Covid-19 - “vết đen” lợi nhuận ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bức tranh lợi nhuận 2 quý đầu năm 2021 của các ngân hàng niêm yết tiếp tục sáng sủa, nhưng có lẽ sẽ không còn tươi sắc trong những quý tới khi “vết đen” Covid sắp hiện rõ.
Lợi nhuận ngân hàng quý II/2021 vẫn tốt nhờ tăng thu nhập phi tín dụng. Ảnh: Dũng Minh Lợi nhuận ngân hàng quý II/2021 vẫn tốt nhờ tăng thu nhập phi tín dụng. Ảnh: Dũng Minh

Lợi nhuận quý II tăng trưởng cao

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp TPBank cho biết, kết thúc quý II/2021, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt hơn 3.007 tỷ đồng, tăng gần 48% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 54% kế hoạch cả năm.

Tại SCB, đại diện ngân hàng này cho hay, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 456 tỷ đồng, trong đó thu ngoài lãi có đóng góp lớn khi mang lại hơn 3.000 tỷ đồng doanh thu.

Với LienVietPostBank, ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, hiện chưa có số liệu chính xác về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 do còn phải qua kiểm toán độc lập xác nhận, “nhưng tình hình kinh doanh vẫn tạm ổn” - ông Sơn nói.

Thông tin tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh diễn ra ngày 30/6/2021, lãnh đạo VietinBank cho biết, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2020.

Trước đó, MSB cũng công bố ước tính lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2021 đạt khoảng 2.800 tỷ đồng, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 85% kế hoạch lợi nhuận năm.

Báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý II/2021 của SSI Research vừa công bố cho thấy, nhiều ngân hàng được kỳ vọng có mức tăng trưởng khả quan, có ngân hàng dự kiến lợi nhuận tăng trên 50% so với cùng kỳ năm trước như ACB, BIDV, HDBank... Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp MB thông tin: “Số liệu SSI công bố không chính xác với hoạt động của Ngân hàng. Hiện MB chưa công bố số liệu chính thức do còn chờ kiểm toán”.

Lạc quan trong quan ngại

Một trong những nguyên nhân chính giúp lợi nhuận trước thuế quý II/2021 tăng trưởng cao được vị lãnh đạo TPBank trên lý giải: “Là do Ngân hàng thực hiện một loạt giải pháp tiết giảm chi phí và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Điều này có thể nhìn thấy rõ ở chi phí hoạt động chỉ tăng 6,91% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng của doanh thu. Chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) cũng giảm từ mức 43% cuối tháng 6/2020 xuống mức 36% ở thời điểm kết thúc quý II năm nay”.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm chưa thể hiện được rõ nét câu chuyện nợ xấu. Diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp và nhiều doanh nghiệp khó khăn có thể khiến nợ xấu tăng lên, ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận các quý còn lại trong năm.

Bên cạnh đó, vị này cho biết thêm, 6 tháng đầu năm nay, TPBank cũng đã tập trung đa dạng hóa nguồn thu, giúp thu nhập thuần từ dịch vụ (bao gồm hoạt động thanh toán, ngân quỹ, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn) tăng tới 117% so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, hết quý II/2021, thu nhập từ dịch vụ của SCB đạt 1.310 tỷ đồng, tương đương 78% tổng thu nhập dịch vụ năm 2020. Trong đó, doanh số bảo hiểm đạt gần 1.000 tỷ đồng, đưa SCB trở thành ngân hàng dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh doanh mảng bancassurance. Song song với đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối và kinh doanh chứng khoán của SCB cũng ghi nhận sự tăng trưởng, đạt hơn 1.600 tỷ đồng.

Còn tại VietinBank, động lực tăng lợi nhuận đến từ mức tăng trưởng tín dụng 4,8% và tăng mạnh khoản thu từ dịch vụ mang về hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ, trong đó các khoản thu dịch vụ đạt kết quả tốt là thu bảo lãnh và thu từ mảng ngân hàng điện tử. Đồng thời, thu xử lý rủi ro cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 và nguồn vốn CASA (tiền gửi không kỳ hạn) bình quân có sự cải thiện đáng kể.

Không bất ngờ về kết quả kinh doanh của các ngân hàng đến từ việc chuyển dịch cơ cấu thu nhập theo hướng tăng thu nhập phi tín dụng, TS. Hà Huy Tuấn, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dẫn chứng: “Số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính của các ngân hàng niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán cho thấy, tỷ trọng thu nhập ngoài lãi thuần trong tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh của các ngân hàng tăng từ mức 23,7% (năm 2017) lên mức 25,2% (năm 2020). Trong đó, tỷ trọng thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng từ mức 8,6% (năm 2017) lên mức 10,4% (năm 2020)”.

Mặc dù nhận định con số trên khá ấn tượng, nhưng TS. Tuấn cũng cho rằng, các ngân hàng thương mại ở Việt Nam vẫn nằm trong nhóm có tỷ lệ thu nhập từ phí trên tổng thu nhập thấp (dưới 20%) so với các ngân hàng trên thế giới. Để được xếp hạng cao thì tỷ lên cần đạt trên 30%, bởi ở những quốc gia có nền tài chính phát triển, tỷ trọng thu nhập ngoài lãi trong tổng thu nhập (Noninterest income to total income) của các ngân hàng lên tới hơn 40%.

Liên quan đến câu chuyện lợi nhuận cao, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Đây là điều kiện để các ngân hàng chia sẻ nhiều hơn nữa với khách hàng thông qua giảm thêm lãi suất cho vay, kể cả lãi suất các khoản cho vay cũ, đồng thời tăng tính hấp dẫn của các dịch vụ ngân hàng thông qua áp dụng công nghệ hiện đại và chính sách phí cạnh tranh hơn”.

Trong một diễn biến có liên quan, Báo cáo xu hướng kinh doanh quý III/2021 đối với toàn bộ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam vừa công bố cho biết, trong quý II/2021, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng được các tổ chức tín dụng đánh giá tiếp tục cải thiện nhưng chưa như kỳ vọng do ảnh hưởng bất lợi từ bệnh dịch.

Dự kiến trong thời gian tới, 67,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý III/2021 và 73,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng cải thiện hơn trong cả năm 2021. Trước diễn biến phức tạp của dịch, tại kỳ điều tra này, 2 nhóm tổ chức tín dụng đã điều chỉnh thu hẹp hơn kỳ vọng về tốc độ phục hồi kinh doanh trong năm 2021 của đơn vị mình, trong khi 100% tổ chức tín dụng thuộc nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối và ngân hàng cổ phần quy mô lớn vẫn duy trì kỳ vọng lạc quan như trước.

Trong quý III/2021, 56,8% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng so với quý liền trước, trong đó chủ yếu là “tăng nhẹ”); 35,8% tổ chức tín dụng kỳ vọng “không đổi” và 7,7% tổ chức tín dụng lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh “giảm nhẹ”. Tính chung cho năm 2021, 85,4% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 4,9% kỳ vọng không đổi và 9,7% lo ngại lợi nhuận giảm.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: “Có những việc trông vậy mà chưa chắc đã phải là vậy. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm chưa thể hiện được rõ nét câu chuyện nợ xấu. Diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp và nhiều doanh nghiệp khó khăn có thể khiến nợ xấu tăng lên, ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận các quý còn lại trong năm”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục