Như vậy, sau 2 tháng đầu năm và đặc biệt là sau dịp Tết Nguyên đán 2016, CPI đã bắt đầu xu thế đảo chiều đi lên, dự báo có thể tiếp tục tăng trong tháng tới.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 2/2016 tăng 0,42% so với tháng trước, tăng 1,27% so với cùng kỳ năm ngoái. CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015 tăng 1,03%. Đây cũng là tháng có số nhóm hàng tăng giá nhiều trong rổ hàng hóa, với tổng cộng 8/11 nhóm hàng thiết yếu tăng so với tháng trước.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá cho biết, tháng 2 là tháng Tết Nguyên đán nên giá một số mặt hàng phục vụ Tết đều tăng. Theo đó, CPI tháng 2 tăng chủ yếu do: chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,66%, trước nhu cầu tiêu dùng của người dân phục vụ Tết và các thương lái thu gom lúa gạo cho hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia và Philippines. Bên cạnh đó, các mặt hàng thực phẩm tươi sống lên giá khá cao do nhu cầu tiêu dùng dịp nghỉ lễ, khiến chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng mạnh, tới 2,45%.
Theo nhận định của BVSC, có 3 yếu tố rủi ro tiềm ẩn đối với lạm phát, đó là do mặt bằng so sánh giá cả năm 2015 đã ở mức rất thấp trong lịch sử sau một nhịp giảm sâu, nên sang năm 2016, mặt bằng giá hàng hóa dịch vụ chỉ cần tăng nhẹ trở lại cũng có thể khiến CPI tăng đáng kể.
Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,45% do nhu cầu đi lại dịp Tết Nguyên đán và do một số đơn vị kê khai tăng giá từ 20%-60% so với ngày thường nhằm bù đắp phần chi phí cho phương tiện chạy chiều vắng khách. Ngoài ra, thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015, một số tỉnh đã nâng mức học phí các cấp học, khiến chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,26%.
Bên cạnh các yếu tố gây tăng giá nêu trên, vẫn có những yếu tố góp phần kiềm chế CPI trong tháng 2/2016. Trong đó, nhóm giao thông có chỉ số giảm nhiều nhất trong 11 nhóm hàng chính với chỉ số giá giảm chủ yếu ở mặt hàng xăng dầu. Qua 2 lần điều chỉnh, chỉ số giá xăng dầu giảm 9,29% so với tháng trước. Bên cạnh đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,4%, chủ yếu ở mặt hàng sắt thép xây dựng do giá phôi thép thế giới đi xuống.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản sau khi loại trừ lương thực - thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục tháng 2/2016 tăng 0,56% so với tháng trước, tăng 1,93% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 1,27% của lạm phát chung.
Dự báo CPI tháng 3, Vụ Thống kê giá cho biết, sẽ có khả năng còn tăng cao hơn mức tăng của tháng 2; chủ yếu do giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư liên tịch số 37/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, có hiệu lực từ 1/3/2016, áp dụng cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, có 2 yếu tố góp phần cho CPI giảm là giá xăng dầu và giá lương thực thực phẩm có xu hướng giảm do tiêu dùng sau Tết nguyên đán giảm.
Mặc dù CPI mới tăng trở lại trong vòng 2 tháng qua và xu hướng đảo chiều tăng chưa thực sự rõ ràng, song các chuyên gia đã bắt đầu lên tiếng cảnh báo cần theo dõi chặt chẽ xu thế này. Theo dự báo gần đây của các chuyên gia thuộc CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lạm phát năm 2016 sẽ khó có thể duy trì ở mức thấp như trong 2 năm vừa qua, có khả năng dao động từ 3-5%, thậm chí ở kịch bản cao nhất có thể lên tới 6-7%, do đó cần được theo dõi sát sao để tránh những tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Theo nhận định của BVSC, có 3 yếu tố rủi ro tiềm ẩn đối với lạm phát, đó là do mặt bằng so sánh giá cả năm 2015 đã ở mức rất thấp trong lịch sử sau một nhịp giảm sâu, nên sang năm 2016, mặt bằng giá hàng hóa dịch vụ chỉ cần tăng nhẹ trở lại cũng có thể khiến CPI tăng đáng kể.
Cùng với đó, ảnh hưởng có độ trễ của chính sách nới lỏng cung tiền tuy không quá lớn như trước song có thể góp phần làm cho lạm phát 2016 tăng trở lại so với năm 2015. Cuối cùng, GDP tiếp tục tăng trưởng cao sẽ giúp tăng thu nhập các hộ gia đình dẫn tới cầu tiêu dùng tăng, góp phần làm giá cả hàng hóa tăng trở lại.