Doanh nghiệp du lịch cấp tập chuẩn bị đón khách quốc tế

Dự kiến, tháng 7/2020, các hãng hàng không sẽ mở lại đường bay quốc tế ngay khi được cấp phép. Các doanh nghiệp du lịch cũng đang cấp tập lên kế hoạch để đón khách quốc tế.
Du khách quốc tế khám phá Hà Nội. Ảnh: Hồ Hạ Du khách quốc tế khám phá Hà Nội. Ảnh: Hồ Hạ

Hàng không rục rịch mở cửa đường bay quốc tế

Đến nay, đã 2 tháng, nước ta không có ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 công bố các vùng an toàn để mở lại đường bay tới các địa bàn mà trong 30 ngày qua không phát hiện trường hợp mắc Covid-19. Thủ tướng khẳng định, không thể đóng cửa hoàn toàn, nhưng không mở cửa ào ạt khi không thể xác định được mức độ an toàn của các nước.

Hiện, các hãng hàng không đã sẵn sàng mở lại đường bay quốc tế ngay khi được cấp phép. Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines cho hay, Hãng đã xây dựng

và ban hành các quy trình, quy định về khai thác bay và phục vụ hành khách để đảm bảo an toàn dịch tễ, tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm dịch và phòng dịch của cơ quan chức năng.

Vietnam Airlines đã triển khai khai thác thường lệ các đường bay chở khách từ Hà Nội và TP.HCM - Seoul (Hàn Quốc) 5 chuyến/tuần và dự kiến tăng lên 14 chuyến/tuần vào tháng 7/2020. Hãng cũng đã sẵn sàng khai thác các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN ngay trong tháng 7 tới, khi Chính phủ cho phép nối lại các đường bay, đồng thời chuẩn bị các phương án bay lại châu Âu vào cuối năm 2020.

“Nhiệm vụ trước mắt của ngành du lịch là tập trung khôi phục thị trường du lịch nội địa, nhưng cũng phải tính ngay đến phương án mở các thị trường quốc tế để thu hút khách du lịch”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ.

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước với tỷ lệ đóng góp trực tiếp vào GDP là 9,2%. Hơn 40.000 doanh nghiệp du lịch đang tạo ra khoảng 4,5 triệu việc làm trực tiếp và hàng triệu việc làm gián tiếp, liên quan khác. Từ khi Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, du lịch là một trong những ngành chịu tác động tiêu cực, nặng nề nhất.

Theo bà Hương, “hậu Covid-19”, các nước trong khu vực cũng sẽ mở đón du khách quốc tế và đây sẽ là cuộc chạy đua khốc liệt. “Ngành du lịch đã lường trước được khó khăn này và có những kế hoạch thu hút du khách, đồng thời ưu tiên đảm bảo an toàn lên hàng đầu. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, Việt Nam mở lại đường bay đón khách quốc tế, thì từ nay đến cuối năm 2020, du lịch có thể đón thêm 5-6 triệu lượt khách”, bà Hương nhấn mạnh.

Cần bộ thủ tục đón du khách quốc tế

Mặc dù các chuyến bay quốc tế hiện tập trung phục vụ nhu cầu di chuyển của các chuyên gia, nhà đầu tư, học sinh, sinh viên…, nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã cấp tập lên phương án, chuẩn bị sản phẩm du lịch để sẵn sàng đón khách quốc tế. Bởi theo phân tích của ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Hanoitourist, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam: “Nếu đợi thế giới công bố hết dịch mới triển khai các hoạt động du lịch thì đã quá muộn và bỏ lỡ nhiều cơ hội. Đương nhiên, khi kết nối lại thì phải nghiên cứu để đảm bảo an toàn cho du khách, đây là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu”.

Để đảm bảo đón du khách quốc tế an toàn, hiệu quả, ông Hoàng Nhân Chính, Tổng thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho biết, TAB đề xuất Việt Nam có một quy trình và bộ thủ tục để mở cửa thị trường.

Bộ thủ tục đó bao gồm: mở lại các đường bay và đảm bảo rằng, các đường bay này chỉ được phép khai thác các chuyến bay thẳng; miễn visa du lịch; yêu cầu du khách nhập cảnh khai báo y tế; đo nhiệt độ hành khách nhập cảnh; thỏa thuận về việc xét nghiệm xác suất Covid-19 đối với khách đến và thủ tục xét nghiệm; thỏa thuận về việc cài đặt ứng dụng theo dõi được phê duyệt trong thời gian ở Việt Nam... TAB cho rằng, an toàn và sức khỏe của người dân cần được cân đối hài hòa với các tính toán và lợi ích kinh tế.

Theo đó, TAB kiến nghị bắt đầu đàm phán với các thị trường nguồn quan trọng và các nước có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp đáng kể nhất. Các thỏa thuận sẽ được triển khai và có hiệu lực khi nào các tiêu chí đã thỏa mãn và các chuyến bay thẳng được thiết lập.

“Các tiêu chí như vậy sẽ đảm bảo mở dần dần và cần thiết tiếp cận từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình, bởi trước đó, chúng ta chưa từng có tiền lệ ứng phó với loại thách thức này”, ông Chính nhấn mạnh.

Để chuẩn bị cho kế hoạch này, TAB cho rằng, cần sớm quảng bá xúc tiến hình ảnh, định vị Việt Nam là một “thiên đường an toàn”, nêu rõ những kỳ tích mà Việt Nam đã đạt được trong việc kiểm soát và chống lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng…

Dẫu biết hành trình đón du khách quốc tế vẫn còn bộn bề khó khăn, nhưng đây là những tín hiệu tích cực giúp người làm du lịch xốc lại tinh thần sau quãng thời gian khủng hoảng do dịch Covid-19.

Hiện một số quốc gia và điểm đến đã có kế hoạch mở cửa thị trường quốc tế. Đơn cử, Hy Lạp mở cửa đón du khách từ 29 quốc gia trên thế giới từ ngày 15/6. Iceland đón khách quốc tế từ ngày 15/6 với điều kiện khách phải xét nghiệm Covid-19 tại vùng du lịch khép kín.

Quần đảo Madeira (Bồ Đào Nha) sẽ đón khách quốc tế từ 1/7. Thái Lan đang cân nhắc đón khách quốc tế trong quý III hoặc quý IV/2020, với ưu tiên dành cho những người đến từ các khu vực không còn dịch.

Hạnh Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục