Bán vốn 10 doanh nghiệp lớn, áp lực đang lớn dần

(ĐTCK) Chưa có bất cứ thông tin nào về cuộc họp của Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan về phương án thoái vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn mà Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang quản lý diễn ra ngày 17/8. 
7 tháng đầu năm 2016, SCIC mới chỉ hoàn thành xấp xỉ 30% kế hoạch bán vốn cả năm 7 tháng đầu năm 2016, SCIC mới chỉ hoàn thành xấp xỉ 30% kế hoạch bán vốn cả năm

Tuy nhiên, nhìn vào kế hoạch huy động vốn của Chính phủ từ bảo hiểm xã hội và SCIC, có thể thấy cơ sở cho việc thúc đẩy thoái vốn.

Trong Kế hoạch vay và trả nợ của Chỉnh phủ năm 2016 theo  Quyết định 1011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, số tiền dự kiến huy động từ bảo hiểm xã hội và SCIC lên tới 86.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, 7 tháng đầu năm 2016, theo thông tin từ Ban Đổi mới doanh nghiệp, cả nước có Tập đoàn Viễn thông Quân đội, SCIC, Tổng công ty Lương thực miền Bắc đã thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp khác với tổng giá trị theo sổ sách là 907,7 tỷ đồng, thu về 2.830 tỷ đồng.

Cũng cần lưu ý là tốc độ bán vốn và kết quả đạt được của SCIC đang có xu hướng thấp dần. Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, giá trị vốn nhà nước mà SCIC bán thành công là 595,3 tỷ đồng, thu về 2.493 tỷ đồng, thì trong tháng 7 chỉ bán được 36 tỷ đồng, thu về 120 tỷ đồng. Như vậy, lũy kế 7 tháng đầu năm, SCIC mới bán được 631 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 2.613 tỷ đồng.

Như vậy, so với danh mục bán vốn đã công bố, số lượng doanh nghiệp hoàn thành bán vốn trong 7 tháng đầu năm của SCIC chỉ đạt xấp xỉ 30% kế hoạch (năm 2016, SCIC dự kiến bán vốn tại 155 doanh nghiệp). Trong danh mục bán vốn, có khá nhiều doanh nghiệp khó bán chuyển tiếp từ các năm trước sang. 

Dù năm 2016 thị trường vốn sôi động hơn, nhưng nhìn vào bảng thống kê các doanh nghiệp mà SCIC đã bán vốn thành công, điều dễ nhận ra, đây đều là doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh khá ổn, có lợi thế về đất đai hoặc hoạt động trong những ngành đặc thù như khoáng sản… Từ đó có thể thấy, nhiều doanh nghiệp còn lại chỉ là những “miếng xương”, nên thị trường khó hấp thụ, đồng nghĩa với thách thức và áp lực bán vốn với SCIC trong những tháng cuối năm là không nhỏ.

Trong khi đó, danh sách 10 doanh nghiệp lớn thuộc diện SCIC sẽ thoái vốn theo Công văn số 1787/TTg-ĐMDN lại được giới đầu tư đánh giá là những “miếng nạc” và đang được săn đón ráo riết. Trong số 10 doanh nghiệp đó, có 8 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán và hầu hết đều hoạt động hiệu quả, có vị thế đầu ngành, được cả nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Có thể kể đến những cái tên như CTCP Sữa Việt Nam (VNM) với 45,1% vốn nhà nước; CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) là 29,6%; CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) là 37,1%; CTCP Cơ khí và khoáng sản Hà Giang (HGM) là 46,6%; CTCP FPT (FPT) là 6%; CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC) là 45,1%; Tổng CTCP Bảo Minh (BMI) là 50,7%; Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia (VNR) là 40,36%. Hai doanh nghiệp chưa niêm yết, song cũng thuộc dạng “hàng hot” về hiệu quả hoạt động và tỷ lệ chia cổ tức hàng năm là CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom) và CTCP Hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIID) có phần vốn nhà nước lần lượt là 50,17% và 47,6%.

Sức cầu với những cổ phiếu trên được đánh giá ở mức rất cao. Gần đây, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi của Thái Lan đã công khai bày tỏ mối quan tâm gia tăng tỷ lệ cổ phần tại VNM. Hay vào đầu năm nay, khi thị giá cổ phiếu BMP mới vượt qua 100.000 đồng/CP, đã có những đơn vị tư vấn cho biết, họ có thể dễ dang kiếm được nhà đầu tư mua cổ phần BMP với giá gấp đôi. Hiện tại, thị giá cổ phiếu BMP đã đạt xấp xỉ 160.000 đồng/CP.

Rõ ràng, chỉ cần SCIC tuyên bố bán ra cổ phần của bất kỳ doanh nghiệp nào trong số 10 cái tên nêu trên, sẽ đều có những nhà đầu tư chực chờ tham gia cuộc đua và số tiền thu về cũng sẽ không hề thấp. Song điểm mấu chốt ở đây là Chính phủ có sẵn sàng bán đi những “con bò sữa” của mình hay không?

Phân tích kỹ danh mục đầu tư của những tổ chức như Temasek (Singapore) hay Khazana (Malaysia) sẽ thấy, những doanh nghiệp tăng trưởng, đem lại nguồn lợi cổ tức lớn cho Nhà nước, thì hầu như Nhà nước không giảm tỷ lệ sở hữu, thậm chí còn tăng thêm. Bên cạnh đó, các tập đoàn này cũng đang tập trung không ít nguồn lực để tìm kiếm và bỏ vốn vào những “mỏ vàng” mới.

Thực tế thị trường cũng cho thấy, rất khó để có thể tìm kiếm được các doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh cao và bền vững như những cái tên nêu trên. Nhưng đứng ở khía cạnh khác, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước không cần tham gia các ngành như sản xuất sữa, bia, nhựa…, mà cần tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng, hỗ trợ cho các thành phần kinh tế khác phát triển và đóng góp nguồn thu qua thuế, phí cho Nhà nước.      

Hà Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục