Ba cấp độ sợ hãi
Thị trường chứng khoán (TTCK) tuần qua tiếp tục giảm vì nhiều nhà đầu tư vẫn có tâm lý bi quan khi chứng kiến số ca nhiễm bệnh trên thế giới tăng lên mỗi ngày.
Nỗi sợ hãi trên thị trường có thể chia thành ba cấp độ. Cấp độ mạnh nhất là khủng hoảng, hành động bán tháo diễn ra trên diện rộng, bất chấp những tín hiệu, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ hay kết quả kinh doanh tốt từ các doanh nghiệp.
Dấu hiệu đơn giản là hầu hết cổ phiếu giảm giá sàn, lực bán áp đảo và tương quan mạnh cùng thị trường chung.
Tình huống này xảy ra chính xác khi doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng hoặc đi ngang, nhưng giá cổ phiếu vẫn liên tục giảm. Cấp độ thứ hai là sợ hãi, đà giảm đã chững lại, lực bán yếu dần và có một lượng cầu tham gia “bắt đáy”.
Cấp độ thứ ba là chán nản, lực bán và lực mua đều yếu ớt, điểm số thị trường chủ yếu đi ngang hoặc giảm nhẹ.
Trong giới giao dịch có những câu nói mô tả ba cấp độ trên là “thị trường sinh ra trong bi quan, lớn lên trong nghi ngờ, trưởng thành trong sự lạc quan và chết đi trong sự thỏa mãn”.
Các chuyên gia cũng phát minh ra đủ các công cụ để đo lường sự sợ hãi bằng nhiều dữ liệu nhằm cố gắng định lượng yếu tố định tính này, nhưng quá trình diễn biến tâm lý và đầu tư lại không đơn giản và đi theo khuôn khổ nào cả, đặc biệt khi liên quan tới cảm xúc.
Chán nản có thể chuyển nhanh sang hưng phấn
Theo một số nhà đầu tư kỳ cựu tại thị trường Việt Nam, tình trạng sụt giảm do tâm lý bi quan là chuyện bình thường trên TTCK các nước, chứ không riêng gì Việt Nam, vì TTCK là thị trường của sự kỳ vọng, hướng tới tương lai nhiều hơn.
Nỗi sợ lớn nhất của họ là doanh nghiệp phá sản, sức mua của người dân sụt giảm, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vay nợ ngân hàng nhiều, nền kinh tế tiêu cực theo và không biết khi nào mới phục hồi.
Thực tế, việc hiểu một doanh nghiệp không đơn giản, nên hiểu cả một nền kinh tế với số lượng hơn 700.000 doanh nghiệp cũng không đơn giản hơn.
Nhà đầu tư bi quan về tương lai của nền kinh tế là do chịu sự tác động lớn từ việc quan sát diễn biến TTCK.
Bởi lẽ, thị trường nhìn trong ngắn hạn là tổng hợp các loại tâm lý, cảm xúc của tất cả các thành phần tham gia, cảm xúc tiêu cực thị trường có thể kéo dài lâu hơn thời gian mà nhà đầu tư có thể giữ vững sự bình tĩnh và lý trí, lôi kéo các nhà đầu tư này trở thành một phần trong đám đông hoảng loạn.
Các mức độ sợ hãi đi kèm những biểu hiện của thị trường có thể thay đổi nhanh chóng mà không bị tác động bởi bất cứ sự kiện nào.
Thị trường có thể ngay lập tức chuyển từ trạng thái chán nản sang hưng phấn, ví dụ sự kiện giàn khoan Hải Dương-981 năm 2014, diễn biến của khủng hoảng không kéo dài mà quay trở lại trạng thái lạc quan trong vòng 1 tuần.
Hoặc có thể nhìn dài hơn từ những thị trường thế giới như chỉ số Dow Jones đã tăng từ 6.600 điểm lên 29.500 điểm trong 11 năm (tăng khoảng 450%), trong khi GDP nước Mỹ trong cùng thời kỳ tăng khoảng 2%/năm, tổng cộng tăng khoảng 24%.
Về căn bản, trong dài hạn, các tin tức liên quan tới thị trường, nền kinh tế là lạc quan và điều này thể hiện một phần bản chất lạc quan của con người khi luôn nhìn về phía trước.
