Lĩnh vực dịch vụ vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng được đánh giá là chịu ảnh hưởng ngay từ vòng tác động đầu tiên của dịch Covid-19.
Ông Hoàng Hữu Lộc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Saigontourist cho biết, đánh giá sơ bộ tác động từ tình hình dịch bệnh trong tháng 2 vừa qua cho thấy, ảnh hưởng tới doanh nghiệp là rất nặng nề.
Không chỉ số lượng khách sụt giảm mạnh dẫn tới giảm doanh thu, mà còn ảnh hưởng tới dòng tiền, sức khỏe tài chính và uy hiếp trực tiếp tới khả năng duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
“Số lượng khách hàng hủy chuyến gia tăng đã gây thiệt hại không nhỏ đối với doanh nghiệp. Hiện Công ty đang phải chịu áp lực từ nhiều phía do đã thanh toán cho nhiều nhà cung ứng trong và ngoài nước trước, nên rơi vào tình thế rất khó khăn”, ông Lộc cho hay.
Với Tập đoàn Sun Group, đại diện Tập đoàn này cho biết, ước tính đến nửa đầu tháng 3, lượng du khách tới các khu vui chơi giải trí của Tập đoàn hụt hơn 2 triệu lượt, tương đương 1.500 tỷ đồng doanh số.
Tập đoàn dự báo, với đà diễn tiến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay, đến hết 2020, lượng khách sụt giảm lên tới 7,2 triệu lượt, tương đương thiệt hại khoảng 5.000 tỷ đồng doanh thu.
Lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng của Sungroup cũng thiệt hại nặng nề, với tỷ lệ lấp đầy giảm tới 70 - 80%, ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền của doanh nghiệp trong năm nay.
Ðể duy trì sản xuất - kinh doanh, đại diện Tập đoàn đã tính tới việc sắp xếp, bố trí lại lao động phù hợp, để vừa đảm bảo giảm bớt chi phí, duy trì hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời không để ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người lao động.
“Hiện lực lượng lao động của Sungroup lên tới 11.000 người ở tất cả lĩnh vực. Chúng tôi cố gắng bố trí theo hướng đối với lĩnh vực ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì sắp xếp người lao động nghỉ bù ngày phép cho các cán bộ có tồn phép. Ðối với công viên, khách sạn, bố trí nhân sự đi làm theo nhu cầu của khách, để vừa đảm bảo cuộc sống cho người lao động vừa giảm thiểu tới mức thấp nhất tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh”, đại diện tập đoàn này cho biết.
Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng cho biết đang chủ động sắp xếp lại lao động, đặc biệt là hướng dẫn viên, giảm thiểu các sự kiện và thực hiện tổ chức công việc thông qua quản lý cấp trung; rà soát, cắt giảm tối đa các chi phí để duy trì hoạt động.
Nhìn nhận dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp nên giải pháp kích cầu du lịch nội địa trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp, Chủ tịch Saigontourist cho rằng, doanh nghiệp nên coi đây là mùa thấp điểm sớm trong năm nay, đồng thời là giai đoạn để cơ cấu lại hoạt động. Saigontourist sẽ có kịch bản sẵn sàng để đón đầu khi thị trường nội địa khôi phục.
Ðồng quan điểm, bà Bùi Thị Thanh Hương, CEO Sungroup cho rằng, các doanh nghiệp du lịch cần xác định giai đoạn khó khăn này là cơ hội để tái cấu trúc lại hoạt động của mình.
“Nên coi giai đoạn này là thời gian tăng cường công tác quản trị, ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu rủi ro lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp cũng như tiết giảm chi phí. Ðồng thời cũng nên coi đây là cơ hội để tái cấu trúc thị trường du lịch nói chung theo hướng bền vững hơn”, bà Hương chia sẻ.
Các doanh nghiệp trong ngành cũng cho rằng, trong giai đoạn này, khi doanh số của doanh nghiệp sụt giảm rất thấp, thậm chí có doanh nghiệp còn bằng 0 thì bên cạnh những nỗ lực tự ứng phó, doanh nghiệp rất cần có các giải pháp hỗ trợ thiết thực của Chính phủ như giãn hoãn nộp thuế, giảm lãi suất, gia hạn trả chậm để đỡ phần nào gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi đề xuất Chính phủ ban hành ngay gói hỗ trợ cho doanh nghiệp cả chính sách tài chính và tài khóa, cụ thể giảm lãi vay, giãn các khoản gốc lãi vay của doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng; giãn, giảm các khoản thuế phải nộp cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, đại diện một doanh nghiệp du lịch kiến nghị.