Tiềm năng và thách thức
Theo số liệu năm 2015 của Tổng cục Thống kê, khu vực duyên hải miền Trung có 35.878 doanh nghiệp đang hoạt động, giữ vị trí thứ 3 về số lượng trong các vùng, sau khu vực Đông Nam Bộ (trong đó có TP.HCM) và Đồng bằng sông Hồng (trong đó có Hà Nội). Không nằm ngoài xu hướng chung của cả nước, số lượng doanh nghiệp của vùng đã có sự cải thiện và tăng rõ rệt trong thời gian gần đây.
Với số lượng tăng nhanh, mức đóng góp ngân sách của doanh nghiệp thuộc vùng này cũng tăng theo, đạt 69.548 tỷ đồng năm 2015. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong khu vực tiếp tục trong xu hướng tăng từ năm 2016 đến nay. Đây là minh chứng rõ nhất cho quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi và thông thoáng để doanh nghiệp hoạt động.
Theo quan điểm của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), khu vực duyên hải miền Trung cần chú trọng chăm sóc các doanh nghiệp đang hoạt động để hạn chế số gương mặt doanh nghiệp rời thị trường hàng năm. Năm 2016, ở hầu hết các tỉnh trong khu vực, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động thường gần bằng với số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Cá biệt, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động còn cao hơn số quay trở lại.
Khảo sát về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016 (PCI) do VCCI thực hiện năm 2016 ghi nhận, duyên hải miền Trung là khu vực có điểm trung bình về chi phí gia nhập thị trường cao nhất so với các khu vực khác, với mức trung bình điểm số là 8,69/10 điểm.
Tuy nhiên, cũng theo kết quả cuộc khảo sát trên, chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương trong khu vực duyên hải miền Trung được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá khá tích cực, khi có tới 7/9 tỉnh nằm ở nhóm trên bảng xếp hạng PCI.
Cụ thể, tỉnh nằm trong nhóm Rất tốt có Đà Nẵng, nhóm Tốt có Quảng Nam, Bình Định, hay nhóm Khá có Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên và không có tỉnh nào ở nhóm Trung bình, Tương đối thấp và Thấp.
Kinh tế miền Trung đang có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ, song cũng gặp không ít thách thức. Theo PGS.TS. Vũ Minh Khương (Đại học Quốc gia Singapore), thách thức lớn nhất đối với các tỉnh miền Trung là còn nghèo.
Mức thu nhập bình quân hàng tháng của người dân 9 tỉnh miền Trung, ngoại trừ Đà Nẵng, đều thấp hơn so với mức trung bình cả nước. Đặc biệt, thu nhập của người dân ở Quảng Ngãi và Quảng Nam năm 2016 chỉ bằng 70% mức trung bình cả nước, cho dù đã được cải thiện đáng kể so với năm 2010.
Trong khi đó, các tỉnh miền Trung cũng chưa trở thành điểm hấp dẫn đầu tư và tạo việc làm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kế, 9 tỉnh miền Trung với tỷ trọng hơn 11% dân số cả nước chỉ thu hút được 4,4% so với tổng vốn FDI cam kết vào Việt Nam năm 2016. Hệ quả là, dân số ở các tỉnh thuộc khu vực này (trừ Đà Nẵng) đang giảm dần do nhiều người phải đi tìm cơ hội việc làm ở các địa phương khác.
Ông Khương cũng cho rằng, các tỉnh miền Trung dường như chưa có một chiến lược phát triển xuyên suốt và đủ khả năng biến thách thức thành sức mạnh, biến cơ hội thành bước tiến vượt bậc.
Để minh chứng, ông đưa ra ví dụ về chương trình đánh bắt cá xa bờ của 9 tỉnh miền Trung, với tổng công suất tàu cá tăng mạnh, nhưng sản lượng đánh bắt lại không tăng, trong khi để xảy ra nhiều vụ bê bối về chất lượng và hiệu quả của chương trình này.
“Tổng công suất tàu cá với động cơ trên 90 CV của 9 tỉnh tăng mạnh từ 26,7% năm 2010 lên 41,2% năm 2016. Tuy nhiên, sản lượng cá đánh bắt chỉ tăng nhẹ, từ 29,7% lên 30,5% năm 2016. Điều này cho thấy, dường như càng được ưu đãi đầu tư thì càng bị sụt giảm về hiệu quả và năng suất. Nếu có một chiến lược và nỗ lực thực hiện tốt, tình trạng này đã không xảy ra”, ông Khương nói.
