Covid-19 “đánh bồi”, cần phương án cứu doanh nghiệp du lịch

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường nội địa vừa ấm lên thì Covid-19 “đánh bồi”, khiến hàng loạt doanh nghiệp du lịch không còn đủ sức gượng dậy.
Covid-19 tái bùng phát khiến hàng loạt cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách tại Hà Nội phải đóng cửa.
Covid-19 tái bùng phát khiến hàng loạt cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách tại Hà Nội phải đóng cửa.

Họ đang rất cần những chính sách hỗ trợ trước mắt và lâu dài để duy trì hoạt động, chuẩn bị cho đợt khôi phục mới.

Nỗ lực hồi phục bị xóa sạch

Cuối tháng 7, Covid-19 quay trở lại đã xóa sạch nỗ lực hồi phục của ngành du lịch suốt 3 tháng trước đó. Dịch xuất hiện ở Đà Nẵng rồi lan sang một số địa phương khác, kéo theo làn sóng hủy tour, hủy dịch vụ du lịch.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết: “Tháng 8/2020, tỷ lệ hủy phòng khách sạn lên đến 98 - 100% ở hầu hết địa phương. Lượng tour hủy của Hà Nội khoảng 32.000 lượt, của TP.HCM khoảng 35.000 lượt, hầu hết các đoàn khách lớn, nhỏ đều hủy tour, khiến doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn”.

Từ ngày 25/7 đến nay, Vietravel đã nhận yêu cầu hủy của khoảng 22.302 lượt khách, thiệt hại ước tính 102 tỷ đồng; Công ty Flamingo Redtours có 9.000 khách hủy tour, thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng; Vietrantour có khoảng 3.500 khách hủy tour, thiệt hại khoảng 21 tỷ đồng; Hanoitourist có khoảng 5.000 khách hủy tour, thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng…

Du lịch đóng băng, doanh nghiệp ngành hàng không cũng khốn đốn theo. Ông Đinh Việt Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet Air cho biết, sau khi đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4 kết thúc, mảng hàng không nội địa của Hãng tăng trưởng vượt so với cùng kỳ năm 2019 khoảng 30%. Tuy nhiên, khi Covid-19 bùng phát lại, ngay trong tuần đầu tiên, Vietjet Air đã sụt giảm khoảng 70% lượng khách.

Việc du khách đồng loạt hủy, hoãn tour còn khiến các đơn vị kinh doanh dịch vụ như lưu trú, ăn uống, khu vui chơi, giải trí, mua sắm... đối mặt rất nhiều khó khăn. Nhiều chủ doanh nghiệp phá sản, đóng cửa, rao bán khách sạn, chuyển nhượng công ty…, khiến hàng triệu lao động phải làm việc luân phiên, nghỉ không lương, chấm dứt hợp đồng. Hàng trăm ngàn lao động du lịch phải chuyển sang ngành nghề khác để mưu sinh.

Theo ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, hiện có khoảng 28.199 lao động trong ngành du lịch ở Hà Nội tạm thời phải nghỉ việc. Còn tại TP.HCM, thông tin từ bà Võ Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, có đến 90% hãng lữ hành phải tạm dừng hoạt động, hầu hết các doanh nghiệp cho nhân viên tạm nghỉ việc không lương, chỉ còn khoảng 10% nhân sự làm việc trực tuyến...

Đề xuất giải pháp hỗ trợ

Phần lớn doanh nghiệp du lịch là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sau đợt phòng chống dịch những tháng đầu năm, hầu hết đã kiệt sức, nên khi bị Covid-19 “đánh bồi”, họ dường như không thể chống chọi. Ngay cả những hãng lữ hành lớn cũng thoi thóp.

Bà Huỳnh Phan Phương Hòa, Phó tổng giám đốc Vietravel cho biết: “Vietravel đang rất khó khăn, dòng tiền không lưu thông, 80% nhân sự phải nghỉ không lương. Điều các doanh nghiệp du lịch cần nhất lúc này là được hỗ trợ vốn để tồn tại, bởi thực tế, chúng tôi rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay. Chính phủ và các bộ, ngành cần có chính sách giảm lãi suất vay, khoanh nợ, giãn nợ, giảm thuế cho các doanh nghiệp…”.

Đồng quan điểm, ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Saigontourist đề xuất Chính phủ tập trung các nhóm giải pháp về tài chính, vì doanh nghiệp hiện không có nguồn thu, nhưng vẫn phải đảm bảo chi phí cho người lao động. Nếu có sự hỗ trợ, thì các doanh nghiệp du lịch mới có thể duy trì hoạt động, đảm bảo phòng chống dịch bệnh và tận dụng tối đa các cơ hội để bật dậy khi có đủ điều kiện.

Từ tâm dịch của đợt bùng phát lần 2 trong cộng đồng, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vietnam Travelmart đề xuất Chính phủ có phương án cứu các doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản đã đến rất gần, như: giảm 50% thuế VAT, giảm 100% thuế thu nhập doanh nghiệp, ít nhất đến hết năm 2020. Các doanh nghiêp du lịch rất mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách giảm chi phí lớn như điện, nước, viễn thông ít nhất đến hết năm 2020; tiếp tục giảm sâu hơn lãi vay, giãn nợ, khoanh nợ, tạo điều kiện tiếp cận các khoản vay mới…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch đề nghị Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước xem xét gói hỗ trợ tín dụng cho những đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng được vay lãi suất ưu đãi bằng lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước để hoạt động; tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay lại tiền ký quỹ để trả lương nhân viên, trả nợ; gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất. Đồng thời, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch như giãn thuế, giãn thời hạn thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép doanh nghiệp chậm nộp thuế; giảm phí đường bộ cho các doanh nghiệp vận chuyển…

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Hanoitourist cho biết, trong đợt kích cầu du lịch vừa qua, do giảm tối đa giá dịch vụ, nên các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn chỉ đủ nguồn thu để tái khởi động và nuôi bộ máy, chứ chưa có lợi nhuận. “Do đó, trong lúc sóng gió này, rất cần có sự chia sẻ thiệt hại từ cả 2 phía, du khách và đơn vị kinh doanh du lịch. Chúng tôi mong muốn du khách hoãn tour thay vì hủy tour, các doanh nghiệp du lịch sẻ chia với nhau để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn”, ông Thắng bày tỏ.

Hồ Hạ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục