Đừng để việc bình thường thành “bất thường”

(ĐTCK) Hơn hai năm sau sự việc chủ đầu tư Dự án Chung cư The Harmona (TP.HCM) cầm cố dự án tại ngân hàng, đẩy người mua nhà vào nguy cơ "tiền mất, tật mang", vấn đề thế chấp dự án lại một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý trên thị trường địa ốc.
Đừng để việc bình thường thành “bất thường”

Xuất phát từ việc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố danh sách 92 dự án đang thế chấp, cầm cố tại ngân hàng, trong đó có một loạt dự án của không ít ông lớn bất động sản, ngay lập tức thông tin này đã tạo ra làn sóng lo ngại bao trùm.

Đặc biệt, bản danh sách của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố vào thời điểm khá nhạy cảm, khi các doanh nghiệp bất động sản chuẩn bị bước vào mùa kinh doanh cao điểm trong năm. Và trên thực tế, khá nhiều dự án đã, đang, sắp mở bán cũng nằm trong bản danh sách này.

Vì thế, mặc dù hiểu rõ mục đích của việc công bố nằm trong chủ trương theo dõi, rà soát, minh bạch tới người dân thông tin về các dự án bất động sản trên địa bàn Hà Nội, nhưng cách thức công bố lại vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều của các thành viên thị trường.

Chẳng hạn, theo lãnh đạo một doanh nghiệp có tên trong danh sách, ngoài việc không cập nhật được theo thời gian thực, thì danh sách cũng không nêu rõ lý do vì sao dự án này xuất hiện trong danh sách mà dự án kia có thế chấp lại không, hay có những lưu ý việc xuất hiện trong danh sách là tốt hay xấu.

Trong khi trên thực tế, việc đăng ký thông tin thế chấp dự án để làm tài sản đảm bảo khi vay vốn ngân hàng là một nghiệp vụ bình thường và thể hiện sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

"Với cách công bố như hiện tại, khách hàng hầu như chỉ tập trung vào rủi ro của việc thế chấp, mà không nhìn thấy mặt tích cực. Bởi thực tế, để được thế chấp vay vốn thì ngân hàng đã thẩm định rất kỹ, không chỉ hồ sơ pháp lý tài sản thế chấp, mà cả uy tín chủ đầu tư, khả năng bán hàng… ", vị này bày tỏ.

Bên cạnh đó, điều khó hiểu mà các doanh nghiệp khi phản hồi thông tin với Báo Đầu tư Bất động sản là việc vì sao danh sách công bố một cách khá hạn chế.

Trong khi do đặc thù hoạt động của thị trường bất động sản, các chủ đầu tư phụ thuộc lớn vào nguồn vốn tín dụng và nguồn huy động của khách hàng. Nhiều người đặt câu hỏi, hiện có khoảng trên dưới 90% dự án bất động sản tại Việt Nam thế chấp để vay vốn ngân hàng, tại sao lại chỉ có vỏn vẹn 92 dự án tại Hà Nội được công bố?

Thực tế, theo như lời chia sẻ của ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, mua nhà ở hình thành trong tương lai thì yếu tố cần quan tâm đầu tiên của khách hàng chính là hồ sơ pháp lý, sau đó đến uy tín và tiềm lực tài chính của chủ đầu tư.

Sau giai đoạn khủng hoảng trước đây, hoạt động kiểm soát rủi ro của hệ thống ngân hàng đã chặt chẽ hơn nhiều, vì thế, được thế chấp và thế chấp nhiều dự án cho thấy chủ đầu tư đã được “kiểm định” về năng lực triển khai.

Bên cạnh đó, hệ thống quy phạm pháp luật hiện nay cũng đã yêu cầu rõ, để bán được nhà, doanh nghiệp phải nhận được sự chấp thuận của Sở Xây dựng. Đồng thời, chủ đầu tư đều phải tiến hành giải chấp mới được phép ký hợp đồng mua bán. Đặc biệt, trường hợp giải chấp cần có văn bản của ngân hàng đồng ý cho chủ đầu tư huy động vốn.

Vì thế, sẽ rất hãn hữu có trường hợp dám “làm liều” khi bán nhà chưa tiến hành giải chấp và khách hàng cũng có thể dễ dàng kiểm chứng được qua việc xác minh thông tin tại Sở Tài nguyên và Môi trường.

Điều này cho thấy, dù công bố thông tin là cần thiết, nhưng rõ ràng, các cơ quan quản lý thị trường cần phải làm rõ hơn các thông tin liên quan đến bản danh sách 92 dự án thế chấp vừa qua, đặc biệt là việc thế chấp dự án tốt hay xấu và kế hoạch công bố các dự án tiếp theo sẽ ra sao.

Không nên để một việc công bố thông tin rất bình thường, thiếu sự giải thích thấu đáo trở thành “sao quả tạ” đè lên thị trường bất động sản trước mùa cao điểm kinh doanh.

Việt Dương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục