Covid-19: Bài kiểm tra sức bền nặng ký với công ty địa ốc

(ĐTCK) Cơ cấu lại công ty, chuẩn bị kỹ nguồn hàng, tuyển dụng thêm nhân sự… là những động thái mà doanh nghiệp bất động sản chuẩn bị để sẵn sàng trở lại đường đua.
Do tác động của dịch bệnh, nhiều công ty bất động sản phải đóng cửa, chuyển văn phòng Do tác động của dịch bệnh, nhiều công ty bất động sản phải đóng cửa, chuyển văn phòng

Gắng gượng cầm cự

Trong khi hàng chục dự án trên thị trường “bất động” nhiều năm vì vướng pháp lý chưa được giải quyết, thì dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản khó chồng khó. Thậm chí, đã có không ít công ty phải tạm đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc không lương vì không bán được hàng.

Chị Hương, lãnh đạo một công ty kinh doanh bất động sản có trụ sở tại quận 2 (TP.HCM), chuyên phân phối nhà phố và căn hộ chia sẻ, từ đầu năm 2019 đến nay, công ty chị gặp rất nhiều khó khăn. Tưởng chừng việc tìm kiếm nguồn hàng đã khó, nhưng để bán được hàng còn khó hơn.

Để công ty tiếp tục duy trì hoạt động trong cơn khủng hoảng, lãnh đạo công ty đã phải rút số tiền tiết kiệm từ những năm trước đó ra để chi trả lương cho nhân viên. Chưa kể, các khoản nợ thuế, lãi vay ngân hàng vẫn luôn dồn dập khiến công ty đang rơi vào tình cảnh kiệt quệ về tài chính.

“Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và thực hiện lệnh cách ly xã hội, công ty đành phải cho nhân viên kinh doanh nghỉ ở nhà. Chỉ có bộ phận kế toán, hành chính là vẫn phải đi làm. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 4, toàn bộ đều bị giảm 30% lương cơ bản”, chị Hương nói và cho biết thêm, nếu không có gì thay đổi, trụ sở công ty sẽ chuyển từ quận 2 về quận 9 để giảm chi phí mặt bằng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding cũng không ngần ngại chia sẻ, lúc này, doanh nghiệp đang phải bù lỗ vì không có bất cứ nguồn thu nào. Các hoạt động mở bán dự án được lên kế hoạch trước đó đều phải dừng lại vì dịch bệnh.

“Không có nguồn thu nhưng mỗi tháng Công ty vẫn phải chi rất nhiều khoản như lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng, tiền điện nước, bảo hiểm… tổng cộng cũng phải hơn 1 tỷ đồng”, ông Hậu nói và dự đoán, tình hình khó khăn như thế này sẽ còn kéo dài ít nhất đến hết quý II/2020.

Trên thực tế, tình trạng này xảy đối với nhiều công ty kinh doanh bất động sản tại TP.HCM. Thậm chí, có doanh nghiệp còn không có hoạt động gì, cả năm không có dự án nào mới ra hàng nên đành chuyển hướng sang các lĩnh vực khác như xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng, để lấy tiền cầm cự với thị trường.

Đơn cử như tại Công ty cổ phần Xây dựng địa ốc Đ.L, được thành lập từ năm 2016 và chuyên về môi giới đất nền, từ khi đi vào hoạt động đến cuối năm 2018, công ty liên tiếp đưa ra thị trường nhiều dự án khu dân cư tại quận Thủ Đức, quận 9 và quận Bình Thạnh (TP.HCM). Tuy nhiên, đến khoảng cuối năm 2018, đầu 2019, khi các dự án đã được bán gần hết và giá đất tại các nơi này cũng không ngừng tăng cao, lãnh đạo công ty quyết định đánh bắt xa bờ.

Theo đó, ban lãnh đạo Công ty đã dành khá nhiều thời gian, công sức để đi khảo sát và dự tính sẽ làm dự án tại tỉnh Lâm Đồng. Nhưng do chưa hoàn thiện xong thủ tục pháp lý, nên kế hoạch đánh bắt xa bờ vẫn chưa thực hiện được.

Bà Linh, Phó giám đốc công ty này chia sẻ, trước những khó khăn chung của thị trường, việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thu không đủ chi, nên công ty đã cắt giảm nhiều nhân sự. Thậm chí, sau khi bán đất thì kiêm luôn phần tư vấn thiết kế và xây dựng cho khách để có thêm nguồn thu.

Sẵn sàng trở lại đường đua

Dù phải gồng mình cầm cự trong nhiều tháng qua, nhưng không phải vì thế mà doanh nghiệp địa ốc chùn bước. Ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã có sẵn kế hoạch và phương án để trở lại đường đua ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hậu chia sẻ, Asian Holiding đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng, khoảng gần 2.000 nền đất tại khu vực giáp ranh TP.HCM, luôn sẵn sàng mở bán nếu dịch được kiểm soát. Hơn nữa, công ty cũng đang đăng tuyển thêm khoảng 100 nhân sự và kêu gọi đại lý phân phối, tháng 5 tới sẽ ký kết hợp tác.

