Điểm cộng từ tiện ích
Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2012, nhưng co-working chỉ gây sự chú ý của các doanh nghiệp khách thuê kể từ khi có sự xuất hiện chuỗi các mô hình như: Dreamplex, Toong... Đến nay, đã có hơn 40 đơn vị kinh doanh, vận hành mô hình này với các tên tuổi như UP, Circo, Regus.
Chưa kể, cùng với sự phát triển của làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam thì ngày càng có nhiều Start-up công nghệ và doanh nghiệp FDI... kéo theo nhu cầu sử dụng văn phòng làm việc tăng, điều này đã thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ cho loại hình văn phòng làm việc này.
Nói về xu hướng chọn văn phòng làm việc chung, anh Lê Đình Kỳ, Co-founder của một công ty về công nghệ cho biết, là một start-up nên việc chi một khoản tiền lớn để thuê mặt bằng là điều rất khó khăn.
Với một văn phòng làm việc truyền thống dành cho 10 người đã có mức thuê từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Chưa kể chi phí thi công nội thất, mua sắm thiết bị, bảo vệ, lao công và các chi phí vận hành khác cũng khiến cho các doanh nghiệp mới thành lập phải đắn đo.
“Ngay từ khi bắt đầu hoạt động, thuê văn phòng chia sẻ là sự lựa chọn hàng đầu của chúng tôi. Với mức giá hợp lý, làm việc linh hoạt và dễ dàng trong trao đổi công việc đã giúp cho công ty chúng tôi giảm gánh nặng rất lớn về chi phí thuê văn phòng”, anh Kỳ chia sẻ.
Thị trường văn phòng làm việc chung ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Trọng Tín
Thực tế cho thấy, chia sẻ của anh Kỳ cũng là xu hướng chung mà nhiều start-up hiện nay đang lựa chọn, bởi nhiều tiện ích là loại hình văn phòng này mang lại. Các văn phòng chia sẻ hầu hết được bài trí với tiêu chuẩn cao, không gian hài hoà, thiết kế đồng bộ, đẹp mắt, có phòng tiếp khách, không gian cafe, giải trí... mà đặc biệt là giá cả hợp lý với nhiều doanh nghiệp mới thành lập.
Ông Lars Wittig, Tổng giám đốc Regus Việt Nam, Campuchia và Philippines, cho rằng, so với loại hình văn phòng truyền thống, những tiện ích mà co-working mang lại là rất rõ ràng.
“Ngoài những nhu cầu phát triển đến từ ngành công nghiệp, hoạt động sản xuất - kinh doanh nói chung, tôi thấy được nhu cầu nữa phát sinh từ sở thích, khuôn thức làm việc của giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Millenials (thế hệ thuộc thập niên 90) thích công việc không bị phụ thuộc vào nơi làm việc, giờ giấc”, ông Lars Wittig nói và phân tích thêm, khi làm việc ở môi trường mình cảm thấy yêu thích, chắc chắn năng suất cũng được tạo ra cao hơn.
Cũng theo ông Lars Wittig, bên cạnh việc nâng cao năng suất, có thêm một xu hướng mới hiện tại là vừa học vừa làm. Trong quá trình làm việc, chúng ta có thể tiếp cận để học tập với những thế hệ trước, những thế hệ Babyboomers (thập niên 90 trở về trước) hoặc những bạn cùng lĩnh vực của mình.
“Co-working sẽ đáp ứng được tất cả những yêu cầu đó nhờ sự linh hoạt cao và không gian mở để mình có thể dễ dàng tiếp cận”, ông Lars Wittig nói.
Sẽ phát triển mạnh
Quả thật, nhờ vào tính linh hoạt trong các điều khoản và dịch vụ thuê, co-working đã thu hút rất nhiều khách thuê trong cộng đồng khởi nghiệp. Không dừng lại ở đó, hiện nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục mở rộng đối tượng khách thuê là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang tìm kiếm văn phòng với các giải pháp thuê đa dạng. Điều này cũng đang tạo nên một làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào phân khúc này, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Đơn cử như tháng 7 vừa qua, tập đoàn vận hành và quản lý khách sạn Next Story Group đã đánh dấu sự có mặt tại Việt Nam bằng việc đưa vào hoạt động Kafnu ở Saigon Pearl.
