Doanh nghiệp du lịch tiếp tục cầm cự qua ngày

Thị trường nội địa đang được kỳ vọng là chiếc phao cứu sinh cho các công ty trong ngành du lịch, nhưng có một sự thật là chiếc phao này không dành cho tất cả doanh nghiệp.
Khi thị trường quốc tế đóng cửa, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế quay lại thị trường nội địa, nhưng gần như đứng ngoài cuộc chơi. Khi thị trường quốc tế đóng cửa, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế quay lại thị trường nội địa, nhưng gần như đứng ngoài cuộc chơi.

Hoạt động cầm chừng

Ông Bùi Thế Duy, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt cho biết, nhờ dịch bệnh được kiểm soát tốt, nên không lâu sau lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, công ty ông đã có khách hàng đặt tour trở lại. Do khách hàng của Lửa Việt chủ yếu là khách đoàn doanh nghiệp, nên không bị ảnh hưởng bởi lịch học và nghỉ hè của học sinh.

Mặc dù vậy, doanh thu của Lửa Việt dự kiến trong tháng 6/2020 chỉ bằng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân, do ảnh hưởng từ dịch bệnh, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành may mặc, sản xuất giày da, xuất nhập khẩu… bị tê liệt hoàn toàn, khiến danh sách khách hàng thu hẹp lại. Bản thân Lửa Việt cũng không tránh khỏi việc phải cắt giảm nhân sự và đóng cửa một số chi nhánh hoạt động chưa hiệu quả.

“Thời điểm này, có khách, có dòng tiền đã gọi là hiệu quả. Các chỉ tiêu kinh doanh tạm thời gác sang một bên”, ông Duy nói.

Hoạt động trên thị trường hơn 20 năm, doanh thu du lịch trong nước chiếm khoảng 60% cơ cấu nguồn thu, nhưng Lửa Việt vẫn chưa thể hoạt động hết công suất sau dịch bệnh, thì với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, khó có thể kỳ vọng vào viễn cảnh tươi sáng.

Theo Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, cả nước có hơn 2.000 doanh nghiệp du lịch, 70% số này kinh doanh mảng đưa người Việt đi du lịch nước ngoài. Khi thị trường quốc tế đóng cửa, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế quay lại thị trường nội địa, nhưng gần như đứng ngoài cuộc chơi.

Giám đốc một công ty lữ hành quốc tế cho biết, khách hàng của các công ty này chủ yếu là khách lẻ, mà nhu cầu khách lẻ mua tour du lịch nội địa hiện rất hiếm.

Xu hướng du lịch nội địa của khách hàng hiện nay là tự đặt phòng, vé máy bay trực tuyến. Thị trường này vốn đã nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại như Booking.com, Agoda.com, Traveloka.com… với thị phần lên đến 80% (thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử năm 2019).

Ngoài ra, hiện các hãng hàng không, các đơn vị sở hữu hạ tầng nghỉ dưỡng lớn như Vingroup, FLC… đều tự bán dịch vụ riêng để kích cầu, nên vai trò của các công ty du lịch càng mờ nhạt.

Trên thực tế, các đơn vị này cũng phát triển qua các kênh đại lý và có mức hoa hồng khá hấp dẫn, nhưng do phần lớn doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã chôn vốn để đặt vé máy bay từ đầu năm và đang trong tình trạng thiếu tiền mặt, nên phần lớn không dám mạo hiểm tiếp. Trong khi đó, việc chuyển cơ cấu sang phục vụ khách đoàn trong nước của các công ty lữ hành quốc tế không thể diễn ra một sớm, một chiều.

“Chúng tôi chủ yếu là cầm cự chờ ngày các nước mở lại đường bay thương mại là chính”, vị giám đốc này nói.

Cần chính sách hỗ trợ thiết thực hơn

Nhìn chung, các công ty du lịch vẫn hoạt động cầm chừng để chờ tín hiệu khởi sắc hơn của thị trường. Chính vì thế, những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng.

Theo ông Bùi Thế Duy, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các ngân hàng thương mại đã hỗ trợ rất tốt trong thời gian qua. Khi lệnh giãn cách xã hội ban hành, ngân hàng đã chủ động liên hệ các công ty du lịch và đưa ra biện pháp chỉ thu lãi vay, ân hạn gốc đối với các khoản vay cũ.

Các khoản vay mới dành cho doanh nghiệp du lịch hiện vẫn khó vì bị đánh giá là rủi ro cao, nhưng đây là điều dễ hiểu, vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nên phải đảm bảo sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách du lịch nội địa trong cả năm 2019 ước đạt 85 triệu lượt, trong đó có 43,5 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt 726.000 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2018.   

Ông Duy cho rằng, cần có chính sách giảm thuế VAT trong ngắn hạn. Bằng cách làm này, chỉ những doanh nghiệp còn hoạt động mới được hưởng, nên Chính phủ sẽ không cần phải xuất tiền ra hỗ trợ.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty VietMark cho rằng, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT đến hết năm 2020 là biện pháp cần thiết hiện nay.

Bên cạnh đó, hiện các doanh nghiệp du lịch đều ký quỹ tại ngân hàng, nên cần có chính sách cho vay 80% số tiền ký quỹ không lãi suất để bổ sung nguồn vốn lưu động.

Ngoài ra, để kích cầu du lịch nội, ông Đỗ Tuấn Anh cho rằng, Nhà nước nên xem xét phát hành voucher/trái phiếu du lịch. Khi khách hàng mua tour trọn gói

du lịch trong nước sẽ được trả lại 30%, phần công ty du lịch sẽ được khấu trừ vào thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trước đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Giám đốc điều hành Vietravel cũng đề nghị giảm 50% chi phí tham quan, di tích danh lam thắng cảnh do Nhà nước quản lý để kích cầu du lịch trong nước, song song đó là đề xuất giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú và điểm tham quan.

Một điểm quan trọng nữa là công nợ giữa doanh nghiệp lữ hành quốc tế với các hãng hàng không hiện khá lớn, do đó, lãnh đạo Vietravel đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại vào cuộc để có biện pháp đưa số tiền này vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Huy Vũ ​
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục