Tín hiệu tích cực quý II
So với các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân được đánh giá có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn nhờ sự linh hoạt và có nguồn lực tốt (hệ số CAR cao, nguồn vốn từ lợi nhuận giữ lại dồi dào). Ngoài ra, áp lực giảm lãi suất đầu ra cũng thấp hơn giúp cho nhóm này giữ được biên lãi ròng (NIM) cao và tiếp tục ghi nhận tăng trưởng khả quan từ thu nhập lãi thuần. Chưa kể, tác động của dịch bệnh thường có độ trễ nên các dự báo đưa ra tín hiệu lạc quan đối với lợi nhuận của ngành ngân hàng trong quý 2 II/2021.
Đơn cử, tại MSB, sau 5 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế ngân hàng này đạt hơn 2.200 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 68% kế hoạch năm 2021, được đóng góp chủ yếu từ thu nhập lãi thuần gần 2.500 tỷ đồng và thu nhập ngoài lãi hơn 1.200 tỷ đồng, tăng lần lượt 79% và 64% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc Ngân hàng, MSB là một trong những ngân hàng ít chịu tác động của dịch Covid-19 nhất trong hệ thống ngân hàng với dư nợ quá hạn cơ cấu lại theo Thông tư 01/2020 ở mức thấp, việc gảm lãi theo quy định của Thông tư 01 chỉ ở mức 42 tỷ đồng tính đến hết quý I/2021. Vì vậy, áp lực dự phòng rủi ro với các khoản nợ tái cơ cấu là không quá lớn với MSB.
Đà tăng trưởng lợi nhuận đã phản ánh rõ nét vào thị giá cổ phiếu ngân hàng thời gian qua. Do đó, mức định giá cao đặt trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra sẽ là yếu tố quan trọng cần lưu ý trước khi giải ngân vào cổ phiếu “vua”.
Tại ACB, tuy không tiết lộ con số mới nhất nhưng lãnh đạo ACB cho biết, lợi nhuận quý II/2021 của Ngân hàng đang được thực hiện theo kế hoạch đã đề ra, cho dù áp lực trích dự phòng rủi ro cao. Được biết, kết thúc quý I/2021, dự phòng rủi ro của ACB tăng 6,5 lần cùng kỳ năm trước, song lợi nhuận vẫn tăng trưởng 61%, đạt hơn 3.104 tỷ đồng.
Tỷ lệ NIM của ACB cũng được các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo sẽ tăng 4,06% trong năm nay chủ yếu nhờ các đợt cắt giảm giới hạn tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng trong năm qua bắt đầu có tác động đáng kể đến chi phí vốn, bên cạnh tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ACB đã được cải thiện thời gian qua. VCSC nhận định, NIM của ACB sẽ đạt đỉnh vào năm 2021, sau đó giảm về mức 3,64% vào năm 2023 do ACB đẩy mạnh cho vay ở mảng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đầy cạnh tranh.
Trong báo cáo chiến lược tháng 6/2021, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định rằng, ngành ngân hàng sẽ chứng kiến một chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm nay, bất chấp dịch bệnh. Theo đó, mức tăng trưởng được dự báo đạt khoảng 27% với 2 yếu tố chính: Một là chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước nhằm giảm tác động của hậu quả dịch bệnh, duy trì mặt bằng lãi suất thấp cùng chính sách tiền tệ nới lỏng; hai là các yếu tố được thúc đẩy bởi dịch bệnh, ví dụ xu hướng cắt giảm mạnh chi phí.
Cũng theo VDSC, những thông tin liên quan tới việc phê duyệt hạn mức tín dụng mới tại một loạt ngân hàng tư nhân (sau khi những ngân hàng này đã chạm mức trần tín dụng cho phép), các kế hoạch phát hành thêm, chia cổ tức để tăng vốn điều lệ, đặc biệt ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, sẽ là những yếu tố tác động tới lợi nhuận của các ngân hàng trong thời gian tới.
Cả năm ra sao?
Dựa trên các báo cáo kinh doanh đã công bố có thể thấy, công thức chung tạo lợi nhuận cao của các ngân hàng là kéo giãn biên lãi ròng (NIM), đa dạng hóa nguồn thu và linh hoạt trong ghi nhận chi phí. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất giảm với xu hướng lãi cho vay giảm chậm hơn lãi huy động cũng giúp ngân hàng lãi cao năm qua khi biên lãi ròng được cải thiện.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, tác động của làn sóng Covid thứ 4 lên hoạt động tín dụng là khó tránh, song các ngân hàng đã có kinh nghiệm từ năm trước và chuẩn bị các kịch bản ứng phó, đồng thời tiết giảm tối đa chi phí hoạt động nên khả năng lợi nhuận vẫn sẽ tích cực trong năm nay. Với OCB, mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay là 5.500 tỷ đồng trước thuế và trong quý đầu năm đã đạt 1.276 tỷ đồng, nên Ngân hàng tự tin sẽ hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm đã đặt ra.
Theo dự báo VCSC, mức tăng trưởng lợi nhuận của BIDV năm 2021 có thể đạt 56,4%, tương đương gần 11.300 tỷ đồng trước thuế. Tỷ lệ NIM của BIDV sẽ tăng khoảng 0,25 điểm phần trăm lên mức 2,69% nhờ chi phí huy động giảm xuống. Việc giảm dự báo chi phí huy động dựa trên cơ sở tác động của 4 đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2020 và tỷ lệ CASA dự phóng tăng 1,5 điểm phần trăm sau khi BIDV triển khai chương trình “phí 0 đồng” trong tháng 4/2021.
VCSC cũng dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 của VPBank có thể tăng 35,3% lên mức 14.100 tỷ đồng, qua đó nâng giá mục tiêu của cổ phiếu VPB lên mức 85.700 đồng/cổ phiếu (tăng 66% so với giá mục tiêu trước đây). Dự báo của VCSC được dựa rên giả định VPBank chào bán cổ phần của “con gà đẻ trứng vàng” FE Credit cho một nhà đầu tư chiến lược mà nhiều khả năng là đối tác đến từ Nhật theo nhiều giai đoạn.
Trước đó, VPBank và Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC) của Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit, giá trị thương vụ ước đạt gần 1,4 tỷ USD. Trong thương vụ này, VCSC đóng vai trò là nhà tư vấn và được chuyển nhượng phần vốn góp tương đương với 1% vốn điều lệ FE Credit. VCSC cho rằng, việc có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ giúp VPBank gia tăng đáng kể lượng tiền gửi ngoại hối từ các tổ chức tín dụng (bên phải trả), tương tự như trường hợp của Vietcombank hay VietinBank khi cũng có các đối tác chiến lược đến từ Nhật Bản là Mizuho Bank và MUFG. Theo đó, tỷ lệ CASA của VPBank sẽ tăng, từ đó làm giảm chi phí huy động hợp nhất từ 5,9% xuống 4,2% vào năm 2025. Bên cạnh đó, việc SMSB nắm giữ 49% vốn của FE Credit cũng tạo khả năng thay thế chi phí huy động tài trợ bằng giấy tờ có giá vốn có lãi suất cao bằng các khoản vay từ nước ngoài.
Theo dự báo của FiinGroup, năm 2021, lợi nhuận kế toán của 12/26 ngân hàng niêm yết (chiếm 86,3% vốn hóa của khối ngân hàng) sẽ tăng cao hơn so với năm 2020 (18,2% so với 14,9%). Triển vọng tích cực này đến từ cả hoạt động tín dụng và dịch vụ, trong đó mảng bán chéo bảo hiểm của nhiều ngân hàng gồm VCB, CTG, ACB, MSB và HDB được kỳ vọng cao.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, các báo cáo lợi nhuận của ngân hàng hiện chưa đầy đủ, con số này sẽ phản ánh chính xác hơn vào cuối năm khi các ngân hàng trích lập đủ dự phòng rủi ro. Tuy vậy, đà tăng trưởng lợi nhuận cũng đã phản ánh rõ nét vào thị giá cổ phiếu ngân hàng thời gian qua. Do đó, mức định giá cao đặt trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra sẽ là yếu tố quan trọng cần lưu ý trước khi giải ngân vào cổ phiếu “vua”.