Theo đánh giá của đơn vị này, co-working Việt Nam được xem là một trong những thị trường mới nổi hàng đầu châu Á. TP.HCM chính là thị trường thứ 5 đánh dấu sự đi vào hoạt động của Kafnu trên toàn cầu, sau các thị trường như Đài Loan (Trung Quốc), Bengaluru (Ấn Độ) và Sydney (Australia) kể từ khi ra mắt lần đầu tiên tại Hồng Kông (Trung Quốc) vào năm 2017.
Hay mới đây nhất, Regus - một trong những “ông lớn” về co-working đã công bố mở một không gian văn phòng mới tại Regus M-Building (quận 7, TP.HCM). Đây là tòa nhà thứ 11 trên cả nước kể từ khi Regus bước vào thị trường Việt Nam. Tính tới thời điểm hiện tại, Regus đang có khoảng 4.000 thành viên sử dụng co-working do đơn vị này cung cấp.
Theo đánh giá của ông Lars Wittig, các thị trường co-working đã tăng trưởng theo cấp số nhân ở châu Á và nhu cầu về các không gian văn phòng đã thúc đẩy sự tăng trưởng ổn định ở Việt Nam.
“Khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục phát triển trong nước, các giải pháp không gian làm việc chung có thể hỗ trợ và tạo điều kiện cho sự phát triển và mở rộng của họ. Chính vì thế, không gian làm việc chung sẽ cho phép các doanh nhân và các công ty lớn một giải pháp hợp lý để mở rộng quy mô hoạt động và cung cấp các tùy chọn làm việc linh hoạt cho nhân viên”, ông Lars Wittig nói.
Cũng theo ông Lars Wittig, trong thời gian tới, thị trường co-working Việt Nam sẽ chia thành 2 phân khúc rõ rệt. Một phân khúc bao gồm các thương hiệu lớn và một phân khúc các thương hiệu nhỏ với cá tính và phong cách khác biệt. Cả 2 phân khúc sẽ bổ trợ cho nhau và mang lại nhiều màu sắc cho thị trường, đồng thời đáp ứng những nhu cầu khác nhau của khách hàng.
Bà Từ Thị Hồng An, Phó giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại của JLL Việt Nam cho biết, TP.HCM là thị trường xếp thứ 41 trong số 50 thị trường văn phòng làm việc chung phát triển nhanh nhất thế giới theo khảo sát của Co-working Resources.
“Co-working đang mở rộng nhanh chóng, chiếm nhiều tầng tại các dự án tương lai. Không chỉ thu hút khách thuê là các công ty vừa và nhỏ hay công ty khởi nghiệp, các doanh nghiệp lớn và hàng trăm nhân viên cũng đang hướng đến mô hình này bởi tính linh hoạt và tiện lợi của nó”, bà An nhận định.
Cũng theo bà An, tính đến quý III/2019, các nhà điều hành văn phòng làm việc chung tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm, chiếm 52% diện tích thuê. Hạng B được thuê nhiều nhất, chiếm 36%.
“Khi nguồn cung khu vực trung tâm khan hiếm trong ngắn hạn, co-working đang có xu hướng mở rộng ra nguồn cung mới ở khu vực trung tâm”, bà An nhấn mạnh.
Dự báo về thị trường co-working tại Việt Nam, đại diện của CBRE Việt Nam cho rằng, trong tương lai, các công ty công nghệ sẽ tiếp tục chiếm lĩnh nguồn cầu thuê văn phòng tại thị trường TP.HCM. Nguyên nhân bởi phân khúc này được thúc đẩy bởi số lượng công ty khởi nghiệp và sự phát triển của ngành công nghệ tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, khi có nhiều công ty tham gia thì thị trường sẽ trở nên cạnh tranh hơn, chưa kể là cú ngã đau đớn của WeWork - một start-up nổi tiếng trong lĩnh vực co-working cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp muốn nhảy chân vào thị trường này bị lung lay.
“Nếu có một mô hình hoạt động đúng, với tư duy tiến bộ, những doanh nghiệp khi bước chân vào thị trường này hoàn toàn có thể giành chiến thắng, không chỉ trong cuộc chiến thị phần, mà còn có lợi nhuận tốt, tạo nền tảng để tăng trưởng bền vững”, ông Lars Wittig nhận định.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com