Cởi nút thắt, phát triển kinh tế miền Trung

Phát triển kinh tế miền Trung từ tầm nhìn quy hoạch đô thị chính là việc “cởi nút thắt” cho các địa phương - cả phía chính quyền lẫn nhà đầu tư. Phóng viên Báo Đầu tư có cuộc trò chuyện với PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn phát triển vùng Duyên hải miền Trung về vấn đề này.
PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Giàu tiềm năng, thiếu tính liên kết

Thế mạnh của các tỉnh Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên chính là giàu tiềm năng về nguồn lực, du lịch, đất đai… Song việc quy hoạch đô thị, các khu kinh tế, công nghiệp, cụm công nghiệp chưa theo quy chuẩn nào. Cái được và mất so với thực trạng hiện nay là gì, thưa ông?

Tiềm năng, lợi thế của các tỉnh miền Trung tương đối giống nhau; việc triển khai, phát triển theo hàng ngang, cách thu hút nhà đầu tư cũng tương tự. Các tỉnh Duyên hải miền Trung khác với hai vùng kinh tế phía Bắc và phía Nam chính là địa hình trải dài ven biển.

Sự khác biệt còn là ở chỗ, miền Trung không có nhiều lợi thế tự nhiên để phát triển nền nông nghiệp truyền thống - dựa vào lợi thế về ruộng đất và nguồn nước. Miền Trung cũng có ít lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp “cổ điển” - các ngành chế biến, chế tạo dựa trên lợi thế tài nguyên và lao động rẻ. Có lẽ đó là lý do căn bản của việc đến bây giờ, miền Trung vẫn còn nghèo, nghèo hơn Bắc bộ và Nam bộ.

Giống nhau về tiềm năng và lợi thế, lại đều còn nghèo, thì khi phát triển, khó liên kết hợp tác, lại dễ nảy sinh tranh chấp, xung đột, xét trên quan điểm Vùng. Vì thế, Quy hoạch Phát triển vùng Duyên hải miền Trung theo logic truyền thống không dễ đạt được sự đồng thuận và rất khó tạo sự hợp lý, tối ưu ở cấp vùng.

Tỉnh nào cũng muốn “xin” cho mình, muốn có đủ thứ để tận dụng cho hết “lợi thế” và “tiềm năng”. Điều đó là chính đáng, nhưng trên quan điểm vùng, lại bất hợp lý và gây lãng phí lớn, đặc biệt là ở tầm chiến lược. Thực tế phát triển vùng Duyên hải miền Trung nhiều năm qua là như vậy. Tỉnh nào cũng có và muốn xây dựng cảng biển to, nhưng hậu phương công nghiệp và nông nghiệp lại nghèo. Đó là một ví dụ điển hình.

Cởi nút thắt, phát triển kinh tế miền Trung ảnh 1

Toàn cảnh Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ( ICISE) được Bình Định quy hoạch đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu về giáo dục. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Nhưng phải thừa nhận rằng, miền Trung đang thay đổi?

Đúng vậy và rất may là như vậy. Duyên hải miền Trung đang phát hiện lại chính mình và trên cơ sở đó, đang tìm kiếm và khẳng định một cách tiếp cận phát triển mới.

Như đã nói, miền Trung ít có các lợi thế phát triển theo kiểu “truyền thống”, cả nông nghiệp và công nghiệp. Nhưng trong các điều kiện hiện đại, những gì vốn có của một vùng nghèo, chưa bao giờ được coi là thế mạnh hiện thực, thậm chí bị coi là bất lợi, lại trở thành lợi thế phát triển đặc biệt.

Miền Trung có tài nguyên biển đa đạng, phong phú và “đẳng cấp”, có nguồn lực con người đậm bản sắc thiên nhiên, văn hóa và lịch sử. Mặt tiền hướng biển, nhiều cảng biển, nhiều bãi cát trắng, có trời xanh, biển xanh lộng gió và tràn ngập nắng, lưng tựa vào dải Trường Sơn huyền thoại - tất cả đang tạo những lợi thế mới, tiềm tàng sức mạnh cho miền Trung bứt phá, theo một logic mới khác với 2 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và phía Nam.

Du lịch đẳng cấp cao, nền nông nghiệp đặc sắc, triển vọng phát triển công nghệ hiện đại dựa trên nền tảng đổi mới - sáng tạo, định hình một số tổ hợp công nghiệp lớn gắn với cảng biển và trên cơ sở đó, phát triển các đô thị - cảng biển đẹp và thông minh đang là lựa chọn của nhiều tỉnh miền Trung.

Liên kết ngành và liên kết phát triển địa phương sẽ được xác lập với các trụ cột đó. Nguy cơ tranh chấp, xung đột phát triển cấp vùng sẽ giảm trong khi sức mạnh liên kết, cộng hưởng phát triển tăng lên. Đó là tương lai của miền Trung, chưa kể nơi đây đang có một lợi thế tuyệt đối, đó là “lợi thế đi sau”.

