Thời gian gần đây, có một số nguồn tin cho rằng, thị trường tài chính đang có dấu hiệu “xé rào” trong hoạt động huy động vốn từ các doanh nghiệp và tổ chức, việc làm này đã vô tình đẩy mặt bằng lãi suất huy động tăng cao, gây bất ổn cho hoạt động tài chính của Việt Nam. Với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán, bà đánh giá thế nào về vấn đề này?
Đúng là có một số nguồn tin gần đây đã đề cập tới vấn đề này. Theo quan điểm của tôi, khi thực hiện so sánh mặt bằng lãi suất giữa ngân hàng và CTTC, chúng ta không thể so sánh một cách máy móc, mà phải tính tới quy định của cơ quan quản lý trong việc huy động vốn của ngân hàng và CTTC, đặc thù ngành, bản chất hoạt động, hay các yếu tố cấu thành chi phí vốn. Việc thông tin chưa chính xác có thể dẫn đến hiểu lầm, gây tác động tiêu cực tới hình ảnh của các CTTC trong mắt người dân, cũng như cơ quan quản lý.
Bà Nguyễn Thùy Dương
Vậy theo bà, nên hiểu vấn đề này thế nào cho khách quan?
Theo thống kê, hiện tại, quy mô hoạt động của các CTTC dù rất tiềm năng, nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong hệ thống tài chính Việt Nam. Quy mô tổng tài sản, dư nợ và huy động chiếm tỷ trọng rất thấp trong toàn hệ thống tài chính.
Cụ thể, tổng tài sản có của CTTC cho thuê tài chính tính đến cuối năm 2016 ước đạt 114.370 tỷ đồng, chiếm 1,34% tổng tài sản có của toàn hệ thống (số liệu này đối với khối ngân hàng là 8.272.703 tỷ đồng, chiếm 97%); tổng dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 8% tổng dư nợ của toàn hệ thống; tổng huy động vốn của các CTTC hiện ở mức khoảng 40.000 tỷ đồng, chưa bằng số dư huy động của 1 ngân hàng nhỏ và chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ trong tổng số dư huy động từ các tổ chức kinh tế của toàn hệ thống (xấp xỉ 2.500.000 tỷ đồng).
Với quy mô này, có thể nói, tác động của CTTC lên hệ thống là rất nhỏ, hoạt động huy động vốn của CTTC trên thị trường chưa đủ lực để tạo sức ép lên thanh khoản, hay mặt bằng lãi suất của hệ thống.
Điều này có nghĩa là việc huy động vốn với lãi suất như hiện nay của các CTTC là hợp lý, thưa bà?
Theo quy định pháp luật hiện hành, khác với các ngân hàng, CTTC bị hạn chế tiếp cận với các nguồn vốn chi phí thấp, do không được phép thực hiện hoạt động huy động tiền gửi từ dân cư, cũng như không có được lợi thế mạng lưới huy động vốn lớn mạnh như các ngân hàng, mà thay vào đó, để có nguồn vốn hoạt động, các CTTC buộc phải sử dụng vốn tự có, hoặc phát hành giấy tờ có giá (chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu) để huy động vốn của các tổ chức khác, hoặc phải đi vay vốn của các tổ chức tín dụng thông qua thị trường liên ngân hàng.
Nguồn cung này là có giới hạn và không ổn định như nguồn vốn huy động từ dân cư, trong khi CTTC không có nhiều sự lựa chọn thay thế, nên phải chấp nhận mức lãi suất huy động cao hơn so với các ngân hàng, nhằm đảm bảo tính thanh khoản vốn trong hoạt động.
Ngoài ra, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước-NHNN (Thông tư 18/2016/TT-NHNN và Thông tư 21/2012/TT-NHNN), các CTTC chỉ có thể vay vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước với kỳ hạn dài nhất là 1 năm, trong khi các CTTC vẫn có các khoản cho vay trung hạn. Đồng thời, trong một quy định khác (Thông tư 06/2016/TT-NHNN), các tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn từ 200% xuống còn 90% vào đầu năm 2017 và 80% vào đầu năm 2018.
Yêu cầu này đòi hỏi các CTTC cần huy động nhiều hơn nguồn vốn trung-dài hạn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài, lãi suất cơ bản có thể thấp hơn khoản vay trong nước, nhưng nếu bao gồm chi phí hoán đổi tiền tệ, phòng ngừa rủi ro tỷ giá, thì chi phí vốn tổng thể sẽ ở mức cao.
Một yếu tố khác không kém phần quan trọng trong việc quyết định lãi suất huy động vốn, đó là mức độ tín nhiệm. Tại Việt Nam, thị trường tài chính tiêu dùng mới phát triển trong vòng 5 năm trở lại đây, nên các CTTC hầu hết đều có “tuổi đời” khá non trẻ, mức độ tín nhiệm trên thị trường chưa cao, nên các đối tác cho vay vốn đều yêu cầu CTTC phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn từ 1-3% so với mức lãi suất chung mà các ngân hàng áp dụng với nhau.
Với những hạn chế trên, liệu đây có phải là nguyên nhân để các CTTC “lách” luật để huy động như phát hành trái phiếu cho cá nhân, hoặc phát hành chứng chỉ tiền gửi với thời hạn, lãi suất vượt quy định của NHNN?
Các CTTC là các tổ chức tín dụng, chịu sự quản lý chặt chẽ của NHNN. Khi phát hành giấy tờ có giá |(như trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi…) phải tuân thủ điều kiện, thủ tục phát hành theo đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, khi phát hành các loại giấy tờ có giá, CTTC phải báo cáo NHNN về từng đợt phát hành. Tôi tin rằng, với sự quản lý chặt chẽ của NHNN, các CTTC sẽ không “dám” huy động trái luật.
Bà nhận định thế nào về mức chênh lệch giữa lãi suất huy động hiện nay giữa CTTC, ngân hàng và doanh nghiệp?
Hiện tại, dải lãi suất huy động của các CTTC nằm ở mức 9-11% tùy theo kỳ hạn huy động. Mức lãi suất này “nhìn có vẻ” cao hơn hẳn so với mức lãi suất huy động mà các ngân hàng đang áp dụng. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, với đặc thù kênh huy động vốn bị hạn chế, đây là mức chi phí khá hợp lý mà các CTTC có thể chấp nhận được sau khi cân nhắc kỹ yếu tố rủi ro có liên quan.
Đồng thời, so với mặt bằng lãi suất huy động vốn trên thị trường, thì mức lãi suất mà CTTC đang áp dụng chỉ tương đương với mức lãi suất trái phiếu của các doanh nghiệp lớn.