Khuyến nghị về hướng phát triển của khu vực, ông Khương nói: “Các tỉnh miền Trung cần nhận thức rõ và nỗ lực chung sức kiến tạo sức mạnh cộng hưởng, cụ thể là thành lập một tổ chức, có thể tạm gọi là Hội đồng phát triển miền Trung, gồm những người có cam kết sâu sắc với tương lai phát triển của khu vực, với tầm nhìn chiến lược, khả năng phối hợp và ý thức lắng nghe, học hỏi cao, được cán bộ và người dân tin cậy…”.
Đẩy mạnh liên kết vùng
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện tại, liên kết vùng tại các tỉnh miền Trung chưa hiệu quả, vẫn còn tình trạng “mạnh ai người đó làm”. Kinh tế miền Trung đang thiếu một “người nhạc trưởng” có đủ khả năng điều tiết, phối hợp nhịp nhàng giữa các tỉnh trong và ngoài khu vực để cùng khơi dậy hết tiềm năng và phát triển bền vững.
Để có những bứt phá, PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền cho rằng, các tỉnh miền Trung cần có chương trình liên kết để phát triển, trong đó đẩy mạnh liên kết kinh tế, liên kết vùng, phát triển du lịch, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Cùng quan điểm, TS. Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright Việt Nam) khẳng định, thiếu liên kết vùng và cát cứ địa phương là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất cản trở Việt Nam có thể khai thác các tiềm năng một cách tối ưu là vấn đề đã được nhận ra từ lâu. Có nhiều nguyên nhân gây ra vấn đề trên, trong đó mấu chốt nằm ở tư duy và cách thức phát triển mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế.
“Những ‘bức tường’ quanh các khu công nghiệp, khu kinh tế rất thích hợp cho tình trạng cát cứ và chia cắt. Do vậy, các cơ chế chính sách trong thời gian tới cần phải phá bỏ chúng, nhằm tạo ra sự liên kết và hợp tác giữa các địa phương với nhau. Chìa khóa chính là cơ chế phân chia lợi ích và trách nhiệm của các bên liên quan một cách thực chất để tạo động cơ khuyến khích”, ông Du nhấn mạnh.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung tại Đà Nẵng ngày 25/9/2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, phát triển kinh tế vùng và tăng cường liên kết vùng có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đồng thời tạo không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước, khắc phục tình trạng phát triển manh mún, kém hiệu quả.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, thời gian tới, các địa phương miền Trung cần đánh giá chính xác về tiềm năng, lợi thế và cơ hội cũng như những thách thức, trên cơ sở đó đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng, năng suất lao động, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng.
“Các tỉnh miền Trung cần phát triển theo hướng hiện đại, không gian đô thị gắn với biển. Chu Lai là hạt nhân của vùng, còn Quy Nhơn phải trở thành trung tâm du lịch thương mại”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Với lợi thế, tiềm năng to lớn về tài nguyên thiên nhiên, lao động dồi dào, khu kinh tế miền Trung có vai trò tạo hành lang quan trọng, cũng như kết nối tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Nếu nhìn tiềm năng về kinh tế biển, đây cũng là địa bàn mạnh nhất, đóng vai trò “mặt tiền” của kinh tế trọng điểm.
Định hướng phát triển và quy hoạch tổng thể kinh tế miền Trung định hướng 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó nêu rõ quan điểm, kinh tế miền Trung phải phù hợp với chiến lược biển miền Nam, đảm bảo thống nhất các ngành lĩnh vực, định hướng đến 2030 tiếp tục là khu vực phát triển năng động, là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của cả nước và Đông Nam Á. Tìm cách thực thi định hướng này là bài toán lớn của miền Trung.
Chủ trương của Bộ Chính trị trong Nghị quyết về Phát triển du lịch là kinh tế mũi nhọn nhấn mạnh, miền Trung là “trọng điểm của trọng điểm”. Cơ cấu kinh tế của miền Trung 40% là du lịch và dịch vụ; nông nghiệp chiếm 15-16%.