Chẳng lẽ mọi chuyện lại dễ dàng thế, thưa ông?

Tất nhiên là không dễ, rất không dễ. Nếu dễ thì với con người thông minh, chịu khó và đầy “máu lửa”, bây giờ miền Trung đã bay lên tận đâu rồi.

Nên nhớ, miền Trung vẫn đang trong quá trình phát hiện ra năng lực đích thực của mình; đang tìm tòi và khẳng định cách phát triển phù hợp. Cũng mãi đến bây giờ, những điều kiện bảo đảm cho miền Trung phát triển đúng kiểu mới “lộ diện” - đầy đủ và hệ thống.

Không ai nói phát triển du lịch, nhất là du lịch “đẳng cấp cao”, tương xứng với nguồn tài nguyên du lịch hạng nhất là dễ dàng. Nhưng miền Trung đang làm với kết quả đáng khích lệ.

Nhiều tỉnh miền Trung đang mở tầm nhìn sang nông nghiệp đặc sắc - công nghệ cao, gắn với du lịch, đang định hướng xây dựng các trung tâm đổi mới - sáng tạo gắn với các đô thị biển “đáng sống” tầm quốc tế.

Không có gì là dễ, nhất là đối với một vùng nghèo, thường xuyên đối mặt với những rủi ro thiên tai khốc liệt bậc nhất như miền Trung. Nhưng tôi quan sát thấy rằng, miền Trung vẫn đang rất kiên định theo logic phát triển đầy triển vọng này.

Gắn “tọa độ trọng tâm” cho khu vực miền Trung

Điểm lấn cấn của nền kinh tế khu vực hiện nay được xem là sự chồng chéo, chằng chịt về quy hoạch, là tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu sự liên kết… Theo ông, vai trò của quy hoạch trong việc phát triển kinh tế vùng là gì?

Như đã nói, tiềm năng phát triển của miền Trung không còn bị “trói buộc” bởi các yêu cầu phát triển “truyền thống” và “cổ điển”. Ngược lại, chúng đang trở thành lợi thế phát triển hiện đại của vùng, khi thế giới đang chuyển mạnh vào thời đại công nghệ cao và hội nhập quốc tế.

Miền Trung đang có những thế mạnh để mở ra với thế giới, để kéo thế giới đến với mình. Không kém bất cứ vùng kinh tế trọng điểm quốc gia nào, miền Trung đang có những điều kiện khác biệt và cơ hội to lớn để thu hút các nguồn lực có chất lượng, đặc biệt là nguồn lực tài chính, khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực, đến với mình.

Những yếu tố đó buộc miền Trung phải có cách tiếp cận phát triển mới để vượt lên. Tinh thần của quy hoạch phát triển miền Trung hiện đại là như vậy.

Nhưng miền Trung là thế nào, theo quan điểm của một vùng liên kết phát triển?

Một câu hỏi có vẻ lạ, nhưng rất hay, vì đi vào thực chất của quan niệm phát triển vùng, về vùng kinh tế, về “tư duy vùng” - một vấn đề về thể chế phát triển đang rất nóng hiện nay.

Miền Trung là một vùng địa lý, gồm các tỉnh có một số đặc trưng cơ bản giống nhau - sát biển, sát núi, ít đồng bằng, nhiều bãi cát, nhiều cửa biển, đất dốc, dễ lũ, dễ lụt, nhưng cũng dễ hạn hán. Các tỉnh miền Trung tiếp liền một dải, tỉnh này nối tỉnh kia, 14 tỉnh, kéo từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, trải dài trên khoảng 1.400 km. Dài dằng dặc, lại nghèo. Miền Trung liên kết phát triển thế nào đây?

Thực chất, đó là vùng địa lý, khó có thể và hiện tại, không thể là một vùng liên kết phát triển hiệu quả được. Nhưng vì nghèo, vì khát vọng phát triển rất lớn, nên miền Trung được chia thành một số vùng phát triển - vùng Bắc Trung bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế), Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định), vùng Duyên hải miền Trung “tự lập để tạo liên kết phát triển”, gồm 11 tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận.

Phân định các vùng của miền Trung chồng chéo, giao thoa như vậy cho thấy tính định hình liên kết miền Trung rất yếu. Có thể thấy điều đó qua “đoàn tàu tự liên kết Duyên hải miền Trung 11 tỉnh” - các tỉnh tự giác liên kết, song đầu tàu yếu, toa tàu lại nhiều, “nặng nề”, nên chưa bứt phá được bao nhiêu.

Nhưng việc tìm kiếm các tổ hợp liên kết phát triển miền Trung đa dạng như trên cũng gợi ra một điều: cần phải linh hoạt, cần trao cho các địa phương quyền độc lập tự chủ liên kết nhiều hơn thì hiệu quả phát triển chắc sẽ tốt hơn.

Điểm cũng cần khẳng định là, phải xác lập rõ quan niệm vùng liên kết, tư duy phát triển vùng - là vấn đề hiện còn không rõ ràng. Để tạo vùng phát triển, cần tính đến hiệu quả liên kết, chứ không thể căn cứ chủ yếu vào đặc trưng địa lý giống nhau. Miền Trung nên tổ chức thành những vùng kinh tế nhỏ hơn, có thể có sự giao thoa nhau và kết nối với Tây Nguyên.

Tôi nghĩ nên có 3 tiểu vùng mà 3 tọa độ trung tâm - đầu tàu là TP. Vinh (vùng Bắc Trung bộ - từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế), Đà Nẵng (vùng Duyên hải miền Trung, từ Đà Nẵng đến Bình Định) và Nha Trang (vùng Duyên hải phía Nam, từ Phú Yên đến Bình Thuận).

Việc quy hoạch đô thị không khoa học sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực. Ông khuyến cáo gì cho các địa phương, khu vực để có lựa chọn khoa học nhất về việc điều chỉnh quy hoạch tràn lan như hiện nay?

Miền Trung không chỉ phát triển du lịch, mà cần phải chú trọng phát triển công nghiệp, chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, cần phát huy lợi thế vùng miền núi để phát triển nông nghiệp, trồng rừng, bảo vệ môi trường. Phải xem việc liên kết phát triển là quan trọng nhất; đầu tư phát triển đường ven biển, đầu tư mở rộng sân bay cần nghiên cứu theo hướng xã hội hóa...

Đặc trưng hội nhập hiện nay của các tỉnh khu vực miền Trung cần được xác định trong chuỗi gắn du lịch biển đẳng cấp cao với du lịch núi, với bản sắc văn hóa - lịch sử phong phú của vùng. Việc gắn phát triển du lịch với các tài nguyên khan hiếm như đất, nước trong quy hoạch đô thị miền Trung hiện nay cần phải thực tế hơn.

Về hạ tầng, miền Trung đang lệ thuộc quá nhiều vào đường bộ, trong khi lợi thế giao thông biển - ven biển, nhất là khi xét trên quan điểm liên kết phát triển du lịch đẳng cấp cao lại chưa được tận dụng tốt.

Một số địa phương của khu vực miền Trung đang thực hiện việc quy hoạch lại bằng cách thuê những đơn vị quy hoạch bên ngoài. Theo ông, đây có phải là kế sách tối ưu? Ông có lời khuyên nào cho các địa phương để có cái nhìn tổng quát trong việc phát triển kinh tế - xã hội, tạo môi trường thu hút đầu tư?

Nhiều tỉnh miền Trung đã và đang thuê các tổ chức quy hoạch nước ngoài vào làm quy hoạch phát triển. Đó là nỗ lực rất đáng trân trọng, cho phép tận dụng được năng lực, kinh nghiệm của họ và cũng là cách làm tận dụng “lợi thế đi sau”.

Tuy nhiên, thuê các tổ chức này thường có giá cao, mà kết quả thu được nhiều khi không được như trông đợi. Nghiên cứu kinh nghiệm một số tỉnh, chúng tôi cho rằng, cần thiết phải nâng cao chất lượng các quy hoạch này bằng cách tạo sự phối hợp chặt chẽ hơn, mang tính ràng buộc hơn giữa tổ chức tư vấn nước ngoài với các chuyên gia, tổ chức nghiên cứu trong nước.

Không phải cứ nước ngoài là “ăn”. Cũng không phải cứ nội địa là yếu kém. Phối hợp hai bên chặt chẽ, thông qua thảo luận, phản biện khoa học, thì mới hy vọng có bản quy hoạch phát triển tốt cho địa phương.

Có nhiều cách làm quy hoạch theo logic “mượn sức”. Một là để người Việt làm, nhưng nhờ các tư vấn nước ngoài phản biện. Thuê họ bình luận, phản biện và góp ý hẳn hoi.

Hai là thuê tư vấn nước ngoài, kết hợp với nhóm tư vấn - phản biện độc lập của Việt Nam, tham gia ngay từ đầu và xuyên suốt.

Thứ ba, đấu thầu làm quy hoạch dựa vào kết quả cuối cùng để “mua” bản quy hoạch tốt nhất. Có thể đắt hơn, nhưng chắc chắn hiệu quả cao hơn. Trong trường hợp này, cần trả chi phí tối thiểu cho tất cả các bên tham gia có bản quy hoạch nộp đấu thầu. Khi đó, địa phương sẽ có tất cả các bản quy hoạch để lựa chọn. Tài sản quy hoạch, nhờ đó, sẽ phong phú hơn cho Việt Nam, có thể chia sẻ với các địa phương khác.

Việt Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục