Cuối tháng 3 vừa qua, bà Dung, là chủ hơn 80 phòng trọ tại Bình Dương đã quyết định miễn 2 tháng tiền phòng cho người thuê khiến cộng đồng không khỏi xôn xao và cảm kích.
Bởi khách thuê phòng ở đây chủ yếu là công nhân, những người bán hàng rong hay bán vé số dạo quanh các khu công nghiệp. Do chịu tác động của dịch Covid-19 nên công việc của họ bị đình trệ, thậm chí là mất việc và phải ở nhà nên không có thu nhập.
Ngay sau đó, hành động này của bà Dung đã tạo ra một hiệu ứng rất tích cực là hàng loạt chủ nhà trọ ở các khu vực khác cũng quyết định miễn, giảm tiền nhà từ 1-2 tháng cho người thuê. Thậm chí, có người còn bỏ tiền túi của mình ra để hỗ trợ cho những hoàn cảnh gặp khó khăn trong mùa dịch.
Dù chỉ là thùng mỳ tôm, mấy ký gạo, vỉ trứng... hay một ít tiền mặt, nhưng cũng đủ khiến những người đang rầu rĩ vì mất việc, giảm thu nhập kia cảm thấy ấm lòng.
Hành động trên của các chủ nhà trọ nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo, youtube… Và cũng đã có không ít người thốt lên rằng: “Ôi những con người có tấm lòng bồ tát… những hành động nhỏ nhưng không hề nhỏ đối với người nghèo!”, “Những tấm lòng vàng. Đọc tin mà thấy rất ấm lòng làm sao”.
Lãng mạn hơn, có người thì làm vài ba câu thơ như: “Nghe qua, sống mũi cay cay/Hai hàng lệ bỗng rưng rưng chảy dài/Khóc đây đâu phải vì ai/ Khóc đây vì thấy tình thương dạt dào”.
Cũng xoay quanh việc thuê và cho thuê nhà trong mùa dịch, câu chuyện đậm tính nhân văn giữa chủ nhà và khách thuê ở trên chưa kịp “nguội” thì cộng đồng lại “dậy sóng” với câu chuyện tình người khi chủ nhà đuổi người thuê ra ngoài vì chậm trả tiền nhà.
Cụ thể, những ngày vừa qua, trên các trang mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh đôi co giữa chủ nhà và người thuê. Theo đó, cô gái thuê nhà cho biết, bà chủ đã khóa cửa và yêu cầu cô trả lại nhà do chậm thanh toán tiền thuê tháng vừa rồi.
Do không lấy lại được số tiền đã đặt cọc nên một người thuê đã xịt sơn lên cửa của chủ nhà.
Lúc này, cô gái thừa nhận đây là lỗi của mình nhưng vì lý do bất khả kháng, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc kinh doanh ế ẩm, thu nhập không ổn định nên mong được thông cảm.
Đồng thời, cô cũng cho biết đã thuê nhà tại đây khá lâu và chưa bao giờ thiếu tiền hay nộp chậm tháng nào. Tuy nhiên, chủ nhà cho thuê lại không đồng ý, mà bà quả quyết chỉ làm theo hợp đồng và các điều khoản đã thống nhất giữa hai bên.
Bởi trong hợp đồng được 2 bên ký kết lúc mới thuê có điều khoản, nếu bên thuê chậm trả tiền nhà sau 07 ngày thì hợp đồng sẽ chấm dứt, bên thuê phải trả lại nhà và sẽ mất toàn bộ số tiền đã đặt cọc (khoảng 50 triệu đồng).
Sau khi đoạn clip được chia sẻ rộng rãi đã nhận về sự quan tâm đông đảo của dư luận. Kèm theo đó là hàng loạt tranh luận trái chiều.
Có người lấy câu chuyện của các chủ nhà trọ ở Bình Dương ra làm ví dụ và chia sẻ rằng, trong lúc tình hình kinh doanh khó khăn vì dịch bệnh, người đi thuê nhà không đủ khả năng thanh toán tiền nhà đúng hẹn thì chủ nhà nên thông cảm, cùng nhau chia sẻ khó khăn.
