Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh, bên cạnh ngôn ngữ chính là tiếng Việt. Sau đó, hai sở giao dịch chứng khoán đã ban hành quy chế mới về công bố thông tin tại các sở, trong đó khuyến khích các đối tượng thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Trước đó, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã dịch thông tin bằng tiếng Việt, mà các doanh nghiệp công bố sang tiếng Anh để công bố trên website của Sở. Tại các cuộc bình chọn báo cáo thường niên tốt nhất được HOSE phối hợp với Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức định kỳ hàng năm, việc lập báo cáo bằng tiếng Anh được coi là “điểm cộng” cho các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh việc công bố thông tin bằng tiếng Anh của các công ty đại chúng, cũng như công ty niêm yết còn chưa phổ biến, làm hạn chế khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư nước ngoài đối với chính doanh nghiệp, thì sự rốt ráo của cơ quan quản lý cũng là điều dễ hiểu.
Một loạt doanh nghiệp có quy mô lớn như CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), Tổng CTCP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB)… đang thiếu vắng kênh thông tin bằng tiếng Anh.
Vậy nhưng, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp vẫn khá thờ ơ với việc này. Chẳng hạn, tại quy chế mới của HOSE, Sở yêu cầu các tổ chức niêm yết, công ty chứng khoán thành viên, công ty quản lý quỹ, quỹ đại chúng niêm yết, quỹ hoán đổi danh mục, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng niêm yết phải thực hiện đăng ký lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh trước ngày 1/10/2016. Các đối tượng tham gia thị trường sau thời gian này cần thực hiện đăng ký lộ trình thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh ngay sau khi được chấp thuận niêm yết, chấp thuận là thành viên của Sở.
Thống kê sơ bộ của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, mới chỉ có một số ít doanh nghiệp thực hiện việc này. Đáng chú ý, trong đó lại có nhiều cái tên khá “lạ” như CTCP Cát Lợi (CLC), CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC), CTCP Hóa chất cơ bản miền Nam (CSV), CTCP Sông Ba (SBA)…
Trong danh sách 50 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất 2016, (bao gồm 36 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE và 16 doanh nghiệp niêm yết trên HNX), thì ngoài CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), CTCP Chứng khoán TP. HCM (HCM), CTCP FPT (FPT)…, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Một loạt doanh nghiệp có quy mô lớn như CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), Tổng CTCP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB)… đang thiếu vắng kênh thông tin bằng tiếng Anh.
Lợi ích của việc công bố thông tin bằng tiếng Anh là rõ ràng, vậy tại sao nhiều doanh nghiệp lớn vẫn không thực hiện, thậm chí “ngoảnh mặt làm ngơ”?
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Bộ phận luật CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, việc thực hiện công bố thông tin bằng hai thứ tiếng làm phát sinh thêm chi phí, nhân lực của Công ty. Tuy nhiên, đây là việc làm thực sự cần thiết, mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp nói riêng và thị trường nói chung.
Theo ông Long, việc công bố thông tin bằng tiếng Anh một trong các yếu tố để MSCI đưa cổ phiếu Việt Nam vào danh mục MSCI Emerging Markets Index, thay vì Frontier Markets Index như hiện nay. Cụ thể, bên cạnh các yếu tố như số lượng công ty niêm yết, thanh khoản, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, một điểm mà MSCI quan tâm chính là các doanh nghiệp niêm yết phải có báo cáo tiếng Anh để đảm bảo thông tin chia sẻ tới nhà đầu tư trong nước, cũng như nước ngoài được bình đẳng và đầy đủ.
“Ngoài ra, một trong những thách thức khi thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh là bảo đảm tính chính xác của nội dung thông tin khi chuyển ngữ, cũng như tuân thủ đúng thời gian công bố”, ông Long cho hay.
Gần 20 năm hình thành ngành Chứng khoán, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Song, để thu hút thêm nguồn vốn ngoại, nâng hạng thị trường, có lẽ phải bắt đầu từ việc tưởng như rất nhỏ, đó là thêm động lực cho doanh nghiệp niêm yết minh bạch thông tin bằng tiếng Anh.