Rào cản nâng đời cao tốc
Chỉ đúng một tuần sau khi Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) điều chỉnh quy hoạch quy mô đoạn cao tốc Pháp Vân - Phú Thứ từ 8 làn xe lên 10 - 12 làn xe, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành (Công ty Phương Thành) gửi văn bản tới Cục Đường bộ Việt Nam và Bộ GTVT đề xuất mở rộng tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lên quy mô 10 - 12 làn xe theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Công ty Phương Thành chính là nhà đầu tư Dự án Đầu tư nâng cấp tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT từ 4 làn xe lên 6 làn xe.
Tuyến cao tốc huyết mạch, cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội dài 30 km này đã được nhà đầu tư hoàn thành việc mở rộng lên 6 làn xe từ tháng 7/2019 và đang trong quá trình thu phí hoàn vốn.
Theo thiết kế, với quy mô 6 làn xe, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có năng lực thông hành trung bình khoảng 55.400 xe tiêu chuẩn/ngày đêm. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 4 năm đưa vào khai thác, tuyến này đã chớm mãn tải khi lưu lượng qua lại bình quân tại thời điểm tháng 6/2024 đã đạt 80.000 xe tiêu chuẩn/ngày đêm.
Ngay cả khi nhà đầu tư đã áp dụng thu phí điện tử không dừng và triển khai hệ thống điều hành giao thông thông minh, tình trạng ùn ứ trong các dịp cuối tuần hoặc các ngày nghỉ lễ lớn đã xuất hiện trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
“Với tốc độ tăng trưởng lưu lượng phương tiện bình quân khoảng 6 - 8% như hiện nay và việc có thêm 3 tuyến kết nối các đô thị vệ tinh lớn của Hà Nội trong vài tháng tới, tần suất ùn tắc giao thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ còn gia tăng, tốc độ khai thác khó duy trì ở mức 100 km/giờ như thiết kế”, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty Phương Thành cho biết.
Do Dự án đầu tư nâng cấp tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT còn khoảng 10 - 15 năm nữa mới hoàn đủ vốn, nên phương án giao chính đơn vị đang vận hành, khai thác tuyến cao tốc này tiếp tục thực hiện đầu tư, mở rộng lên 10 - 12 làn xe được đánh giá là phương án tối ưu.
Tuy nhiên, ngay cả khi việc nâng cấp, mở rộng tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là cần thiết và cấp bách; quy mô tuyến cao tốc được chính thức cập nhật trong Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì Bộ GTVT cũng chưa thể tiến hành giao Công ty Phương Thành triển khai nâng cấp, mở rộng tuyến đường.
Cụ thể, Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.
Luật Đầu tư theo phương thức PPP (khoản 4, Điều 45) cũng quy định, không áp dụng loại hợp đồng thu phí trực tiếp từ người sử dụng (hợp đồng BOT) đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu.
Nếu chiểu theo quy định nói trên, không chỉ tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, mà một loạt công trình đường bộ cao tốc khác đang có nhu cầu nâng cấp mở rộng cũng không thể gọi vốn đầu tư, dù có hàng loạt nhà đầu tư đang “xếp hàng” tham gia như: cao tốc TP.HCM - Trung Lương; Trung Lương - Mỹ Thuận; Hà Nội - Thái Nguyên; TP.HCM - Long Thành…
Khơi thông nguồn lực
Theo đại diện Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), việc nâng cấp, mở rộng các tuyến cao tốc, quốc lộ hiện hữu thực sự “bí” đủ đường. Các địa phương và Bộ GTVT thì không đủ nguồn lực ngân sách để triển khai, trong khi các nhà đầu tư có vốn thì bị vướng quy định, nên các đề xuất dù có tính khả thi tài chính cao, nhưng đều trong tình trạng “chờ xem xét”.