Covid-19: Bài kiểm tra sức bền nặng ký với công ty địa ốc ảnh 1

Nguồn hàng luôn sẵn sàng để khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ được bung ra thị trường

“Theo đúng kế hoạch, kết thúc kỳ nghỉ Tết Âm lịch là Công ty sẽ triển khai mở bán giai đoạn 2 của dự án Asian Lake View. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ lễ cũng là lúc đại dịch bùng phát nên kế hoạch này phải dời lại. Ở thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cũng đã hoàn tất, sẵn sàng bung ra thị trường bất cứ lúc nào”, ông Hậu nói.

Tương tự, ông Phát, Phó giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Copi Home cho biết, một dự án đất nền với quy mô khoảng 300 sản phẩm tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) của Công ty mới ra được sổ. Hiện là quãng thời gian Công ty đang tổ chức lại bộ máy nhân sự, ngay sau khi hết thời gian giãn cách xã hội là sẽ bắt tay ngay vào triển khai bán hàng. Hơn nữa, Công ty cũng mới thỏa thuận với một đối tác để nhận phân phối 200 căn nhà phố và 600 căn chung cư tại TP.HCM. Dự kiến sẽ ký kết vào cuối tháng 4 này.

Dự báo về thị trường địa ốc sau khi dịch Covid-19 đi qua và giai đoạn cuối năm 2020, các chuyên gia đều có chung cái nhìn lạc quan. Theo đó, ngay sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi, bất động sản sẽ là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất khi làn sóng nhà đầu tư mới "đổ bộ" và thị trường bị nén lại đã lâu bùng nổ.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của Công ty DKRA Vietnam nhìn nhận, doanh nghiệp như một người đi đường đang tạm nghỉ, tranh thủ “xốc” lại hành lý, tư trang. Các chủ đầu tư phải điều chỉnh kế hoạch theo từng giai đoạn ngắn hạn. Một số doanh nghiệp đã điều chỉnh mục tiêu doanh số, hạ mức tăng trưởng, cắt giảm ngân sách chi tiêu, ứng dụng công nghệ vào nhiều hoạt động. Về dài hạn, nhiều đơn vị đã có sự thay đổi chiến lược và chuẩn bị nâng cao năng lực của mình.

Nhìn lại cách các doanh nghiệp xoay xở trong mùa dịch bệnh Covid-19 có thể coi là một “bài kiểm tra” đặc biệt để thấy được sức chống chịu của họ như thế nào. Dù biến động, nhiều doanh nghiệp vẫn tin tưởng có thể biến “nguy” thành “cơ” nếu nhận thức đầy đủ trong tầm nhìn dài hạn.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho biết, với lệnh cách ly toàn xã hội bắt đầu từ đầu tháng 4/2020, nên nhiều dự án phải dời ngày mở bán. Theo đó, khi dịch bệnh được kiểm soát, nguồn cung sẽ được cải thiện dần trong nửa cuối năm.

Cụ thể, tại phân khúc căn hộ, nếu dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, thì nguồn cung mới tại thị trường TP.HCM sẽ đạt khoảng 28.000 căn, tăng 5% so với năm 2019. Sản phẩm trung cấp và bình dân tiếp tục chiếm tỷ trọng cao với lượng nhỏ nguồn cung từ phân khúc hạng sang và cao cấp. Về khu vực, phía Đông sẽ tiếp tục là các điểm nóng của thị trường, với nhiều dự án mới tại khu vực quận 2 và quận 9.

“Việc hạn chế tiếp xúc và giảm các sự kiện tập trung đông người đã tác động đến cách thức bán hàng của sản phẩm nhà ở. Tuy nhiên, các chủ đầu tư đã nhanh chóng có phương án bán hàng trực tuyến như sử dụng ứng dụng bán hàng, tài liệu bán hàng, phim thực tế nhà mẫu... Ngoài các hoạt động bán hàng, các hoạt động hỗ trợ sau bán hàng, đặc biệt là quản lý dự án, đang dần trở nên quan trọng hơn”, bà Dung nói.

Cũng theo bà Dung, các chủ đầu tư nên chú tâm vào phát triển loại hình bất động sản xanh. Bởi sau khi dịch Covid-19 bùng phát, người mua để ở và nhà đầu tư sẽ chú trọng nhiều vào chất lượng quản lý dự án, theo hướng tăng cường các hoạt động giữ gìn vệ sinh chung và các yếu tố liên quan đến sức khỏe khác.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dũng
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục