Tái cơ cấu để phân bổ lại nguồn lực

(ĐTCK) Nhấn mạnh trọng tâm đột phá trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu rõ cần chú trọng vào việc phân bổ lại nguồn lực, đổi mới phương thức tăng trưởng để nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Đình Cung Ông Nguyễn Đình Cung

Thưa ông, câu chuyện 480 tỷ USD nguồn lực trong Đề án Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 vừa được trình Quốc hội đang gây nhiều dư luận trái chiều. Thực chất vấn đề này là như thế nào?

Bản chất câu chuyện rất đơn giản. Đây không phải là con số thể hiện nguồn lực để tái cơ cấu kinh tế, mà là con số thể hiện tổng đầu tư toàn xã hội có thể huy động được trong giai đoạn này.

Vấn đề thực sự ở đây là trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế không phải là làm thế nào để huy động được nguồn lực này và huy động ở đâu mà quan trọng là phân bổ lại để sử dụng một cách hợp lý hơn, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt là hiệu quả đầu tư và năng suất lao động, nâng cao sự đóng góp của các yếu tố tổng hợp vào GDP.

Cùng với đó là đổi mới phương thức tăng trưởng, đổi mới tư duy điều hành để nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế trong giai đoạn tới. 

Ông có thể lý giải cụ thể hơn?

Thực chất câu chuyện đơn giản là tái cơ cấu lại danh mục tài sản hiện có và đầu tư nguồn lực này vào đúng chỗ. Ví dụ như bán Sabeco lấy tiền xây dựng sân bay Long Thành, như vậy vừa có nguồn lực lại đầu tư đúng chỗ. Nhìn rộng ra đó chính là bản chất của tái cơ cấu kinh tế.

Phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn sẽ giúp nâng cao hiệu quả tăng trưởng thay vì cách làm lâu nay là cứ mở rộng thêm quy mô vốn. Muốn vậy phải cải cách kinh tế theo hướng thị trường, thu hẹp lĩnh vực kinh doanh nhà nước theo hướng nhỏ hơn song thông minh và hiệu quả hơn. 

Vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tập trung vào chiều sâu đã được nói đến khá nhiều, vậy trong kế hoạch tái cơ cấu vấn đề này đặt ra thế nào?

Lâu nay, tăng trưởng của ta chủ yếu vẫn dựa vào gia tăng số lượng đầu tư, số lượng lao động và khai thác tài nguyên. Thực tiễn cho thấy dư địa tăng trưởng cách này không còn nữa, nếu cứ tiếp tục thì giá phải trả cho 1 đơn vị tăng trưởng rất lớn và hiệu suất hiệu quả sử dụng các nguồn lực giảm.

Đến một lúc nào đó nguồn lực cứ tăng mà tăng trưởng giảm thì dẫn đến nhiều hệ lụy, ngoài kinh tế trì trệ thì bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ quay trở lại. Vậy phải thay đổi bằng cách nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, thúc đẩy năng suất lao động. Cái này nhà nước không làm được mà phải do thị trường điều tiết, chỉ thị trường cạnh tranh mới làm được. Do đó cách thức điều hành cần có là thúc đẩy thị trường, đảm bảo thị trường vận hành tốt, cạnh tranh bình đẳng.

Theo ông, cần triển khai thực hiện thế nào để đảm bảo việc phân bổ nguồn lực đạt được hiệu quả cao nhất?

Quan trọng nhất là cần có những thay đổi để tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực. Trong Đề án Tái cơ cấu kinh tế tập trung rõ mục tiêu này ở kịch bản thực hiện tái cơ cấu rất quyết liệt được thể hiện ở mức độ tái cơ cấu DN nhà nước, đặc biệt là việc tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại khu vực DN này, cũng như mức độ thắt chặt kỷ luật ngân sách Nhà nước. Hai điểm này đã phần nào thể hiện sự thay đổi cách phân bổ lại nguồn lực trong nền kinh tế.

Với tái cơ cấu DN nhà nước, nhà nước rút vốn sẽ tạo cơ hội cho dòng vốn tư nhân vào khu vực DN này, đồng thời đảm bảo thực hiện đầu tư phát triển nền kinh tế đúng như nhiệm vụ vốn có của nhà nước. Trong khi đó, thắt chặt ngân sách sẽ buộc các cơ quan nhà nước phải lựa chọn dự án đầu tư hiệu quả nhất để phân bổ nguồn vốn đầu tư, tránh đầu tư dàn trải và lãng phí như lâu nay. 

Ông có thể nói rõ hơn về nội dung đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước, cũng như đánh giá về thực trạng cổ phần hóa DN nhà nước thời gian qua?

Về quá trình cổ phần hóa DN nhà nước, điều lâu nay chúng ta vẫn biết là tuy đã đạt được mục tiêu về số lượng, song chất lượng chưa như kỳ vọng. Hiện tại, cách thức tiến hành cổ phần hóa phần lớn là bán ra huy động thêm vốn, chứ không phải bán vốn. Đồng nghĩa với việc mới đạt được mục tiêu là huy động thêm vốn từ bên ngoài, chưa đạt được mục tiêu tái cơ cấu danh mục tài sản nhà nước, chuyển tài sản này sang một dạng khác để đầu tư phát triển.

Để giải quyết tình trạng này, giải pháp duy nhất là đẩy mạnh triển khai cổ phần hóa theo đúng chủ trương của nhà nước. Đó là cổ phần hóa thực chất, minh bạch, giảm số vốn nhà nước xuống mức đủ để thay đổi cơ cấu sở hữu và thay đổi quản trị công ty.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục