Nhiều dự án bị ảnh hưởng
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, việc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công khai danh sách 92 dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng đã ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý thị trường.
Anh Trần G., giám đốc một sàn phân phối tại Hà Nội cho biết, kể từ khi bản danh sách được công bố cho tới nay, lượng khách tìm hiểu về một số dự án nằm trong danh sách do sàn này phân phối đã giảm rõ rệt.
Không nói chính xác về mức độ giảm, nhưng vị này cho biết, có nhiều trường hợp vừa đặt cọc mua hôm trước, sau khi bản danh sách công bố đã rút cọc vì cho rằng dự án có vấn đề. Vì đảm bảo uy tín, nên sàn chấp nhận cho khách hàng rút cọc.
Sau đó, dù thông tin về dự án đã được đính chính, nhưng khi gọi lại cho những vị khách hàng đó để đàm phán việc tiếp tục thực hiện, thì khách hàng này từ chối và cho biết, đã chuyển sang một dự án khác không nằm trong bản danh sách công bố.
Tương tự, giám đốc marketing của một doanh nghiệp bất động sản trụ sở tại phố Bà Triệu (Hà Nội) có dự án nằm trong danh sách thế chấp vừa được công bố cũng thừa nhận, đang phải thay đổi lại chiến lược marketing cũng như ra hàng, bởi sụt giảm hẳn về lượng người quan tâm.
Cũng theo vị này, hiện chỉ mới có phân tích dưới góc độ chuyên gia về việc các dự án bị thế chấp, trong khi cơ quan quản lý chưa lên tiếng, việc công bố của Sở Tài Nguyên và Môi trường lại chung chung, khiến niềm tin của khách hàng với các dự án trong danh sách bị sụt giảm, ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như thị trường, nhất là khi thị trường đang bước vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.
Nên có cách công bố phù hợp
Đánh giá về việc Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội công bố danh sách 92 dự án thế chấp ngân hàng, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, việc công bố danh sách dự án thế chấp trên chưa đầy đủ thông tin.
"Hiện nay, người tiêu dùng đang đứng trước rủi ro lớn nên việc minh bạch thông tin là cấp bách, nhưng việc công bố thông tin như vừa rồi cũng có nhược điểm. Chẳng hạn, danh sách không cập nhật theo thời gian thực, ví dụ như ngày hôm nay công bố, nhưng trước đó, có đơn vị đã rút thế chấp. Hoặc có những doanh nghiệp thế chấp dự án là để giữ tài sản, là việc tốt, chứ không phải điều xấu. Theo tôi, chúng ta phải cố gắng làm rõ thêm thông tin về mục đích thế chấp dự án là để làm gì", ông Đính nói.
Đại đa số các dự án bất động sản đều thế chấp ở ngân hàng.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, bất động sản là ngành kinh doanh rất dễ bị ảnh hưởng bởi các thông tin, nhất là dạng rỉ tai. Khi một thông tin không tích cực đưa ra, dù chưa được kiểm chứng, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng tới công tác bán hàng của dự án. Dù sau đó, dự án có được “giải oan”, nhưng doanh nghiệp “được vạ thì má đã sưng”.
Theo ông Hà, những dự án đang trong giai đoạn mở bán có tên trong danh sách dự án thế chấp ngân hàng vừa được công bố rõ ràng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí, sự lo lắng, cảnh giác của khách hàng đang có xu hướng lan sang cả những dự án không có tên trong danh sách dự án thế chấp.
"Mua nhà là việc cả đời, cẩn thận một chút cũng là việc tất nhiên. Do đó, các chủ đầu tư có dự án trong danh sách sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực”, ông Hà nói và cho biết, việc công khai minh bạch thông tin vẫn rất cần thiết đối với người mua nhà, nhưng công bố như thế nào và ra sao cần phải hợp lý để người dân hiểu được đây là việc bình thường chứ không có vấn đề.
Về việc công bố bản danh sách 92 dự án thế chấp ngân hàng vừa qua, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thừa nhận, có những thiếu sót nhất định. Cụ thể, do khâu triển khai thu thập thông tin chồng chéo, nên Sở chưa thể cập nhật đầy đủ tất cả các dự án thế chấp.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp cập nhật theo thời điểm ban đầu doanh nghiệp đăng ký, nhưng đến khi giải chấp chưa tiến hành thông báo cho Sở, nên dẫn đến có thiếu sót nhất định về thông tin. Đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đang rà soát lại thông tin các dự án thế chấp để công bố sớm nhất cho thị trường.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com