Đón đầu cơ hội từ CPTPP

(ĐTCK) Với các điều khoản cam kết của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), dệt may, thủy sản, logistic là những nhóm ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng chuẩn bị các yếu tố để đón nhận đơn hàng mới từ CPTPP.
TNG đã có sự chuẩn bị từ 3 năm để đón đầu cơ hội từ CPTPP. TNG đã có sự chuẩn bị từ 3 năm để đón đầu cơ hội từ CPTPP.

Trong 11 nước thuộc khối CPTPP, Việt Nam là nước có quy mô xuất khẩu dệt may lớn nhất. Do đó, khi cắt giảm mạnh thuế suất nhập khẩu hàng may mặc vào các nước nội khối CPTPP, Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất vì đơn hàng từ các nước nói trên sẽ đổ vào Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may năm 2016 của 6 nước lớn trong khối CPTPP (Canada, Mexico, Australia, NewZealand, Chile và Peru) đạt khoảng 40 tỷ USD.

Các nước này có nhu cầu lớn với hàng dệt may, nhưng thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 1 - 5%. Khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, các quốc gia này sẽ giảm mạnh thuế suất nhập khẩu nhiều mặt hàng, trong đó có hàng dệt may từ các thị trường nội khối.

Chẳng hạn, Canada sẽ giảm thuế suất về 0% đối với trên 50% mặt hàng dệt may các loại khi Hiệp định có hiệu lực, số còn lại sẽ giảm trong 4 năm. Mexico sẽ miễn thuế ngay 16% với các mặt hàng, số còn lại giảm dần trong 10 - 16 năm.

Australia sẽ giảm thuế suất về 0% ngay trên khoảng 50% loại mặt hàng, số mặt hàng còn lại sẽ cắt giảm về 0% trong 3 đến 4 năm. NewZealand giảm ngay thuế về 0% trên 50% loại mặt hàng nhập khẩu nội khối, còn lại sẽ giảm dần trong 5 - 7 năm.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư và thương mại TNG cho biết, Công ty đã chuẩn bị từ 3 năm trước để sẵn sàng đón nhận cơ hội từ CPTPP mang lại.

“Chúng tôi chuẩn bị nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu đơn hàng gia tăng, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh. Hiện chúng tôi đang có hai khách hàng lớn từ thị trường Canada và sẽ tiếp tục mở rộng thêm đối tác tại thị trường tiềm năng này”, ông Thời nói. 

Theo Chủ tịch TNG, số lượng đơn hàng từ thị trường nước ngoài đặt tại TNG tăng đột biến từ đầu năm tới nay, riêng sản lượng xuất khẩu sang thị trường Canada tăng 30 - 40% so với năm ngoái.

Doanh thu của TNG trong 10 tháng đầu năm đã tăng 140% so với cùng kỳ . Ông Thời cũng hy vọng, khi CPTPP có hiệu lực, TNG sẽ đưa được hàng vào các thị trường tiềm năng như Australia, NewZealand.

Tại doanh nghiệp cùng ngành, CTCP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TCM), ông Trần Như Tùng, thành viên Hội đồng quản trị cho biết, Công ty đã có chuẩn bị đón cơ hội từ khi các nước đàm phán Hiệp định TPP nên tự tin khi CPTPP có hiệu lực sẽ gia tăng sản lượng, tiếp nhận thêm nhiều đơn hàng. TCM mới mua thêm một nhà máy may ở Trảng Bàng (Tây Ninh) có công suất 5 triệu sản phẩm/năm.

“Úc, Canada là hai thị trường nhập khẩu lượng hàng may mặc rất lớn, nhưng từ trước tới nay, chúng tôi chưa tiếp cận được do không có lợi thế về thuế so với các nước có hiệp định thương mại song phương với họ. Khi CPTPP có hiệu lực, thuế giảm, cơ hội rất lớn mở ra cho dệt may Việt Nam.

TCM có lợi thế lớn khi chủ động được nguồn nguyên liệu từ sợi đến sản xuất thành phẩm nên chúng tôi tự tin trên sân chơi lớn này”, ông Tùng nói.

CTCP Sợi Thế Kỷ đang triển khai kế hoạch thâm nhập thị trường Mexico và Malaysia, đây là hai nước trong CPTPP có nền công nghiệp dệt may tiềm năng, nhưng nền công nghiệp sợi xơ dài lại yếu.

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 10 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt khoảng 29 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ, tăng mạnh so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016 và hoàn thành khoảng 79% kế hoạch xuất khẩu cả năm.

Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 10,5 tỷ USD, tăng 12%; Nhật Bản 2,85 tỷ USD, tăng 25,6%. Số lượng nhà nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc… dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam đã gia tăng mạnh trong thời gian gần đây. Tốc độ dịch chuyển diễn ra nhanh hơn đối với những đơn hàng từ thị trường Mỹ, do lo ngại rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Doanh nghiệp ngành hàng gia dụng cũng tìm thấy cơ hội lớn từ thị trường các nước trong CPTPP. Ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc toàn cầu Tập đoàn Kangaroo cho biết, Kangaroo đã tiếp cận thành công các thị trường như Mỹ, Úc, các nước khu vực Đông Nam Á… với sản lượng tăng trưởng đều qua mỗi năm.

Thủy sản cũng nằm trong nhóm ngành hưởng lợi nhiều từ CPTPP. Các doanh nghiệp ngành này như Vĩnh Hoàn, Minh Phú, Hùng Vương, IDI… đều đã chuẩn bị từ rất lâu cho việc chinh phục các thị trường trong khối CPTPP.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lợi thế của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam là có đầu tư công nghệ, giá thành cạnh tranh, nhưng cần tận dụng cơ hội để tiếp cận mở rộng thị trường.

Hiện các nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam về mặt thủy sản (chủ lực là tôm) đều nhìn vào động thái của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có việc đón đầu cơ hội từ CPTPP, phân tích điểm bất lợi và lợi thế so với doanh nghiệp Việt Nam để có chiến lược cạnh tranh.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục