Đánh giá tác động tổng thể từ CPTPP, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng, quy tắc chung của Hiệp định là tác động tốt lên các ngành thâm dụng lao động và tác dụng âm với ngành dịch vụ. Điều này đồng nghĩa với việc, một số ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép được hưởng lợi nhiều hơn, trong khi các lĩnh vực dịch vụ tài chính, kinh doanh thương mại thấp hơn.
“Từ quy tắc này có thể thấy, các tác động của CPTPP sẽ đạt ngưỡng tích cực tối đa khi có cải thiện rất tốt về năng suất lao động trong các ngành sử dụng nhiều lao động trong nước từ nay đến năm 2025. Còn nếu không có cải thiện tương đối thì tác động là không đáng kể với các ngành này, cũng như cả nền kinh tế”, ông Trần Toàn Thắng, trưởng Ban Kinh tế thế giới NCIF nhận xét.
NCIF cũng cho hay, đến thời điểm này đã có thể sơ bộ định lượng hóa tác động của CPTPP đến các ngành kinh tế. Từ đó, mỗi ngành có thể xác định chiến lược phát triển tổng thể, cũng như từng ngành nhằm tận dụng tối đa tác động tích cực và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực.
Cụ thể, theo đánh giá định lượng của NCIF, Hiệp định có thể tạo thêm mức tăng trưởng 4 - 5% cho nhóm ngành công nghiệp nhẹ và thâm dụng lao động, đồng thời gia tăng mức tăng trưởng xuất khẩu từ 8,7 - 9,6% của các ngành này nếu đạt hiệu suất năng suất tối đa. Trong đó, kết quả tính toán cũng cho thấy, ngành dệt may có thể tăng thêm quy mô sản xuất và giá trị xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng thêm ở mức mà nhiều ngành khác mơ ước là từ 8,3 - 10,8%.
“Sở dĩ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành này tăng mạnh như vậy là do hàng dệt may, da giày có sức cạnh tranh về giá lớn hơn các thị trường mới trong CPTPP, trong khi vẫn giữ được thị trường chủ lực là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, để đạt được ngưỡng tăng trưởng gia tăng này, cần cải thiện được năng suất lao động trong ngành”, TS. Thắng nhận định.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, mức ảnh hưởng của Hiệp định CPTPP tới các ngành công nghiệp nặng là không đáng kể, chỉ tác động tăng mức tăng trưởng khoảng 0,8 - 1,2% do Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh ở nhóm hàng công nghiệp, trong khi đó, các đối tác, đặc biệt là các đối tác mới trong Hiệp định CPTPP không có nhiều khả năng thúc đẩy công nghiệp nặng của Việt Nam phát triển.
Bên cạnh đó, do tác động của Hiệp định CPTPP, tốc độ tăng trưởng sản lượng của một số ngành thậm chí có thể giảm, bao gồm chăn nuôi, chế biến thực phẩm và dịch vụ bảo hiểm. Với ngành chế biến thực phẩm, phải sau 15 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực thì mức thuế theo cam kết mới về 0%.
Do lộ trình cắt giảm thuế quan khá chậm so với các nhóm ngành khác nên nếu tính một cách kỹ lượng tác động bình quân/năm và đặc biệt là ở giai đoạn đầu triển khai Hiệp định CPTPP thì tác động rất mờ nhạt.
Đáng chú ý, ngành chăn nuôi là một trong số các ngành chịu tác động không thuận lớn nhất từ CPTPP do sức cạnh tranh của Việt Nam trong ngành này rất yếu. Theo phân tích của TS. Thắng, mức thuế hiện hành đối với sản phẩm chăn nuôi ở nhiều nước nhập khẩu lớn vốn đã không cao, do đó, dù CPTPP có cam kết giảm thuế trong ngành này thì thực tế cũng không tạo ra nhiều tác động.
Trong khi đó, các ngành dịch vụ được thống nhất áp dụng nguyên trạng các cam kết đã đạt được trong đàm phán từ Hiệp định TPP, nên tác động từ CPTPP là không lớn. Theo tính toán, CPTPP chỉ tạo thêm 0,01 - 0,03% tăng trưởng, làm giảm xuất khẩu từ 2,8 - 3,2%, nhưng lại làm tăng nhập khẩu các dịch vụ này tới 2,4 - 3,6%, có nghĩa là tác động âm.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, việc thực thi CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức với thị trường và ngành dịch vụ tài chính Việt Nam, bởi thị trường vốn còn quá nhỏ, thanh khoản yếu, chưa đủ hấp dẫn để thu hút được dòng vốn lớn từ nước ngoài. Xét về tổng thể, các tác động sâu của CPTPP đến nền kinh tế sẽ tùy thuộc vào sự chuẩn bị và khả năng khai thác tính hai mặt trong quá trình triển khai hiệp định này tại Việt Nam.
"Sự cạnh tranh trở nên khốc liệt trên sân nhà"
Ông Lê Ngọc Lam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hợp tác Hưng Thịnh (Vĩnh Phúc)
CPTPP mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sự cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt trên sân nhà khi các doanh nghiệp FDI trong khối đổ bộ đầu tư vào Việt Nam.
Là doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng các sản phẩm cơ khí cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Nhật Bản nên trong những năm qua, chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc nâng cao chất lượng lao động, đầu tư máy móc, hoàn thiện từ khâu thiết kế, sản xuất, đến cải tiến sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Khi CPTPP có hiệu lực, có tác động sâu rộng tới thị trường thì Hưng Thịnh sẽ đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Hiện tại, chúng tôi chưa xuất khẩu nhưng hy vọng trong tương lai sẽ có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp của các nước thành viên CPTPP.