Lãi đậm 6 tháng đầu năm
Một số ngân hàng đã hé lộ kết quả kinh doanh nửa đầu năm với những con số ấn tượng. Tại hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh diễn ra ngày 30/6, lãnh đạo VietinBank cho biết, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của Ngân hàng ước đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, Ngân hàng MSB công bố ước tính lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 2.800 tỷ đồng trong nửa đầu năm, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 85% kế hoạch cả năm.
Tương tự, LienVietPostBank cho biết, lợi nhuận trước thuế trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 1.700 tỷ đồng, gần bằng 60% kế hoạch cả năm và cao hơn 70% so với 6 tháng đầu năm ngoái.
Có thể nhận thấy một đặc điểm chung của các ngân hàng trên là tăng trưởng lợi nhuận cao và đều vượt 70% kế hoạch của cả năm. Theo giới phân tích tài chính, động lực chính giúp lợi nhuận tăng cao của không chỉ của 3 ngân hàng trên, mà còn của toàn ngành trong thời gian qua là biên lãi ròng duy trì ở mức cao, nhờ lãi suất huy động giảm, trong khi lãi suất cho vay không giảm tương ứng.
Vượt chỉ tiêu đề ra?
Theo các báo cáo kinh doanh đã được công bố, nguyên nhân lãi lớn của ngân hàng chủ yếu đến từ việc kéo giãn biên lãi ròng, đa dạng hóa nguồn thu và linh hoạt về chi phí. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất giảm với xu hướng lãi cho vay giảm chậm hơn lãi huy động đã giúp ngân hàng lãi đậm nhờ biên lãi ròng được cải thiện.
Theo tính toán của FiinGroup, sau khi tăng hai quý liên tiếp, biên lãi ròng của các ngân hàng có giảm nhẹ trong quý I/2021 so với mức đỉnh quý trước đó, nhưng vẫn ở mức 3,73% - cao thứ hai trong nhiều năm trở lại đây. Không chỉ vậy, trong thời gian qua, tín dụng - hoạt động cốt lõi của các ngân hàng - cũng có những diễn biến tích cực.
Số liệu Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 15/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1%, đồng nghĩa với các tổ chức tín dụng đã bơm ra nền kinh tế khoảng 469.000 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Với tình hình này, tín dụng ước tăng 5,5 - 6% trong nửa đầu năm nay, khi nhiều ngân hàng chưa hết 6 tháng đã dùng gần hết hoặc hết room tín dụng của cả năm và đang xin Ngân hàng Nhà nước cấp cho room mới, như MSB, ACB, OCB, Techcombank, VIB. Ngay cả với những ngân hàng quy mô lớn như Vietcombank, VietinBank, tín dụng 6 tháng đầu năm cũng tăng ở mức khá cao, lần lượt ở mức 9% và 4,8%. Chính điều này đã tác động tích cực lên lợi nhuận 2 quý đầu năm nay.
Ngoài ra, theo Công ty Chứng khoán Yuanta, thu nhập phí của VietinBank, MSB được kỳ vọng tăng lên trong quý II/2021 nhờ doanh thu bancassurance và việc ghi nhận khoản phí trả trước.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), mức tăng trưởng lợi nhuận của BIDV năm nay có thể đạt 56,4%, tương đương gần 11.300 tỷ đồng trước thuế. Biên lãi thuần của BIDV sẽ phục hồi, tăng 0,25 điểm phần trăm, lên mức 2,69% nhờ chi phí huy động giảm. Việc giảm dự báo chi phí huy động của nhóm phân tích chủ yếu dựa trên cơ sở tác động của 4 đợt cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong năm ngoái và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) dự phòng tăng 1,5 điểm phần trăm sau khi BIDV triển khai chương trình “phí 0 đồng” trong tháng 4/2021.
VCSC dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 của VPBank có thể tăng 35,3%, lên 14.100 tỷ đồng, nâng giá mục tiêu của cổ phiếu lên 85.700 đồng/cổ phiếu (tăng 66% so với giá mục tiêu trước đây). Dự báo của VCSC được cập nhật với giả định VPBank chào bán cho một nhà đầu tư chiến lược mà nhiều khả năng là đối tác đến từ Nhật Bản theo nhiều giai đoạn.
VDSC dự báo, Techcombank lãi hơn 5.600 tỷ đồng trong quý II. Công ty chứng khoán này cũng cho rằng, Techcombank sẽ được duyệt hạn mức tăng trưởng tín dụng lên tới 20% trong năm nay. Với mức kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trên, VDSC dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Techcombank đạt 20.437 tỷ đồng, tăng 9% so với dự báo trước đó, tăng gần 30% so với năm trước.