CPI đứng yên, không chủ quan với lạm phát

(ĐTCK) Mặc dù số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2016 cho thấy CPI tháng này không đổi so với tháng trước, song theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia, vẫn không thể chủ quan với tình hình lạm phát bởi có nhiều yếu tố chủ quan và khách quan có thể tác động gây tăng lạm phát trong thời gian tới.
CPI đứng yên, không chủ quan với lạm phát

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2016 không đổi so với tháng 12/2015 và chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, lạm phát cơ bản tháng 1/2016 tăng nhẹ ở mức 0,27% so với tháng 12/2015 và tăng 1,72% so với cùng kỳ. Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng; trong đó, nhóm giáo dục có mức tăng cao nhất; tiếp đến là nhóm đồ uống và thuốc lá; may mặc, giầy dép; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống.

Trong tháng này, giá xăng dầu, giá gas giảm đã dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm so với tháng trước, góp phần giảm CPI chung khoảng 0,27%. Ngoài ra, có 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm hơn so với tháng 12/2015 là nhóm giao thông và bưu chính viễn thông.

Phân tích các chỉ số tăng trong tháng 1/2016, góp phần làm CPI theo xu hướng tăng, Vụ phó Vụ Thống kê giá Đỗ Thị Ngọc cho biết chỉ số giá nhóm lương thực tăng một phần từ tác động tích cực của việc Việt Nam đã giành được các hợp đồng xuất khẩu gạo cho Indonesia trong những tháng cuối năm 2015 và việc giao hàng được thực hiện từ tháng 10/2015 đến hết quý I/2016. Bên cạnh đó, chỉ số nhóm thực phẩm và hàng may mặc tăng do nhu cầu tiêu dùng, chuẩn bị hàng phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới.

Một yếu tố rất quan trọng khiến CPI có xu hướng tăng là một số địa phương đã bắt đầu thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015, khiến chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,89%.

Cùng với đó, các yếu tố tác động khách quan từ bên ngoài còn có áp lực tăng tỷ giá từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất; nhu cầu thanh toán cuối năm của các DN xuất nhập khẩu tăng, nên tỷ giá USD tháng 1/2016 đã tăng 0,18% so với tháng trước đó.

Đối với những yếu tố góp phần kiềm chế CPI trong tháng 1, theo phân tích của Tổng Cục thống kê, trước hết là do giá cả nhiều loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới trong năm 2015 vẫn tiếp tục xu hướng giảm và duy trì ở mức thấp và xu thế này đã kéo sang tháng đầu tiên của năm 2016.

Đánh giá tổng thể, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 1/2016 nằm trong xu hướng duy trì ở mức thấp so với nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, chỉ số CPI tháng 1 trong 10 năm gần đây hầu hết đều có mức tăng khá cao. Riêng tháng 1/2015, CPI giảm 0,2% do tác động của tốc độ lạm phát thấp, và trong tháng 1/2016, CPI hầu như giữ nguyên so với tháng trước đó.

Lý giải cho xu hướng này, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, trong tháng 1/2016, ngoài yếu tố quan trọng góp phần bình ổn mặt bằng giá như giá xăng dầu giảm thấp, nguồn cung hàng hóa trong nước vẫn dồi dào thì việc các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường triển khai chương trình bình ổn thị trường đã giúp cho mặt bằng giá cả ổn định, dù là bước vào tháng cận Tết.

Bên cạnh đó còn có lý do là tạm thời chưa thực hiện lộ trình giá theo thị trường đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, theo chủ trương kiềm chế lạm phát, nhờ vậy không tác động nhiều đến CPI.

Tuy nhiên, theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, tuy lạm phát không tăng song vẫn cần phải theo dõi rất chặt chẽ, bởi việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục rất có khả năng sẽ được các địa phương đồng loạt thực hiện bắt đầu từ tháng 2/2016. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố chủ quan tồn tại trong nền kinh tế hiện nay có thể khiến lạm phát tăng cao như tỷ giá năm 2015 đã tăng cao ở mức 5,34%; tình trạng bội chi ngân sách, nợ công lớn..., do đó hoàn toàn không thể chủ quan với lạm phát trong thời gian tới.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục