nội dung để đánh giá về thủ tục triển khai dự án. Đây là điều mà giới đầu tư quan tâm, bởi sự rõ ràng, đơn giản sẽ tạo điều kiện cho việc triển khai dự án từ góc độ nhà đầu tư. Nhưng sự minh bạch cũng sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước với hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Theo Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), nhà đầu tư được quyền điều chỉnh mục tiêu, quy mô, nội dung dự án đầu tư; sáp nhập, tách dự án đầu tư; thay đổi nhà đầu tư; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư và các nội dung khác. Dự thảo cũng bỏ quy định về giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư (bãi bỏ Điều 46, Luật Đầu tư), để thực hiện thống nhất thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và đồng bộ với quy định của Luật Đất đai.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về giám định vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết để xác định căn cứ tính thuế, góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế (khoản 2, Điều 45); làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư cũng như cơ quan nhà nước trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư (Điều 43).
Quy định về gia hạn thực hiện dự án đầu tư cũng được làm rõ theo hướng, khi hết thời hạn mà nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án và đáp ứng điều kiện theo quy định, thì được xem xét gia hạn thực hiện hoạt động của dự án, nhưng không quá thời hạn tối đa theo quy định của Luật Đầu tư, trừ dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên, dự án có điều kiện chuyển giao không bồi hoàn.
Quy định về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư nếu nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch giả tạo về vốn cũng được bổ sung trong Dự thảo. Căn cứ quy định này, Chính phủ quy định chi tiết thẩm quyền, trình tự xử lý hoạt động đầu tư chui, đầu tư núp bóng, trong đó có các biện pháp xử lý vi phạm hành chính.
Môi trường đầu tư sẽ có những cải thiện đáng kể về sự minh bạch, công khai…
Sẽ thống nhất thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư với dự án xây dựng nhà ở
Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư sẽ được áp dụng thống nhất với các dự án xây dựng nhà ở và đô thị. Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đang quy định như vậy. Mục tiêu của quy định này là tránh trùng lặp về thẩm quyền, thủ tục quyết định/chấp thuận đầu tư dự án nhà ở, đô thị theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật nhà ở, đô thị.