Tuy nhiên, điều khó khăn lại xảy ra liên tục trong ngắn hạn khi niềm tin của nhà đầu tư không đủ để họ nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn vì nhiều lý do.
Giá giảm mạnh khiến các chỉ số định giá trở nên hấp dẫn hơn dự tính, nhưng nhà đầu tư lại trở nên phân vân và tìm kiếm thêm niềm tin cho việc ra quyết định mua vào.
Quá trình này đúng ra nên được tích lũy trước trong quá trình nghiên cứu, chứ không phải ngay tại thời điểm cần ra quyết định.
Khi nhà đầu tư chưa có đủ niềm tin trong việc tích lũy hiểu biết về doanh nghiệp, họ thường suy luận bằng cách quan sát giá cổ phiếu trên thị trường, điều này có chung kết quả với việc quan sát chỉ số thị trường.
Ðây cũng là tâm lý phổ biến, “sợ mất tiền” rất bình thường, nhưng nỗi sợ mang tính bản chất này cần có phương pháp đúng đắn để có thể mang lại kết quả đầu tư tốt hơn trong dài hạn.
Việc hiểu biết hơn về doanh nghiệp còn đến sau khi nắm giữ cổ phần, chính nỗi sợ mất tiền nhìn theo khía cạnh tích cực khiến nhà đầu tư đào sâu hơn nữa và nhận ra các điểm yếu cũng như các loại rủi ro khác hiện hữu trong mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Ðể chọn ra một phương pháp đúng đắn hơn, có thể giả định 2 tình huống với 2 suy nghĩ đặc trưng trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay như sau:
Một là, thị trường mỗi ngày rơi 40 - 50 điểm (trên 5%), nhà đầu tư đợi những tin tức tích cực xuất hiện như kiểm soát thành công dịch Covid-19 hoặc điều chế được vắc-xin. Lúc đó, mua cổ phiếu với giá cao hơn cũng sẽ “đỡ hơn”, vì nhà đầu tư không phải trải qua cảm giác nhìn tài khoản sụt giảm thêm.
Hai là, xác định một vùng giá trị hợp lý của doanh nghiệp dựa trên tỷ suất dài hạn sẽ nhận được từ việc sở hữu doanh nghiệp trong dài hạn, cố gắng mua với biên an toàn cao nhất dựa trên mức giá thấp hơn “mức giá tối đa” nhà đầu tư sẽ trả.
Nhà đầu tư sẽ không biết được đâu là mức đáy của giá thị trường, nhưng nếu sự sụt giảm càng mạnh thì càng có lợi cho tỷ suất đầu tư dài hạn.
Lưu ý, cần tách bạch và rất rõ ràng trong 2 suy nghĩ này, việc mua với biên an toàn cao không phải là một nỗ lực mang tính chủ động, nhưng việc “canh” mức giá thấp khi nhìn theo diễn biến thị trường rất dễ khiến nhà đầu tư chuyển từ suy nghĩ số 2 về suy nghĩ số 1, cuối cùng rơi vào trạng thái do dự không thể ra được quyết định.
Nhìn sâu vào bản chất vấn đề, thực hiện theo suy nghĩ số 1 không phải là cách thông minh để “giảm thiểu sự tiếc nuối” cho nhà đầu tư, hành động theo suy nghĩ số 1 đúng nghĩa là nhà đầu tư đang cố gắng kéo tỷ suất sinh lời “ở trong tương lai dài hạn” về hiện tại càng nhiều càng tốt - điều này được xếp vào dạng quá khó để thực hiện với diễn biến khó lường của thị trường.
Việc thị trường mang đến một mức giá hời hơn không nằm trong dự tính trước của nhà đầu tư, thành công của một nhà đầu tư giá trị không phải lúc nào cũng nằm ở việc mua giá thấp, mà nằm ở kĩ năng phân tích đầu tư và quá trình nghiên cứu một cách đúng đắn.
Việc cố gắng mua với giá thấp nhất nếu không cẩn thận sẽ rơi vào trạng thái suy nghĩ “mong nhận được tỷ suất cao nhất từ giá mua thấp nhất, chứ không phải từ việc chọn được những doanh nghiệp tốt nhất” và việc mua thấp sẽ không có ý nghĩa gì nhiều nếu nhà đầu tư chọn phải một doanh nghiệp kém.
