CPTPP được đánh giá là hết sức quan trọng nếu nhìn vào tỷ lệ nắm giữ 13% GDP toàn cầu, vào thị trường hơn 500 triệu dân của 11 nước thành viên CPTPP. Điều đó cho thấy, CPTPP đủ sức tạo nên thị trường lớn hơn cả Liên minh châu Âu (EU).
Với Việt Nam, hơn một lần, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, dù không có Mỹ thì Việt Nam vẫn được hưởng lợi khi tham gia CPTPP. Sự hưởng lợi ở đây không đơn thuần là câu chuyện thúc đẩy thương mại, qua đó thúc đẩy đầu tư, thúc đẩy liên kết khu vực, mà quan trọng không kém là thúc đẩy cải cách của Việt Nam.
Đặc biệt là cuối tuần qua, khi chính thức đệ trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định rằng, việc Quốc hội sớm phê chuẩn CPTPP sẽ giúp nâng cao vị thế chính trị của nước ta trong khu vực cũng như quốc tế. Việc tham gia và sớm phê chuẩn CPTPP còn giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng... đòi hỏi Việt Nam cần chủ động, nỗ lực đổi mới, cải cách thể chế, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý mới… Đây chính là lợi ích to lớn mà Việt Nam đạt được khi tham gia CPTPP nói riêng, cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác nói chung.
Có thể nói, các FTA của Việt Nam với EU, với Hàn Quốc, với Liên minh Kinh tế Á - Âu…, cũng như CPTPP đang mở rộng cánh cửa tương lai, tạo không gian mới cho kinh tế Việt Nam phát triển và hội nhập sâu rộng. Hơn nữa, vào thời điểm mà cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn rất căng thẳng, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng lan rộng, thì việc Việt Nam phê chuẩn CPTPP càng có ý nghĩa quan trọng.
CPTPP sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay với việc Australia vừa chính thức trở thành nước thứ 6 (sau New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore) phê chuẩn Hiệp định. Nhiều quan điểm tin tưởng rằng, thành công của CPTPP sẽ là “liều thuốc giải độc” với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch hiện có xu hướng gia tăng ở một số quốc gia, khu vực. Thậm chí, một khi CPTPP có thêm thành viên mới, với sự kỳ vọng đang được đặt vào Thái Lan, Hàn Quốc, Anh…, thì khối thương mại tự do này sẽ nhanh chóng được mở rộng và trở thành “thành lũy chống lại chủ nghĩa bảo hộ”.
Là một trong những nền kinh tế có độ mở cao nhất thế giới, Việt Nam rất dễ bị tác động và chịu rủi ro trước những biến động trên thị trường toàn cầu. Bởi thế, trong các báo cáo kinh tế thời gian gần đây, tác động bất lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, xu hướng bảo hộ lan rộng luôn được đưa ra như là lời cảnh báo về những rủi ro mà kinh tế mà Việt Nam có thể phải gánh chịu. Do vậy, khi CPTPP được Quốc hội phê chuẩn và Việt Nam chính thức tham gia “thành lũy chống lại chủ nghĩa bảo hộ này”, thì những lợi ích kinh tế mà các bên có được sẽ không hề nhỏ.