Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 được trình bày tại Phiên khai mạc Kỳ họp Quốc hội thứ 2 (ngày 20/10/2016). Thủ tướng cũng khẳng định, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn phải đảm bảo minh bạch, công khai, không để thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, có được kết quả trên là do Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng.
Điểm lại tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm, Thủ tướng cho biết, tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,48%, quý II tăng 5,78%, quý III tăng 6,4%), nhờ đó, 9 tháng đầu năm GDP tăng 5,93%.
Liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng cho biết, tái cơ cấu kinh tế thời gian vừa qua đạt được một số kết quả bước đầu. Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu kinh tế, ngoài tập trung vào các trọng tâm là đầu tư công, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước, trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ còn tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu các ngành công nghiệp, dịch vụ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong đó, tái cơ cấu các ngành công nghiệp, dịch vụ theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh; thực hiện các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Đề cập việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng cho biết đang xây dựng Đề án Tổng thể cho giai đoạn 2016 - 2020 và Đề án thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. “Chỉ đạo đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn và thực hiện đấu giá, niêm yết trên thị trường chứng khoán, bảo đảm công khai minh bạch, không để thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
"Chỉ đạo đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn và thực hiện đấu giá, niêm yết trên thị trường chứng khoán, bảo đảm công khai minh bạch, không để thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước"
- Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc.
Đánh giá khá cao những kết quả đã đạt được trong 9 tháng đầu năm, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra không ít hạn chế, đặc biệt là tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ (tăng 5,93% so với 6,5%); chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 7,4% thay vì 9,9% của cùng kỳ năm 2015...
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng chỉ đạt 6,7% cũng là một trong những hạn chế được người đứng đầu Chính phủ đề cập vì tốc độ tăng trưởng này không chỉ thấp hơn mục tiêu là 10% mà còn thấp hơn cả tốc độ tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2015 (tăng 9,1%).
“Trong khi đó, thu ngân sách khó khăn, 9 tháng đạt thấp hơn cùng kỳ (chỉ đạt 70,8% dự toán so với 74,9%), nợ đọng thuế còn lớn; triển khai kế hoạch vốn đầu tư công chậm. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp; nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Với những diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2016, năm 2017, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7%. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đưa ra hàng loạt nhiệm vụ, trong đó, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh...
Theo đó, Chính phủ điều hành hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; nâng cao năng lực dự báo và ứng phó kịp thời với những biến động trong nước và quốc tế; thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; nâng cao chất lượng và bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao...
“Chính phủ sẽ trình Quốc hội Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; sửa đổi quy chế bảo lãnh tín dụng và Quỹ Bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; triển khai hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh khi được Quốc hội thông qua”, Thủ tướng cho biết các giải pháp sẽ được thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đó, theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục độ trễ quá dài giữa thời gian ban hành chính sách và thực tế triển khai; loại bỏ rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, rà soát cắt giảm thực sự các chi phí không hợp lý do quy định và thực thi pháp luật gây ra cho doanh nghiệp và người dân.
“Phải xử lý nghiêm các trường hợp chây ì trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra; đẩy mạnh sắp xếp lại khu vực sự nghiệp công để cung ứng dịch vụ công chất lượng, phục vụ chuyên nghiệp hơn; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn, hiệu quả; đánh giá thực chất kết quả Đề án xác định vị trí việc làm”, ông Thanh lưu ý.