“Chúng tôi đánh giá rất cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội xem xét điều chỉnh một số quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP theo hướng thông thoáng, phù hợp với tình hình thực tế, trong đó có quy định về đầu tư BOT tại các tuyến đường, công trình hiện hữu”, ông Trần Chủng, Chủ tịch VARSI đánh giá.
Được biết, tại Tờ trình số 6968/TTr-BKHĐT đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Luật Đấu thầu vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ vào cuối tháng 8, việc áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình hiện hữu được coi là một trong những quy định cần được cập nhật, chỉnh sửa.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi quy định tại khoản 4, Điều 45, Luật Đầu tư theo phương thức PPP theo hướng cho phép áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình hiện hữu kèm theo điều kiện cụ thể đối với từng loại công trình.
Theo đó, đối với đường bộ cao tốc sẵn có hoặc đường bộ đang khai thác được cải tạo, nâng cấp thành đường cao tốc, phải bảo đảm quyền lựa chọn của người sử dụng dịch vụ theo quy định của pháp luật về đường bộ.
Đối với công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng có tác động trực tiếp tới cộng đồng dân cư, cá nhân sinh sống, sản xuất, kinh doanh tại khu vực thực hiện công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, phải được đánh giá tác động, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng bị tác động bởi dự án thông qua HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh nơi thực hiện dự án, hiệp hội nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực đầu tư trước khi phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình hiện hữu trên thực tế đã có tiền lệ pháp lý để có thể mở rộng triển khai.
Tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Quốc hội đã cho phép TP.HCM áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, chính sách này cũng được quy định tại Luật Đường bộ năm 2024, trong đó cho phép áp dụng loại hợp đồng BOT đối với các dự án đường bộ cao tốc hiện hữu hoặc đường bộ đang khai thác được cải tạo, nâng cấp thành đường cao tốc, nhưng phải bảo đảm quyền lựa chọn của người sử dụng.
“Nếu quy định này được thông qua, rào cản pháp lý cuối cùng của việc áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình hiện hữu sẽ được tháo gỡ, tạo điều kiện cho Bộ GTVT và các địa phương tiến hành gọi vốn tư nhân cho các dự án mở rộng, nâng cấp các công trình hạ tầng huyết mạch”, đại diện VARSI đánh giá.
Một số đề xuất đáng chú ý liên quan đến việc sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)
Sửa đổi quy định tại khoản 1, Điều 4 về lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP theo hướng không hạn chế các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP.
Sửa đổi quy định tại khoản 2, Điều 4 theo hướng bãi bỏ hạn mức quy mô tối thiểu đối với các dự án PPP.
Sửa đổi quy định tại khoản 4, Điều 45 theo hướng cho phép áp dụng loại hợp đồng BOT thu phí trực tiếp từ người sử dụng đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình sẵn có.
Sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 69 về tỷ lệ vốn tối đa của Nhà nước tham gia dự án PPP theo hướng tiếp tục duy trì tỷ lệ vốn nhà nước ở mức 50% và áp dụng mức cao hơn 50%, nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án PPP thuộc một hoặc các trường hợp: có chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm vượt quá 50% tổng mức đầu tư; thực hiện ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có phương án tài chính không khả thi, nhưng cần thu hút khu vực tư nhân để tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến.
Sửa đổi, bổ sung điểm d, khoản 1, Điều 69 nhằm bổ sung mục đích chi trả chi phí trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn từ vốn nhà nước trong dự án PPP.
Bổ sung quy định tại Điều 52 nhằm làm rõ trình tự, thủ tục sử dụng vốn đầu tư công để thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp bồi thường, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn không phải do lỗi của nhà đầu tư…
Sửa đổi Điều 11 theo hướng đơn giản hóa quy trình thực hiện dự án O&M, không yêu cầu thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án này (do dự án không có cấu phần xây dựng), chỉ thực hiện thủ tục lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án, công bố dự án; lựa chọn nhà đầu tư; thành lập doanh nghiệp dự án PPP và ký kết hợp đồng dự án PPP.