Sẽ chỉ còn 190 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong giai đoạn 2016 - 2020. Nghĩa là 528 doanh nghiệp mà Nhà nước đang nắm 100% vốn phải bắt đầu lên kế hoạch thu hút nhà đầu tư, thậm chí cả kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Các con số trên được Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp công bố rõ ràng. Tất yếu, sẽ khó có tên tuổi nào trong danh sách cổ phần hóa giai đoạn này lọt ngoài tầm kiếm soát.
Như vậy, cộng với khoản 15.000 tỷ đồng giá trị sổ sách của các khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ phải thoái trong 5 năm nói trên, cùng việc yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa phải niêm yết trên thị trường chứng khoán, chắc chắn, một lượng tiền không nhỏ sẽ đổ về ngân sách.
Giới chuyên gia kinh tế đang trông vào đây để trả lời cho câu hỏi, tiền ở đâu để thực hiện hàng loạt mục tiêu của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.
Thậm chí, họ đã tính, nếu cộng tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước hiện hữu, gồm cả doanh nghiệp có vốn của nhà nước chi phối (khoảng 275 tỷ USD), cùng giá trị quyền sử dụng đất, tài nguyên khoáng sản, lợi thế kinh doanh, các đơn vị sự nghiệp sẽ phải chuyển đổi... con số có thể lên tới 400 tỷ USD giá trị sổ sách.
Điều này là có cơ sở nếu so sánh tương quan với mức chênh lệch 2,5 lần giữa giá trị sổ sách và giá thu về mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đạt được trong 9 tháng đầu năm 2016, thì con số ngân sách thu về từ sắp xếp lại khu vực này sẽ vô cùng lớn.
Tất nhiên, con số hàng trăm tỷ USD đó đang ở trong các phương trình tính toán của giới nghiên cứu, song đây chính là lý do phải đặt ra câu hỏi ngay lúc này. Đó là làm thế nào để nền kinh tế có được nguồn vốn nói trên?
Thử xem lại những gì thu được từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế trong 5 năm vừa qua (2011-2015). Báo cáo của các cơ quan chức năng cho thấy, giai đoạn 2011-2015, cả nước dự kiến thoái khoảng 26.000 tỷ đồng, nhưng thực tế mới thoái được 42%, nghĩa là còn 58% số vốn nói trên đổ sang giai đoạn 2016-2020.
Nhưng đó cũng chỉ là các con số. Còn trong báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội, mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được nhận diện là chậm, thiếu thực chất, chưa tạo ra những thay đổi đủ lớn về phạm vi hoạt động, chất lượng quản trị, cũng như hiệu quả kinh doanh tại khu vực này. Thậm chí, vài tháng gần đây, Chính phủ phải đặt ra áp lực để buộc doanh nghiệp nhà nước công bố thông tin theo quy định, nhưng tính tuân thủ của khu vực này rất thấp.
Đã có câu hỏi rằng, phải chăng, cách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện vẫn theo logic là “hoàn thành nhiệm vụ”, chứ không phải là sứ mệnh vì hiệu quả của nền kinh tế, nên “chủ nghĩa thành tích” và không loại trừ cả lợi ích nhóm, đang chi phối mạnh nhiệm vụ này.
Mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được nhận diện là chậm, thiếu thực chất, chưa tạo ra những thay đổi đủ lớn về phạm vi hoạt động, chất lượng quản trị, cũng như hiệu quả kinh doanh tại khu vực này.
Có lẽ phải đề cập một mệnh đề luôn được nhắc đến trong các kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vài chục năm nay. Đó là nếu thể chế kinh tế không thuận cho hoạt động của doanh nghiệp tư nhân nếu môi trường kinh doanh không rõ ràng, bình đẳng, nếu hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước không tuân theo kỷ luật nghiêm ngặt của thị trường, thì không có cách nào đưa được nguồn lực vô cùng lớn đang nằm trong khu vực doanh nghiệp này chảy đúng vào chỗ mà nền kinh tế đang cần và hẳn nhiên cũng không thể thu hút được nguốn vốn tư nhân thế chân có chất lượng.
Khi đó, ngay cả khi 100% kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước được thực hiện cũng không thể đạt được mục tiêu thông qua cổ phần hóa để phân bổ lại nguồn vốn quốc gia một cách hiệu quả và đúng chỗ. Thiết nghĩ, đây là điều rất đáng quan ngại, cần tính đến.