Giá mua tạo nên tỷ suất sinh lời, nhưng quá trình nghiên cứu mới là nhân tố sinh ra mức giá mua, đây là một mối quan hệ đã được lặp đi lặp lại trong quá trình nghiên cứu.
Vì vậy, việc bị ảnh hưởng bởi quá nhiều yếu tố ngoại cảnh khác như sự biến động của thị trường sẽ tác động ngược lại tới quá trình nghiên cứu, phá vỡ lập trường của nhà đầu tư chỉ vì sự tập trung quá mức vào tỷ suất sinh lời.
Trượt đến nơi quả bóng sẽ lăn tới
Thị trường đang cuốn tâm lý của nhà đầu tư theo cách “đầy lý trí”, đánh bại những nhà đầu tư có “kinh nghiệm đầy mình” nếu họ quá tập trung vào kết quả và không thoát khỏi được tâm lý sợ mất tiền.
Có những nhà đầu tư rất chăm chỉ “làm bài tập về nhà”, tính toán, định giá…, nhưng đến khi cơ hội tới thì chỉ một số ít người thực sự có “khí chất” đủ để làm theo những gì đã vạch ra từ trước.
Tập đoàn Berkshire Hathaway đã tích lũy được khoản tiền mặt lên tới 128 tỷ USD trong vòng hơn 5 năm vừa qua, rõ ràng không phải là sự may mắn, mà là “một quá trình của sự kỷ luật”, có thể phân tích như sau:
Một, Warren Buffett có chiến lược nắm giữ doanh nghiệp dài hạn, trong trường hợp vẫn tin tưởng vào ban điều hành doanh nghiệp thì sẽ không bán ra cổ phiếu, dù kết quả kinh doanh đang kém đi. Ông ra quyết định dựa trên lý trí trong việc phân bổ vốn, nếu không có doanh nghiệp hay cơ hội nào hấp dẫn hơn thì sẽ tiếp tục chờ đợi.
Hai, các sự kiện kinh tế vĩ mô tiêu cực không phải là điều mà Warren Buffett có thể dự đoán được trước, hay việc đại dịch Covid-19 trở nên nghiêm trọng và lan rộng ra khắp thế giới cũng là điều không ai có thể biết trước.
Warren Buffett từng nói, ông chưa hề nhớ rằng đã bỏ qua thương vụ đầu tư tốt nào chỉ vì những nhân tố vĩ mô đang xấu đi, vĩ mô không phải là yếu tố ông dựa vào để ra quyết định, mà mang đến cơ hội.
Trong khi những người may mắn bán cổ phiếu trước khi thị trường sụt giảm đang ngồi “rung đùi” vì cảm thấy may mắn hơn các nhà đầu tư khác, thì Warren Buffett đã chỉ ra điều này trong bức thư gửi cổ đông vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008: “Ngày nay, những người nắm giữ tiền, các tài sản thanh khoản cao đang cảm thấy thoải mái.
Họ không nên làm như vậy. Họ đã chọn nắm giữ một tài sản dài hạn khủng khiếp, một tài sản hầu như không trả bất cứ giá trị gì mà còn mất giá.
Thật vậy, các chính sách mà chính phủ sẽ thông qua nhằm nỗ lực giảm bớt khủng hoảng hiện tại có thể dẫn tới tình trạng lạm phát trong tương lai, do đó đẩy nhanh sự sụt giảm giá trị của tiền mặt.
Cổ phiếu có thể sẽ vượt trội hơn tiền mặt trong thập kỷ tới, có thể ở mức độ đáng kể. Ðể chờ đợi sự thoải mái của tin tốt, họ đang phớt lờ lời khuyên của Wayne Gretzky: “Tôi trượt đến nơi quả bóng sẽ lăn tới, không phải nơi nó đã đến”.
Hiện tại, thị trường có thể giảm thêm, nhưng nhà đầu tư cũng có thể sẽ chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ, dù chưa có bất kỳ tin tức tốt nào.
Nền tảng của suy nghĩ thứ hai sẽ giúp nhà đầu tư đứng vững trong các phản ứng “vô lý” của thị trường. “Hãy tham lam một cách thông minh, có lý trí và nền tảng đúng đắn”.