Có rất nhiều cách để giải quyết vấn đề và giải quyết trong tình cảm rộng lượng luôn là ý nghĩa đẹp, giàu tính tình người.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến trái chiều cho rằng, khó khăn là khó khăn chung, người cho thuê nhà cũng phải đối mặt với cuộc sống mưu sinh hàng ngày, cũng bị gánh nặng cơm áo gạo tiền chi phối.
Không thể thấy người ta có nhà cho thuê là nghĩ rằng người ta giàu có. Bởi rất có thể, khoản tiền thu hàng tháng từ việc cho thuê nhà này lại là nguồn thu nhập chính của gia đình họ thì sao? ai sẽ giúp gia đình họ?. Hơn nữa, trước khi thuê thì 2 bên đã thỏa thuận và ký kết hợp đồng rõ ràng, thì bây giờ chủ nhà làm theo hợp đồng đã ký cũng là hợp lý.
Cuộc tranh luận giữa tình người và pháp lý trở lên gay gắt và đến nay vẫn chưa thể ngã ngũ.
Sau khi tìm hiểu vụ việc và xem xét hợp đồng giữa các bên, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, trong giải quyết hợp đồng, vấn đề đạo đức sẽ được xem xét ở nhiều điểm dưới góc độ khác nhau: tính trung thực, thiện chí, điều kiện, hoàn cảnh... Nhưng về cơ bản là phải dựa vào quy định hợp đồng để xác định quyền, nghĩa vụ và cách ứng xử, hành vi vi phạm, chế tài.
Chẳng hạn, khi người thuê chậm thanh toán tiền nhà là vi phạm hợp đồng, nếu không thông báo cho chủ nhà biết việc chậm trả là xét đến thiện chí. Ngược lại, việc bên cho thuê khóa cửa, đuổi người thuê ra khỏi nhà là hành vi vi phạm pháp luật, dù rằng bên thuê vi phạm.
Do đó, trong một vụ việc cụ thể, cần xem cả hai phía trong diễn biến vụ việc và các yếu tố khác để cân nhắc về thiện chí, trung thực. Trong một số trường hợp, trước vi phạm của bên kia, nếu bên còn lại thiếu thiện chí cũng dễ dẫn đến vi phạm hay lỗi của chính chủ thể đó ở các hành vi sau: khóa cửa….
“Những đánh giá, nhận xét dựa theo quan điểm riêng về hành vi ứng xử phụ thuộc theo từng người. Mỗi người tâm tính khác nhau, cùng một người nhưng hoàn cảnh khác nhau có thể có những ứng xử khác nhau. Do đó, việc tranh luận sẽ không bao giờ có hồi kết, sẽ hết khi mọi người không còn để tâm đến”, Luật sư Phượng nói và cho biết thêm,
Trong những vụ việc với chuỗi nhiều hành vi của các bên thì việc tranh luận thường xảy ra. Đặc biệt là khi các bên cùng có lỗi (bên nào cũng sai, sai ít, sai nhiều) thì cần có sự đánh giá tổng thể cùng có lỗi. Sai đến đâu chịu trách nhiệm đến đó, nếu đòi hỏi họ thêm phải ứng xử khác là chính chúng ta đang tự áp đặt đưa quy định mới vào trong hợp đồng của họ.
Nguyên tắc chung trong giao dịch dân sự, nên nhìn từ nhiều phía, hiểu đúng hợp đồng và thực hiện đúng trên tinh thần thiện chí. Nếu bên thuê có vi phạm chậm thanh toán thì chủ nhà cũng nên từng bước thể hiện như nhắc nhở, thông báo chấm dứt hành vi vi phạm, việc chấm dứt hợp đồng, thời hạn bàn giao lại nhà…, không nên theo kiểu “đánh úp” dễ cảm tính hướng đến những hành vi ứng xử không đúng trên.