Hướng đi của tài chính toàn diện
Theo xu hướng chung của thế giới, thị trường tài chính đang phát triển ngày càng đa dạng với nhiều kênh cung cấp dịch vụ khác nhau như ngân hàng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm... Đặc biệt, ở Việt Nam, việc đẩy mạnh tài chính toàn diện đang được quan tâm về cả cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng tài chính, phát triển các kênh tiếp cận gắn với ứng dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng chính thống, phù hợp, thuận tiện và hiệu quả với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng của người dân.
Ước tính, tổng quy mô của các công ty tài chính hiện chỉ chiếm khoảng 0,7% lượng vốn huy động toàn hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam.
Kể từ ngày 15/3/2017, với việc Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính chính thức có hiệu lực, thì hoạt động cho vay tiêu dùng đã trở nên minh bạch hơn, phù hợp hơn với luật pháp và thực tiễn cuộc sống.
Đồng thời, Thông tư cũng quy định cho vay đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua và sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng cá nhân. Điều này được dự báo sẽ giúp đẩy mạnh xu thế tiêu dùng, kích thích tăng trưởng kinh tế.
Chi phí cho khoản vay tiêu dùng khá lớn
Hiện vẫn còn những băn khoăn về lãi suất cho vay ở mức cao tại các công ty tài chính, do người dân chưa hiểu về bản chất hoạt động, cơ cấu nguồn vốn của các công ty tài chính.
Trao đổi về băn khoăn này, ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng, để xác định lãi suất cho vay tiêu dùng, người ta thường dựa vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, chi phí của khoản vay này là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu.
Cụ thể, do các công ty tài chính tiêu dùng không được phép huy động tiền gửi từ dân cư và cũng không được phép làm thanh toán trong nội bộ để có được lãi suất thấp, như số dư trong tài khoản thẻ của khách hàng, nên chi phí đầu vào của các khoản vay này thường cao hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại. Nguồn vốn của các công ty tài chính chủ yếu là vốn tự có, cộng với phát hành trái phiếu trên thị trường cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Mặc dù các công ty tài chính có trụ sở ở các thành phố lớn nhưng điểm giới thiệu dịch vụ và đối tượng khách hàng cho vay của họ lại trải toàn quốc, nên phải có đội ngũ nhân viên đông đảo để xử lý nhiều món cho vay nhỏ. Thủ tục đơn giản như chỉ cần chứng minh thư, hộ khẩu, nhưng vẫn phải làm một bộ hồ sơ.
Theo Thông tư 43, món vay cao nhất tại công ty tài chính tiêu dùng là 100 triệu đồng, nhưng cũng có món vay chỉ 5 triệu đồng. Trong khi đó, các công ty tài chính vẫn phải trả công tác phí cho nhân viên đi thẩm định, hoàn thiện hồ sơ vay vốn; cũng phải mất phí chi phí vấn tin “lịch sử tín dụng” tại Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và nhiều ràng buộc, quy định tài chính khác với Nhà nước về thuế, phí …
Với hàng loạt chi phí đầu vào như vậy, cộng thêm rủi ro cho vay thường ở mức cao (do đây là hoạt động cho vay theo hình thức không có tài sản đảm bảo), nên việc các công ty tài chính cho khách hàng vay với lãi suất cao hơn các ngân hàng thương mại là điều dễ hiểu. Cũng cần nói thêm rằng, đây là thực tế chung ở các quốc gia khá, chứ không riêng gì Việt Nam.
"Công ty tài chính không gây áp lực cho khối ngân hàng"
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng
Theo quy định, các công ty tài chính không được huy động tiền gửi. Họ phải phát hành trái phiếu để huy động vốn, nhưng thị trường trái phiếu ở Việt Nam chưa hoàn chỉnh, nên phát hành còn khó khăn.
Chính vì vậy, một số công ty tài chính có xu hướng tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo nguồn vốn hoạt động. Đây là hoạt động bình thường, không hề gây áp lực cho khối ngân hàng như một số thông tin trong thời gian gần đây, vì quy mô của các công ty tài chính hiện còn rất nhỏ bé.
Ước tính, tổng quy mô của các công ty tài chính hiện chỉ chiếm khoảng 0,7% lượng vốn huy động toàn hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam. Chúng tôi dự tính trong quý I/2017, họ sẽ huy động khoảng 500 - 700 tỷ đồng - rất nhỏ so với con số huy động ước tính lên đến 210.000 tỷ đồng của hệ thống ngân hàng.
Vì vậy, công ty tài chính không thể có tác động nào đáng kể đến hệ thống tín dụng, kể cả trong trường hợp họ tăng hay giảm lãi suất huy động.